Cùng với gần 107.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn Thành phố, Trần Khánh Linh (học sinh lớp 9, quận Bắc Từ Liêm) đang tập trung cao độ cho việc ôn tập để hy vọng giành được “tấm vé vàng” vào lớp 10 trường công lập ở Hà Nội. Năm nay, Linh có nguyện vọng thi vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Dù rất nỗ lực nhưng Linh vẫn cảm thấy lo lắng. “Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những trường có điểm trúng tuyển thuộc top cao, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chắc kiến thức sẽ rất khó để đỗ. Hiện tại, em đang tích cực ôn tập lại, làm các đề thi thử để củng cố kiến thức cũng như luyện kỹ năng làm bài nhanh hơn”, Khánh Linh chia sẻ.
Việc nắm vững quy chế thi và những quy định liên quan là yêu cầu bắt buộc để thí sinh vừa tránh bị vi phạm quy chế trong quá trình dự thi, vừa bảo đảm quyền lợi của mình. Ảnh: P.T |
Chung tâm trạng với Khánh Linh, Trần Nguyễn Thái An (học sinh lớp 9, quận Cầu Giấy) cho biết, em đang cảm thấy lo lắng. Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào kỳ thi quan trọng, dù đã lập cho mình kế hoạch ôn tập cụ thể, kết hợp nghỉ ngơi để chuẩn bị tâm lý và sức khỏe trước khi bước vào kỳ thi nhưng An thừa nhận, áp lực của kỳ thi ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của em và các bạn cùng lớp.
Dù chỉ trong phạm vi địa phương, nhưng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 tại Hà Nội có tính cạnh tranh khá cao. Do đó, việc lo lắng là điều khó tránh khỏi. Song thí sinh cần ghi nhớ, việc nắm vững quy chế thi và những quy định liên quan của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội là yêu cầu bắt buộc để vừa tránh bị vi phạm quy chế trong quá trình dự thi, vừa bảo đảm quyền lợi của mình. Tại quận Cầu Giấy, Phòng GD&ĐT quận đã yêu cầu các nhà trường phải thông tin đầy đủ, chính xác tới từng phụ huynh, học sinh về nguyên tắc xét tuyển vào trường công lập: Làm đủ số bài thi, không vi phạm quy chế thi và không có bài thi nào bị điểm 0. Vì vậy, ngoài việc làm đủ 3 bài thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ), thí sinh cần làm bài trung thực, tuyệt đối không có hành vi gian lận, nếu không chấp hành nghiêm túc có thể mất quyền lợi dự tuyển vào trường công lập.
Thí sinh cũng lưu ý, theo lịch tuyển sinh, từ ngày 9 đến ngày 13/6, thí sinh nhận “Phiếu báo thi vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023”. Ngay khi nhận phiếu báo thi, thí sinh cần kiểm tra tính hợp lệ của phiếu (có dán ảnh, đóng dấu giáp lai) và lưu ý về địa điểm thi để đến đúng ngày, giờ quy định. Cha mẹ học sinh cũng có thể đưa con đi “tiền trạm” để nắm rõ thời gian di chuyển đến điểm thi, chủ động phương án xử lý nếu có tình huống phát sinh, cố gắng không để đến muộn giờ thi. Nếu thí sinh đến chậm quá 15 phút, sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.
Trong giai đoạn “nước rút” khi chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi sẽ diễn ra, nhiều thầy cô giáo nhắn nhủ, học sinh và phụ huynh nên bình tĩnh và giữ thế chủ động. Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan (Trường Trung học cơ sở (THCS) Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), thời điểm hiện tại, quan trọng nhất là các em học sinh cần sắp xếp thời gian biểu hợp lý, cân bằng giữa thời gian học và thời gian nghỉ ngơi. Các em không nên quá áp lực, cần giữ gìn sức khỏe, tâm trạng thoải mái, bình tĩnh, học đến đâu chắc đến đó, tập trung củng cố lại kiến thức và rèn luyện kỹ năng tốt để sẵn sàng bước vào kỳ thi…
Cùng quan điểm, thầy giáo Nguyễn Cao Cường (Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa) động viên học sinh lớp 9 trên địa bàn Thành phố nói chung cũng như học sinh lớp 9 Trường THCS Thái Thịnh nói riêng nên cố gắng biến những ước mơ, khát vọng thành hiện thực. Theo thầy giáo Nguyễn Cao Cường, các em học sinh cần tạo lập lại nhịp sinh học phù hợp với khung thời gian thi. Các em nên ăn uống bình thường, không cần tẩm bổ gì quá đà để tránh trường hợp bị đau bụng, ngộ độc thức ăn do cơ thể không thích ứng được. Việc tạo lập nhịp sinh học cũng là một việc làm cực kỳ quan trọng bởi nhiều học sinh có thói quen học khuya, ngủ ngày, thậm chí ngủ tới 9-10 giờ sáng. Các em cần thiết lập lại, học không quá khuya, thức dậy sớm, rèn luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng, ăn sáng, thực hiện ôn tập các môn học trong khung giờ giống với khung giờ thi…
Chu đáo từng phần việc
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định mọi diễn biến của kỳ thi đều sẽ nhận được sự quan tâm của phụ huynh có con tham gia kỳ thi nói riêng và toàn xã hội nói chung. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi được xác định là phần việc quan trọng nhất, với mục tiêu bảo đảm an toàn, công bằng, khách quan, làm căn cứ để các trường THPT tuyển sinh đúng đối tượng, đạt yêu cầu.
