Kỳ vọng làm “sống lại” 4 dòng sông nội đô

Việc phục hồi lại chất lượng nước, môi trường và cảnh quan 4 con sông nội đô thuộc khu vực trung tâm thành phố Hà Nội như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Đền Lừ, Sét đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Do đó, việc phục hồi chất lượng nước, môi trường, cảnh quan của các dòng sông này đang được các chuyên gia cùng các cấp chính quyền Thủ đô đặc biệt quan tâm.

Kỳ vọng khôi phục các dòng sông

Từ nhiều năm trước Hà Nội đã chỉ ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm, làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng như Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai có công suất 200.000m3/ngày đêm, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu được đưa vào vận hành từ năm 2013.

Ngoài ra, nhiều dự án cũng được thành phố Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, dự kiến công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm. Một số dự án khác đã và đang khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, những giải pháp nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các sông nội đô, kể cả sông lớn như sông Nhuệ, Đáy cũng như các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Đền Lừ và Sét vẫn chưa đạt được như mong muốn. Hệ thống 4 con sông này hiện nay chỉ còn là những kênh mương tiêu thoát nước mưa và nước thải của Thành phố.

Kỳ vọng làm “sống lại” 4 dòng sông nội đô
Sự hình thành và chức năng của hệ thống 4 con sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét gắn bó chặt chẽ với sự phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội.

Để làm sống lại các con sông nội đô, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chủ trì xây dựng Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Đền Lừ, Sét đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Đề án đang được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện trước khi trình UBND Thành phố xem xét triển khai.

Quan điểm của Đề án giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đó là: Phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 4 con sông nội đô được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội. Lấy phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước là chủ đạo, kết hợp kiểm soát, khắc phục, cải thiện chất lượng môi trường nước. Kết hợp hài hòa giữa yếu tố môi trường tự nhiên và các giá trị lịch sử văn hóa, tái kết nối dòng sông với không gian ven sông và khu vực phát triển hai bên trong việc phục hồi và phát triển hệ thống sông nội đô, tạo nên “thương hiệu” cho Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đồng thời mở rộng, đa dạng hoá nhưng có lựa chọn trọng điểm nhằm thu hút đầu tư.

Trong khuôn khổ Đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đặt mục tiêu: Ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường nước trên hệ thống sông nội đô đáp ứng các quy chuẩn về môi trường; đóng góp vào việc đáp ứng các tiêu chí đặt ra để được “Thành phố xanh – thông minh – sáng tạo”, tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường; khôi phục các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của dòng sông, gắn với hệ sinh thái nhân văn các khu định cư truyền thống và khu phát triển mới dọc sông.

Theo ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để làm sống lại các con sông nội đô, Sở Tài Nguyên Và Môi trường Hà Nội đang đánh giá lại các quy hoạch, đề án đã được duyệt trước đây nhằm hoàn thiện để trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt, triển khai Đề án. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đang xem xét lại tiêu chuẩn môi trường nhằm đánh giá, tiếp nhận và xử lý nguồn nước thải cho 4 con sông nội đô. Thực tế dù đã có nhiều công trình được triển khai nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm.

Nhiều vấn đề đặt ra

Góp ý về Đề án, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho biết, đặc điểm thoát nước của thành phố Hà Nội là hệ thống thoát nước chung, do đó đối tượng xả thải dọc 4 sông không thể thu gom vào hệ thống chung đang chiếm tới 12% tổng lưu lượng nước thải. Vì vậy, cần phải tạo dòng chảy cho các dòng sông này bằng cách bổ sung nước sạch, đưa chúng về đúng chức năng thoát nước mưa.

Đồng thời, bổ cập nguồn nước sạch từ sông Hồng để bảo đảm dòng chảy tự nhiên, làm cân bằng hệ sinh thái, đồng thời cấp nước nông nghiệp vào mùa khô cho khu vực phía Đông Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của Thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông.

Ở góc độ quản lý, Tiễn sĩ Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lưu ý, cần lựa chọn thời điểm thích hợp để triển khai đề án nhất là trong bối cảnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030 dự kiến phải đến năm 2024 mới xong, còn điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn 2065 sẽ rất lâu mới hoàn thiện; Luật Thủ đô (sửa đổi) có bàn đến vấn đề sông hồ của Hà Nội, nhưng chỉ chú trọng vấn đề phát triển 2 bờ sông Hồng.

“Trong bối cảnh Hà Nội có 2 quy hoạch đang được thực hiện và Luật Thủ đô (sửa đổi) đang chờ phê duyệt, Đề án còn thiếu nhiều yếu tố đầu vào, nguồn đầu tư… Nên nếu trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có chủ trương vấn đề này thì việc cấp phép đầu tư cho Đề án mới thành công. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu kỹ về thời điểm thực hiện và thời hạn chuyển giao, trong đó ưu tiên đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và ổn định dòng chảy cho 4 dòng sông nội đô”, Tiễn sĩ Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị.

Có thể thấy, việc phục hồi chất lượng môi trường các con sông trên địa bàn thành phố Hà Nội không phải là câu chuyện “sớm, chiều”, để giải quyết vấn đề này, cần sự quyết tâm rất lớn từ Thành phố xuống địa phương. Bởi nếu không xử lý sớm, không có cơ chế phù hợp, tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng phức tạp, ảnh hưởng sức khỏe người dân, gây mất mỹ quan đô thị.

Tuấn Dũng

Kỳ vọng làm “sống lại” 4 dòng sông nội đô (laodongthudo.vn)