Làm giấy sắc phong: Nghề truyền thống cần được khôi phục và gìn giữ

Làng Nghĩa Đô nằm bên hữu ngạn sông Tô Lịch là một làng gồm 4 thôn: Tiên Thượng (Tân), Vạn Long (Dâu), Yên Phú (An Phú) và Trung Nha (làng nghề) cùng với các làng Yên Thái, Đông Xã, Hồ Khẩu hợp thành cụm làng làm giấy. Nghĩa Đô trước thuộc huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông về sau là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa, dân làng sống chủ yếu bằng nghề dệt và nghề giấy, còn ruộng thường cho cấy rẽ.

sac-phong.jpg

Giấy sắc dùng viết “ Tam cáo sắc” phỏng theo thời Nguyễn.

Nói về nghề giấy sắc Nghĩa Đô, dân gian đã lưu truyền những câu ca dao đầy tự hào:

Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô

Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ

(Ca dao)

Ở Nghĩa Đô có dòng họ Lại là một họ lớn. Khi Lại Thế Giáp lấy bà Phi Diệm Châu là con gái Trịnh Tráng (1623 – 1652) thì họ Lại giành được đặc ân chuyên sản xuất giấy sắc, cung cấp cho triều đình để viết sắc phong. Gia phả họ Lại cũng cho biết 4 – 5 đời thông gia với nhà chúa nên họ Lại còn có tên gọi nữa là Kim Tiên Thị, do vua ban. Dưới thời phong kiến, dòng họ Lại làm giấy sắc theo sự đặt hàng của triều đình. Giấy sắc là loại đã được vua chúa thẩm định kỹ lưỡng và đều thuộc loại quý hiếm. Giấy sắc không chỉ óng mịn như lụa mà còn bền dai như tơ, rất “cắn mực” khi viết, khi vẽ… Có những sắc phong trải qua gần 400 năm mà nét chữ, màu sắc, họa tiết vẫn tươi nguyên như thuở ban đầu trong khi loại giấy tốt nhất hiện nay cũng chỉ “thọ” được 50 năm là cùng, dễ bị hỏng nát do mối mọt xông, hoặc bị ố nhòe, bay mực. Xưa kia, giấy sắc là “Quốc bảo”, dân gian ai mà tự tiện mua dùng, nếu để thất thoát ra ngoài tờ nào thì bị coi là “phạm thượng”. Chính vì vậy mà cho đến nay họ Lại không lưu được bộ giấy sắc các triều đại. Nếu muốn tìm hiểu diện mạo sắc phong các triều đại phải khổ công đến các đình, đền miếu hoặc các dòng họ “thế gia lệnh tộc” may chăng còn giữ được một số mẫu.

Giấy sắc có nhiều loại: nhất gấm, nhất cáo sắc và nhị cáo sắc. Các loại khác nhau về kích cỡ và đường nét hoa văn trang trí.

Loại nhất gấm: Dùng làm sắc phong cho các bách thần gồm: Sắc Thượng đẳng thần, sắc Trung đẳng thần và sắc Hạ đẳng thần. Mặt chính được trang trí một hình rồng lớn vờn bay trong mây gọi là long ám. Mặt sau in hình tứ linh: Long, ly, quy, phượng.

Giấy sắc phong bách quan cũng có 3 loại: Nhất cáo sắc, Nhị cáo sắc và Tam cáo sắc. Nhất cáo sắc và Nhị cáo sắc dùng để phong cho quan lại có công với nước. Nhất cáo sắc và Nhị cáo sắc đều vẽ long ám (rồng ẩn hiện trong mây), riêng Tam cáo sắc lại vẽ con rồng lộ diện. Mặt sau của Nhất cáo sắc vẽ tứ linh: Long, ly, quy, phượng, Nhị cáo sắc thì vẽ quy, phượng, còn Tam cáo sắc thì vẽ một con rồng và in chữ thọ (có tài liệu còn nói mặt sau của Tam cáo sắc còn vẽ đề tài bầu rượu túi thơ).

Ngoài ra, có loại giấy sắc bán ở chợ, kích thước nhỏ hơn, trang trí đơn giản, chất lượng giấy kém hơn, dùng viết khoán ước, cúng nơi cửa đền, cửa phủ. Mỗi năm, làng giấy Nghĩa Đô chỉ sản xuất được vài trăm tờ giấy sắc phục vụ triều đình, còn lại sản xuất các loại giấy bình thường đem bán ngoài chợ.

Theo tên gọi, Kim Tiền – giấy sắc đương nhiên phải màu vàng và nó là tinh hoa giấy dó nhuộm phẩm màu thiên nhiên. Vẽ sắc phong phải bằng nhũ vàng, nhũ bạc xịn. Nghề làm giấy dó đã công phu, nghề làm giấy sắc còn công phu gấp bội. Muốn có được một tờ giấy sắc phải qua một số công đoạn phức tạp. Chọn dó làm giấy sắc phải chọn loại tốt, nuột, chất lượng cao. Giấy dùng để phong cho hàng nhất phẩm phải có 5 thợ cùng làm một lúc mới seo nổi một tờ. Giấy dùng để phong sắc cho hàng phẩm trật thấp hơn (từ nhị phẩm xuống đến cửu phẩm) cũng phải ba người xeo một tờ. Khi xeo xong phải dùng que dò để cuốn, khi can cũng phải có 2 người, phải dùng thép can trát bóng bôi lên tường mới dính được giấy để phơi. Giấy khô, dùng da trâu bò nấu kỹ (nung keo) gọi là nước keo, nước keo phải có phèn chua, dùng thép bồi giấy, thép lên hai mặt, mỗi mặt hai lần.