Về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 tại Hà Nội, các trường THPT công lập không chuyên sẽ tuyển sinh theo phương thức thi tuyển với 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; trong đó bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Sáng 18/6, các thí sinh sẽ thi Ngữ văn, chiều 18/6 thi Ngoại ngữ và sáng 19/6 thi Toán. Ngày 20/6, các thí sinh thi chuyên thi môn chuyên theo lịch. Ngày 29-30/6, các thí sinh thi chương trình đào tạo song bằng thi 3 môn Toán, Vật lý, Hóa học bằng tiếng Anh; viết luận môn tiếng Anh; thi nói môn tiếng Anh. |
Đầu tháng 6, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố danh sách các điểm thi được sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023. Các điểm thi này đặt tại các trường THCS và THPT thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Mỗi điểm thi đều được bố trí ít nhất 2 phòng thi dự phòng nhằm chủ động ứng phó với tình hình dịch Covid-19 và các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thi. Cùng đó, khoảng 17.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên được điều động, trong đó có 14.000 người làm nhiệm vụ coi thi và số còn lại tham gia phục vụ, bảo vệ điểm thi. Thời điểm hiện tại, các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất của Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã đã hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, khảo sát các điểm thi trên địa bàn Thành phố, qua đó yêu cầu, kiến nghị khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm tất cả các điểm thi đều đạt yêu cầu để sử dụng trong kỳ thi.
Ghi nhận tại quận Ba Đình, toàn quận có 8 địa điểm thi, đặt tại 3 trường THPT là Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trãi và 5 trường THCS là Ba Đình, Nguyễn Công Trứ, Thăng Long, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được Ủy ban nhân dân quận lên kế hoạch chi tiết. Cụ thể từ ngày 10/6 cho đến khi kỳ thi kết thúc, Ủy ban nhân dân quận phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban và Ủy ban nhân dân các phường có đặt địa điểm thi thực hiện nhiệm vụ nhằm đạt kết quả tốt nhất.
Việc nắm vững quy chế thi và những quy định liên quan là yêu cầu bắt buộc để thí sinh vừa tránh bị vi phạm quy chế trong quá trình dự thi, vừa bảo đảm quyền lợi của mình. Ảnh: P.T |
Đặc biệt, do công tác tổ chức kỳ thi còn căn cứ vào tình hình dịch bệnh Covid-19, nên các địa điểm thi đã xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Thành phố, sở, ngành. Đối với các thí sinh thuộc diện F0 và thuộc diện ca bệnh nghi ngờ được bố trí dự thi ở các phòng thi riêng để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch. Công tác chuẩn bị phải đảm bảo mục tiêu tất cả thí sinh đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi dự thi, đồng thời cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thí sinh, cán bộ và những người tham gia phục vụ kỳ thi.
Tương tự, tại quận Hoàn Kiếm, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đang được đẩy mạnh. Cùng với việc tập trung chỉ đạo rà soát các khâu để kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đánh giá đúng trình độ người học, phản ánh đúng chất lượng dạy học, không để xảy ra sơ suất, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh; quận cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi; lực lượng công an xây dựng phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh trật tự, an toàn giao thông…
Còn tại quận Thanh Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Phạm Gia Hữu cho biết, Phòng đã lựa chọn 300 cán bộ, giáo viên phục vụ kỳ thi. Từ nay tới trước ngày thi, tất cả cán bộ, giáo viên đều được tập huấn về Quy chế thi. Những người không tham gia tập huấn hoặc không nắm vững quy chế thi sẽ không được làm nhiệm vụ. Với những người trong danh sách dự phòng cũng được tham gia tập huấn và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có quyết định điều động bổ sung.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, dù số lượng học sinh xét tốt nghiệp THCS năm nay tăng 19.000 em so với năm trước, song các em hoàn toàn yên tâm bởi chủ trương của Thành phố là bảo đảm 100% học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu được tiếp tục đi học tại các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đề thi các môn sẽ ra theo hướng bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. /.