Lan tỏa các mô hình văn hóa tại khu dân cư

Thời gian qua, việc tích cực xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Do đó, người dân phấn khởi tham gia với ý thức trách nhiệm cao, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, trong cộng đồng.

Những mô hình hay

Những năm qua, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) được biết đến là nơi có nhiều điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa với các hoạt động như: mô hình Cầu thang văn hóa; Câu lạc bộ thơ; Xây dựng gia đình học tập… Trong đó, mô hình cầu thang văn hóa tại các khu tập thể đang trở thành phong trào đẹp trên địa bàn phường. Tại đây, cư dân tổ chức thành điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn với thư viện thu nhỏ có các loại sách, báo; niêm yết các quy định của các hộ dân. Nơi này cũng là không gian giao lưu văn hóa, chia sẻ tình cảm, giúp cư dân khu tập thể thêm gần gũi, gắn kết.

Lan tỏa các mô hình văn hóa tại khu dân cư
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, trên địa bàn Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay. Ảnh: K.Tiến

Chị Nguyễn Minh Phương đã sinh sống ở nhà A3 (tổ 17, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) hơn 20 năm cho biết, ý tưởng biến chân cầu thang thành điểm giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin là sáng kiến đầy ngẫu hứng của một số cán bộ về hưu ngành Quân đội sinh sống ở khu tập thể khi tình cờ cùng ngồi chơi nơi đây. Cũng chính các cụ đã đi vận động, thuyết phục từng hộ gia đình đồng thuận. Đáng nói, những góc nhỏ này đã xóa đi tình trạng trộm cắp vặt, tệ nạn xã hội hay quảng cáo, rao vặt trái phép.

Hàng ngày, tại khu vực cầu thang văn hóa, tiếng cười nói, bàn luận của những người cao tuổi ngồi đọc sách, báo vang lên rộn rã khiến mọi người cảm thấy rất vui. Không chỉ là không gian văn hóa, nơi đây còn kết nối những người dân sinh sống trong khu tập thể lại với nhau. “Những năm qua, góc nhỏ tại cầu thang văn hóa đã là một điểm đến thân thiện của cả người già lẫn người trẻ. Đây cũng là nơi giao lưu để các thế hệ hiểu nhau hơn. Là nơi giáo dục, tuyên truyền, nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng”, chị Phương chia sẻ.

Để duy trì mô hình cầu thang văn hóa được lâu dài, một bản nội quy đi kèm cũng được niêm yết, với đầy đủ các quy định, như: Người dân chủ động luân phiên dọn dẹp vệ sinh; ngăn chặn quảng cáo, rao vặt trái phép; không tận dụng cầu thang làm điểm kinh doanh, đặt để đồ cá nhân; có ý thức đi nhẹ, nói khẽ… Cùng với mô hình cầu thang văn hóa, các mô hình văn hóa khác cũng được người dân phường Nghĩa Tân tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hằng năm, toàn phường có từ 92-95% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Tương tự, tại địa bàn Tổ dân phố 27, Khu dân cư số 11, phường Láng Thượng (quận Đống Đa) việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cũng được tập trung tuyên truyền, vận động bà con khu dân cư giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện tuyến đường xanh – sạch, tạo nếp sống văn minh, không gian sạch đẹp. Bà Vũ Thị Thanh Bình – Bí thư chi bộ Khu dân cư số 11, cho biết, từ nhiều năm nay, phong trào vệ sinh môi trường đã lan tỏa sâu rộng, trở thành nền nếp trong khu dân cư, ngày càng nhiều người dân tự giác dọn vệ sinh hằng ngày quanh nhà, quanh ngõ, phố nơi mình sinh sống.

Trước thực tế một số hộ kinh doanh hàng ăn đun nấu bằng bếp than tổ ong, gây ô nhiễm môi trường, bà Bình cùng các cán bộ địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, chỉ rõ tác hại của việc sử dụng loại bếp này. Đến nay, việc đun nấu bằng bếp than tổ ong tại địa bàn cơ bản chấm dứt. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn minh, các đoàn thể của khu dân cư đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng, sửa sang lại nhà văn hóa. “Sau một thời gian sửa chữa, giữa năm 2017, nhà văn hóa Khu dân cư 11 với diện tích gần 100m2 đã hoàn thành, hệ thống trang thiết bị cũng được đầu tư, giúp người dân có nơi sinh hoạt ổn định, tạo sự đoàn kết, gắn bó. Đồng thời, nơi đây cũng trở thành một thư viện miễn phí phục vụ các cháu nhỏ và người dân”, bà Vũ Thị Thanh Bình bày tỏ.

Tạo dấu ấn cho các khu dân cư

Còn trên địa bàn quận Thanh Xuân, việc tổ chức thực hiện mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” (không rác; không có vi phạm pháp luật; không để xảy ra trường hợp cháy nổ; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vi phạm trật tự xây dựng) trên địa bàn quận Thanh Xuân, đã phát huy được hiệu quả tích cực. Cán bộ, đảng viên, hội viên gương mẫu đi đầu thực hiện, các hộ dân hưởng ứng tham gia, cùng nhau xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, văn minh. Trong đó, nhiều phường thực hiện Tổ dân phố “5 không” với nhiều cách làm hay, thiết thực như phường Khương Trung, Thanh Xuân Nam, Kim Giang. Qua đó, các tổ dân phố tổ chức chỉnh trang lại các bờ tường bong tróc, sơn toàn tuyến, vẽ tranh bích họa, xây dựng nhiều đoạn đường nở hoa, nhiều khu vực trước đây là nơi tập kết rác nay trở thành góc trưng bày cây cảnh và hoa…

Song song với đó, các khu dân cư, tổ dân phố cũng thay đổi hình thức, biểu ngữ tuyên truyền để tác động tích cực đến ý thức người dân như: “Xin đừng vứt rác nơi công cộng”, “Chung tay cùng cộng đồng hãy bảo vệ môi trường, thu, gom rác đúng nơi quy định”… Đồng thời, tổ chức ký cam kết các nội dung thực hiện Tổ dân phố văn hóa “5 không” đến từng hộ của các tổ dân phố đăng ký; niêm yết công khai nội dung các tiêu chí xây dựng Tổ dân phố văn hóa “5 không” tại các nhà sinh hoạt cộng đồng, bảng tin các khu dân cư, tổ dân phố…

Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025, đã đề cập đến việc xây dựng mô hình ở mỗi cơ quan, công sở, trường học, cộng đồng dân cư, trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, gắn với thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng; đồng thời phát huy năng lực tự tổ chức đời sống văn hóa ở thôn, tổ dân phố; xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa thể thao cơ sở.

Các mô hình văn hóa đã chứng minh tính hiệu quả trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư, cải thiện bộ mặt địa phương. Việc tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của các địa phương tại Hà Nội cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Do đó, người dân phấn khởi tham gia với ý thức trách nhiệm cao, góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng.

Qua việc xây dựng các mô hình văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, có thể hiểu các địa phương lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho người dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống, vào từng người, từng gia đình và cộng đồng dân cư. Cũng từ đó, các địa phương huy động mọi nguồn lực tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa; phát huy nội lực, tiềm năng của cơ sở, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.

Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, trên địa bàn Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều mô hình văn hóa hay. Tất cả các mô hình này đều xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống, không chỉ góp phần làm cho khu dân cư nền nếp, văn minh hơn mà còn giúp người dân nâng cao ý thức về lợi ích chung của cộng đồng. Chính những cách làm này đã từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến một Hà Nội văn minh, hiện đại.
Kim Tiến