Sau khi giấy khô thì bắt đầu nhuộm màu bằng nước hoa hòe. Nhuộm sắc phải có hai màu chính là màu da thị và da đồng, nhưng muốn có màu da đồng thì nước trưng hoa hòe phải có thêm hồng đơn, một chút bột điệp. Mỗi mặt thép hai lần nước màu. Nhuộm xong đến công đoạn nghè, nền nghè là một phiến đá lớn có mặt phẳng nhẵn bóng. Đặt giấy lên hai người dùng chày đập đều đặn lên lần lượt khắp mặt giấy, lúc đầu giấy xốp, tiếng chày nghe bình bịch, đập đến khi nghe tiếng chày đanh là được, mặt giấy rất mịn và bền chắc. Sau đó dùng bản in khắc gỗ để in bo viền xung quanh và các chữ triện.

Vẽ có 2 mức: Vẽ chạy và vẽ đồ. Vẽ chạy nét cần người khéo tay và vẽ đẹp, vẽ đồ chỉ là vẽ để bổ sung và hoàn thiện. Phụ nữ chuyên seo giấy, đàn ông chuyên vẽ. Hoa văn trang trí tờ sắc bằng kim nhũ có 2 màu vàng hoặc bạc. Dùng quỳ vàng bạc thật, thấp hơn thì dùng quỳ đồng và quỳ thiếc. Hình rồng uốn lượn trong vân mây có ánh vàng hoặc ánh bạc lấp lánh trên nền da thị, da đồng rất đẹp. Những tờ sắc xưa còn lại cho đến ngày nay đã vài thế kỷ giấy vẫn bền chắc, nét vẽ và chữ viết vẫn mềm mại sắc nét, chỉ có viền sắc phong và mầu là chứa đậm nét thời gian, càng tăng thêm vẻ trang trọng và sự linh thiêng.

Các công đoạn để làm giấy sắc được giữ bí mật và chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái. Từ khâu chọn dó, nấu dó, nghiền lọc thành bột đến khâu xeo giấy, ép giấy và vẽ đều đòi hỏi người thợ có tay nghề cao, dày dặn kinh nghiệm. Cũng do công phu chế tác mà giấy sắc giá rất cao. Thời Nguyễn, triều vua Khải Định thứ 9 (năm 1924) nhà vua tổ chức thượng thọ tứ tuần có đặt mua của họ Lại hàng vạn tờ giấy sắc để viết sắc phong cho bách quan, bách thần. Làng giấy Nghĩa Đô được một năm phát đạt.

Hiện nay nhu cầu về giấy gió đã thay đổi huống chi là giấy sắc. Chỉ những người chuyên vẽ tranh Đông Hồ, viết thư pháp còn dùng giấy dó, nhưng số lượng không nhiều. Công nghệ làm giấy dó, đặc biệt là giấy sắc lại vô cùng tốn kém nên giá thành cao khó có thể cạnh tranh với giấy công nghiệp nên ít người muốn làm. Hơn nữa, nghề giấy sắc lại là nghề độc quyền, mật truyền của dòng họ Lại nên không thể trao cho người ngoài. Từ năm 1945 đến nay nghề làm giấy sắc ở Nghĩa Đô không còn nữa. Trước đây còn có cụ Lại Phú Bàn là đời thứ 20 theo nghề làm giấy sắc nhưng nay cụ đã mất. Lần cuối cùng cụ Bàn làm giấy sắc là năm 1944, năm 19 Bảo Đại.

Năm 2003, khi cùng những cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Hà Nội nghiên cứu, tìm hiểu về nghề thủ công độc đáo của dòng họ Lại tại kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội, tôi đã được gặp gỡ, trò chuyện với cụ Lại Phú Bàn – nghệ nhân duy nhất còn lại lúc bấy giờ và cũng là người cuối cùng biết được bí quyết và công nghệ làm giấy sắc. Chuyện trò với chúng tôi, cụ rất tự hào về nghề truyền thống của dòng họ mình nhưng lại đăm chiêu lo lắng vì tuổi cụ đã cao nhưng cho đến nay vẫn chưa có được ai để truyền giữ lại nghề truyền thống bao đời của dòng họ mình. Cụ nói: “Đây là nghề độc quyền của họ Lại nên không thể trao nó cho ai ngoài con cháu trong họ dẫu nhiều khách nước ngoài đến nài nỉ tôi bán bí quyết cho họ”. Lúc ấy, do nhu cầu của một số nơi và một số người cần sao chép lại bằng, sắc nên cụ Bàn có ý định khôi phục lại nghề nhưng điều đó vẫn chỉ là tâm nguyện của cụ. Nay cụ Lại Phú Bàn đã đi xa, trước khi đi xa cụ đã kịp truyền lại nghề cho các con. Vì vậy dòng họ Lại giờ chỉ còn 2 người con của cụ Lại Thế Bàn là Lại Phú Trạch và Lại Thị Hà (cháu đời thứ 23 của dòng họ) biết được bí quyết làm giấy sắc. Những người khác trong dòng họ cũng chỉ nắm được những nội dung cơ bản của quy trình đó mà thôi.

Ngày nay tuy giấy sắc không còn vai trò hệ trọng như xưa nhưng loại giấy cao cấp này vẫn cần cho việc phục chế các văn kiện chân bản trong trong các cơ quan lưu trữ, thư viện, các viện bảo tàng và những bằng khen của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ. Thiết nghĩ nên sử dụng giấy sắc để lưu niệm lâu dài và cũng là cách trân trọng giữ gìn một di sản văn hóa của dân tộc và khuyến khích việc bảo tồn nghề độc đáo của Thủ đô nghìn năm văn hiến./.

Ths. Nguyễn Thị Trung

Làm giấy sắc phong: Nghề truyền thống cần được khôi phục và gìn giữ (nguoihanoi.vn)