Việc những tấm rào hoa sắt phía đường Trần Nhân Tông của Công viên Thống Nhất được hạ xuống khiến người dân Thủ đô vui mừng, cho thấy dấu hiệu tư duy quản lý công viên chính thức thay đổi. Bỏ đi hàng rào đồng nghĩa với việc đưa công viên trở lại đúng với chức năng không gian công cộng của đô thị, tạo điều kiện để người dân nghỉ ngơi, thư giãn bất cứ lúc nào.
Khu vui chơi tại công viên được nhiều gia đình cho các em nhỏ trải nghiệm. |
Bà Mai Thị Lan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Công viên khi không còn hàng rào đã thực sự là công viên, người dân quanh đây ai cũng đều phấn khởi. Bỏ đi hàng rào đồng nghĩa với việc đưa công viên trở lại đúng với chức năng không gian công cộng của đô thị, tạo điều kiện để người dân nghỉ ngơi, thư giãn bất cứ lúc nào, từ mọi vị trí xung quanh công viên. Mong rằng không chỉ Công viên Thống Nhất mà còn có thể nhân rộng ra cả các công viên khác trên địa bàn Thành phố”.
Anh Đoàn Thanh Hải (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, từ khi Công viên Thống Nhất được loại bỏ phần hàng rào, tạo không gian mở, những ngày cuối tuần, anh hay đưa các con đến đây chơi, tham gia một số hoạt động thể dục thể thao.
“Trước kia, mỗi lần người dân đi qua khu vực này, nhìn cảnh rào cao tường kín, để được vào công viên phải qua cổng mua vé khiến nhiều người rất ngại. Vì vậy, dù công viên to đẹp nhưng đìu hiu, vắng lặng. Việc bỏ đi phần hàng rào, tạo không gian mở sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với công viên, chấm dứt sự lãng phí xót xa khi người dân Thủ đô đang rất thiếu những không gian công cộng – nơi có thể thư giãn, vui chơi giải trí”, anh Hải nói.
Nhiều người vào công viên tập thể dục nâng cao sức khỏe. |
Ông Ma Kiên Hán, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, sau khi mở rào, bỏ thu vé, công viên đã chỉnh trang lại các cổng chính, cầu đảo, khu nhà thuyền, trồng thêm các vườn hồng, sắp xếp các vườn hoa nhỏ lẻ thành mảng vườn hoa lớn để du khách có thể chụp ảnh check-in.
Hiệu quả có thể thấy rõ khi lượng khách đến với công viên ngày một tăng, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Về chất lượng khách cũng đã thay đổi, nếu như trước đây đa số người dân đến công viên để tập thể dục thì nay đa số là các nhóm bạn trẻ, các gia đình đến vui chơi, chụp ảnh. Du khách nước ngoài đến với công viên ngày một tăng, họ cũng có nhiều đánh giá công viên khá tích cực trên các trang mạng xã hội nước ngoài.
Ngoài ra, khi mở rào khớp nối với phố đi bộ, những chương trình ca nhạc, thể thao do Ủy ban nhân dân quận phối hợp tổ chức đã thu hút được người dân quan tâm.
“Một hạn chế của công viên hiện nay là dịch vụ ăn uống, hiện mới chỉ phục vụ được cà phê, đồ ăn nhẹ. Tới đây, Công viên Thống Nhất phối hợp với quận tổ chức một số chương trình giới thiệu văn hóa ẩm thực với mong muốn giữ chân du khách, người dân trải nghiệm ở công viên nhiều hơn”, ông Hán chia sẻ.
Theo Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hai Bà Trưng, sau khi mở rào Công viên Thống Nhất kết nối với không gian đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận, địa điểm trên đã thu hút số lượng lớn người dân đến xem, vui chơi, thưởng thức các chương trình nghệ thuật, thể dục thể thao đặc sắc…
Công viên cũng là sân chơi bổ ích cho thanh thiếu niên. |
Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức như: Diễn xướng, hát văn, quan họ Bắc Ninh, xiếc và tạp kĩ đã được quận phối hợp với Công viên Thống Nhất tổ chức.
Các giải thể thao, kéo co, cầu chinh; đồng diễn các tiết mục thể dục thể thao như Taekondo, võ Nam Hồng Sơn, võ Vovinam… được tổ chức thu hút đông đảo người dân. Đặc biệt, cuộc thi vẽ tranh dành cho học sinh tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng tổ chức tại đây thu hút hơn 100 học sinh tham gia với nhiều bức tranh thú vị.
Trước sự đổi thay của Công viên Thống Nhất, rất nhiều công viên khác của thành phố Hà Nội có mong muốn được bỏ thu phí qua cửa để đón chào người dân vào không gian cộng đồng đầy hữu ích này.
Các công viên “sống lại” nghĩa là những lá phổi của thành phố Hà Nội nói chung và mỗi người dân nói riêng sẽ được hít thở nhiều không khí trong lành hơn, sẽ được hưởng thụ các không gian tiện ích công cộng tốt hơn.