Ký ức của người chiến sĩ thành Hoàng Diệu năm ấy

Những ngày này, Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022), đường phố rợp cờ hoa, lòng người rộn ràng niềm vui. Với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Hà – người đã từng cầm súng bảo vệ Thủ đô, cũng là người trong đại đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô, mãi là một ký ức không quên.

Cách đây 68 năm, ngày 10/10/1954, từ năm cửa ô, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tiến về giải phóng và tiếp quản Thủ đô. Hơn sáu thập kỷ đã qua nhưng ký ức về những ngày tháng 10 lịch sử ấy còn mãi khắc ghi trong tâm trí của ông Nguyễn Tiến Hà – Trưởng ban liên lạc Các chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1954), Phó Trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Năm nay đã 95 tuổi nhưng ông Nguyễn Tiến Hà vẫn minh mẫn, những dấu vết của sự tra tấn ngày xưa đã đỡ nhiều, hàng ngày, ông vẫn chăm chỉ tập luyện thể dục. Với ông, những ký ức về Hà Nội, về những ngày đấu tranh giải phóng Thủ đô là những “ngày không quên”.
Ký ức của người chiến sĩ  thành Hoàng Diệu năm ấy
Ông Nguyễn Tiến Hà chia sẻ về những ký ức trong Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Kim Tiến

Ông Nguyễn Tiến Hà tên thật là Nguyễn Hữu Tự, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông Hà có người anh trai thứ hai là Nguyễn Hữu Văn, từng là cận vệ và là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Tạ Quang Chiến (là một trong số 8 người được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi). Ông Hà từng thi đỗ tú tài từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó cũng chính là những ngày tháng sục sôi cách mạng, ông hăng hái gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có một việc công khai: Làm giáo viên truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân.

Những năm kháng chiến, với chiếc đèn dầu, đêm đêm ông đến Trường “Công ích” nằm trong Ngõ Chùa Liên Phái – phố Bạch Mai để dạy chữ cho người lao động, qua đó giác ngộ, tập hợp họ theo cách mạng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông xung phong gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trận đầu tiên, ông và đồng đội chiến đấu, quyết tử trên chiến lũy Ô Cầu Dền thuộc Liên khu II, góp phần cùng quân và dân Hà Nội cầm chân địch trong suốt 60 ngày đêm khói lửa, sau đó tạm rút về an toàn khu.

Năm 1948, ông Hà được điều động về vùng địch tạm chiếm trong nội thành Hà Nội, hoạt động ngầm, thọc sâu vào lòng địch, kìm chân địch, đánh từ trong đánh ra. “Vì bị bắt nên tôi lấy danh nghĩa là giáo sư dạy học cho các gia đình khá giả để hoạt động bí mật. Nhờ việc dạy học, tôi đã bồi dưỡng cho học sinh tinh thần yêu nước, vận động thế hệ trẻ tham gia cách mạng. Từ đây, bí danh Nguyễn Tiến Hà ra đời với lời thề “Tiến về Hà Nội” để giải phóng Thủ đô”, ông Hà chia sẻ.

Đến năm 1950, khi có lệnh từ Thành ủy, ông Hà cùng đồng đội phải cứu đồng chí phái viên công an hoạt động nội thành bị bắt ở nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức). Ít ngày sau, ông bị bắt và bắt đầu cuộc hành trình dài 3 năm bị giam giữ tại nhà tù thực dân. Đầu năm 1953, ông được trả tự do và tìm cách liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa. Năm 1954, ông Hà cùng với đội quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô.

“Chúng tôi về Hà Nội trước ngày 10/10 khoảng vài ba hôm và đóng quân ở Thanh Trì. Vì biết tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi được giao phụ trách Trại hàng binh Âu – Phi, làm nhiệm vụ tuyên truyền về chính sách của Việt Nam đối với các tù binh, hàng binh. Cũng trong những ngày này, chúng tôi đã được học tập về kỉ luật khi về tiếp quản Thủ đô như thế nào. Ví dụ, phải tuyên truyền, hiểu rõ chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nhân dân; thứ hai là không được đi ra đường lẻ mà phải đi theo tổ tam tam, tức là nếu có việc phải đi theo tổ 3 người”, ông Hà nhớ lại.

Không chỉ riêng ông Hà, mà những ký ức về Thủ đô ngày giải phóng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người chiến sĩ Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm ấy. Qua thực tế đấu tranh gian khổ trường kỳ, những đoàn viên thanh niên cứu quốc năm xưa đều đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những người con ưu tú của Thủ đô ngày ấy vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, vẫn luôn sẵn sàng góp sức dựng xây Thủ đô và đất nước; gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình, quần chúng nhân dân thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Đến ngày 10/10, không khí vô cùng nhộn nhịp. Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Buổi sáng ấy, những người nông dân còn ở dưới ruộng, khi thấy quân đoàn với lá cờ đỏ sao vàng hùng dũng hành quân về trung tâm Hà Nội, đã chạy túa ra đường, reo vang, ôm chầm lấy bộ đội. Người dân đứng hai bên đường chật ních trong không khí vui sướng, vỡ oà vì hạnh phúc. Những cô cậu học sinh quần áo nghiêm trang cầm theo cờ đỏ sao vàng vẫy chào bộ đội. Đoàn quân giải phóng đi qua trên phố trong tiếng hò reo của mọi người. 15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

“Thế hệ chúng tôi đã từng đau lòng chứng kiến cảnh người chết đói đầy phố phường Hà Nội năm 1945, rồi mê say với không khí độc lập tự do khi Cách mạng tháng 8 thành công. Khi thực dân Pháp quay trở lại, chúng tôi đã tham gia cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập non trẻ của Tổ quốc bằng tất cả trái tim và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Rồi lúc không may bị sa vào tay kẻ địch, trước mọi sự tra tấn, đầy đọa của kẻ thù, tuy mức độ ác liệt có khác nhau nhưng tất cả đều đã vượt qua, quyết không phản bội đồng đội, Tổ quốc”, ông Hà xúc động chia sẻ.

Nói về sự thay đổi của Thủ đô Hà Nội sau 68 năm giải phóng, ông Hà cho rằng, Thủ đô đã thật sự “lột xác”. Hà Nội đã thực sự bước sang một trang sử mới, gương mặt Thủ đô đàng hoàng hơn, rực rỡ hơn. Một Thủ đô bước qua khói lửa chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội; một Thủ đô vững vàng trong đại dịch, tương thân tương ái. Do vậy, ông Nguyễn Tiến Hà nhắn nhủ với thế hệ trẻ phải rèn luyện ý chí, nối tiếp truyền thống, xây dựng, bảo vệ đất nước với mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

“Thế hệ chúng tôi đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập tự do cho đất nước, bây giờ, việc giữ nước, phát triển đất nước thuộc về các thế hệ sau. Cũng như Bác Hồ đã từng nhắn nhủ trong ngày tiếp quản Hà Nội rằng “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tôi mong các lớp thế hệ trẻ bây giờ phải đưa đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh hơn. Nhất là thanh niên lứa tuổi đi đầu, phải dựa vào trí tuệ của mình, không chỉ sẵn sàng xung phong ra mặt trận chiến đấu mà cả những mặt trận về kinh tế, trí tuệ, khoa học kỹ thuật…”, ông Hà nhấn mạnh./.

Kim Tiến
https://laodongthudo.vn/ky-uc-cua-nguoi-chien-si-thanh-hoang-dieu-nam-ay-147004.html