Kỳ vọng vào một Hà Nội phát triển toàn diện

Người dân Thủ đô kỳ vọng, sau khi “Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị được ban hành và đi vào thực tế, các vướng mắc trong vấn đề về trọng dụng nhân tài, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, quy hoạch và đầu tư công sẽ tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ, tạo động lực cho Thủ đô phát triển toàn diện.

Bạn Nguyễn Ngọc Kiều Nguyên (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền): Hà Nội phát triển nhanh, toàn diện, với nhiều điểm nhấn là điều nhìn thấy rõ, thế nên những năm qua, rất đông người lựa chọn Hà Nội để học tập, công tác, lập nghiệp, gắn bó. Thời gian qua, Hà Nội khá chú trọng trong chính sách trọng dụng nhân tài khi có các hoạt động ý nghĩa như: Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn; tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước, được ưu tiên cử đi đào tạo ở nước ngoài và hỗ trợ kinh phí làm khóa luận về mức lương cũng có phần được ưu ái hơn… Đây là động lực phấn đấu cho nhiều học sinh, sinh viên.
Kỳ vọng vào một Hà Nội phát triển toàn diện
Bạn Nguyễn Ngọc Kiều Nguyên

Là một người con xứ Nghệ lựa chọn thành phố Hà Nội để học tập và hi vọng được làm việc, cống hiến tại đây, tuy nhiên, dù đã là sinh viên năm thứ 3 với thành tích học tập tốt, được kết nạp Đảng từ khi học Trung học phổ thông nhưng tôi vẫn khá băn khoăn với cơ hội việc làm và mức lương trong tương lai.

Theo tôi, phạm vi đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng nhân tài tại Hà Nội còn hạn chế. Số lượng người được tuyển dụng còn khiêm tốn. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao chủ yếu là thông qua bằng cấp mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.

Để thu hút thêm được nhiều người tài cho Thủ đô, Hà Nội cần nới rộng phạm vi đánh giá nhân tài. Xây dựng bản mô tả công việc chi tiết, đặc thù với các kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất, nhất là năng lực đặc biệt, vượt trội; phẩm chất, ý chí thể hiện qua sức sáng tạo, niềm tin, khát vọng được cống hiến, đóng góp cho xã hội.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần có quy định rõ ràng hơn về chính sách đãi ngộ, hệ thống tiền lương, thưởng, phụ cấp. Bởi thực tế, hiện nay rất nhiều người tài muốn cống hiến cho Thủ đô, làm việc ở các cơ quan nhà nước tuy nhiên mức lương tại khu vực nhà nước đang khá chênh lệch với khu vực tư nhân. Áp lực về kinh tế đã khiến họ phải lựa chọn một bến đỗ khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 7 (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm): Tôi kỳ vọng cao vào “Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2024, tầm nhìn đến năm 2065” và tin tưởng vào sự phát triển của Thành phố sau khi quy hoạch được thông qua.

Thời gian qua, Hà Nội luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng và bố trí nguồn lực cho hoàn thiện, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa. Tuy vậy, việc xây dựng, đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do vướng mắc về quy hoạch và đầu tư công.

Kỳ vọng vào một Hà Nội phát triển toàn diện
Ông Nguyễn Mạnh Hoạt

Hiện nay, hầu hết các phường thuộc quận nội thành Hà Nội nói chung và tại Bắc Từ Liêm nói riêng đang rất thiếu các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi công cộng cho người dân sinh hoạt, hội họp. Trong khi đó, nhiều địa phương còn quỹ đất nhưng lại không thể bố trí không gian sinh hoạt cho người dân và cả trường học cho các cháu học sinh chỉ vì không được phép điều chỉnh quy hoạch.

Hi vọng sau khi Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2024, tầm nhìn đến năm 2065” được thông qua và đi vào thực tế, sẽ xử lý hài hòa vấn đề phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại đi đôi với chú trọng đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, nâng cao nhu cầu hưởng thụ của người dân”.

Bên cạnh đó, tôi mong muốn thời gian tới Thành phố sẽ chú trọng hơn tới việc cải tạo môi trường, chất lượng sống cho người dân, xử lý kênh mương ôi nhiễm, làm hồi sinh các dòng sông mang dấu ấn lịch sử như sông Tô Lịch…

Chị Nguyễn Thị Mai Loan, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kenmec Việt Nam: Trong những năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị thế trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; có bề dày lịch sử, văn hóa với số lượng di sản, di tích lớn nhất cả nước, hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú và đặc sắc; có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Kỳ vọng vào một Hà Nội phát triển toàn diện
Chị Nguyễn Thị Mai Loan

Thời gian tới để phát huy những kết quả đã đạt được, Hà Nội cần làm tốt hơn nữa, đó là tiếp tục phát triển các hệ thống giao thông, tạo sự thuận lợi hơn cho kết nối, phát triển kinh tế giữa Hà Nội với các vùng kinh tế trong cả nước. Đặc biệt, với những chính sách đã và đang triển khai, Hà Nội là nơi thu hút rất đông lao động, hiện nay, Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động. Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%).

Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, công nhân lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp, có khoảng trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao… Ngoài ra, các Trường học công lập cho con công nhân lao động còn thiếu, điều đó đã gây khó khăn hơn cho người lao động. Do đó, để có thể phát triển đồng bộ, Hà Nội cần mở rộng các khu công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người lao động, cùng với đó là hệ thống trường học, cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

L.Thắm – N.Hoa