Lan tỏa giá trị nhân văn từ mô hình “Điểm nhân ái”

Được triển khai từ đầu năm 2022, mô hình “Điểm nhân ái” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mê Linh tổ chức phát động đến nay đã đưa lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nguồn kinh phí từ quỹ “Điểm nhân ái” kết hợp với nguồn xã hội hóa đã góp phần giúp đỡ những học sinh, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống.

San sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ và trẻ em nghèo

Theo đó, mô hình “Điểm nhân ái” được Hội LHPN huyện Mê Linh triển khai với mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia xây dựng mô hình “Điểm nhân ái” gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng Nông thôn mới và vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom phế liệu trong gia đình, bán lấy kinh phí để gây quỹ ủng hộ mô hình “Điểm nhân ái”.

Lan tỏa giá trị nhân văn từ mô hình “Điểm nhân ái”
Một buổi thu gom phế liệu gây quỹ “Điểm nhân ái” của Hội LHPN xã Tam Đồng. (Ảnh: Hội LHPN huyện Mê Linh)

Mô hình trên được Hội LHPN huyện triển khai từ năm 2021 với mô hình điểm tại xã Thạch Đà. Từ hiệu quả của mô hình tại xã Thạch Đà, đầu năm 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Mê Linh đã xây dựng kế hoạch nhân rộng thực hiện mô hình “Điểm nhân ái” tại 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mê Linh bao gồm các xã: Tiến Thịnh, Vạn Yên, Tiền Phong, Tam Đồng và thị trấn Chi Đông.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mùi (Khu 1, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh) là gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tâm sự với phóng viên, chị Mùi cho biết, 3 năm trước, chồng chị mất sau một thời gian ốm nặng. Hiện tại, chị Mùi ở cùng bố mẹ già và 4 người con.

Với đồng lương công nhân ít ỏi, chị Mùi phải làm thêm nhiều công việc khác để lo chi phí sinh hoạt cho cả gia đình và nuôi 4 con ăn học. Hoàn cảnh khó khăn là vậy, thế nhưng chị Mùi vẫn luôn cố gắng tham gia đầy đủ các hoạt động của Chi hội phụ nữ thôn phát động, bởi vậy, chị Mùi luôn được các chị em phụ nữ trong thôn dành nhiều sự cảm thông và hỗ trợ.

Nhận thấy việc chị Mùi một mình đảm nhiệm kinh tế cho cả gia đình quá vất vả, Hội LHPN xã Tam Đồng đã quyết định đỡ đầu cho cháu Nguyễn Thành Tâm (là con chị Mùi) mỗi tháng 500 nghìn đồng. Số tiền hỗ trợ đỡ đầu cho Thành Tâm được Hội LHPN xã Tam Đồng trích từ kinh phí của mô hình “Điểm nhân ái”.

Nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội LHPN xã Tam Đồng, chị Mùi không khỏi xúc động: “Thực sự tôi rất biết ơn Hội LHPN xã Tam Đồng và các chị em phụ nữ đã hỗ trợ gia đình tôi trong lúc khó khăn. Số tiền tuy không lớn nhưng là nguồn động viên tinh thần cho tôi tiếp tục cố gắng làm việc chăm lo cho gia đình và động viên con tôi có thêm động lực học tập”.

Lan tỏa giá trị nhân văn từ mô hình “Điểm nhân ái”
Phế liệu được các hội viên phụ nữ tập kết tại các nhà văn hóa của thôn trong ngày chủ nhật cuối cùng của tháng. (Ảnh: Hội LHPN huyện Mê Linh)

Gia đình chị Mùi chỉ là một trong số các trường hợp khó khăn được Hội LHPN xã Tam Đồng hỗ trợ từ nguồn kinh phí của mô hình “Điểm nhân ái”. Có thể khẳng định, từ khi triển khai đến thời điểm hiện tại, mô hình đã khẳng định hiệu quả và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Đồng, thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN huyện Mê Linh về thành lập mô hình “Điểm nhân ái”, ngay từ đầu năm Hội LHPN xã Tam Đồng đã xây dựng và triển khai mô hình tới các chi hội phụ nữ. Thời điểm hiện tại, mô hình “Điểm nhân ái” đang được Hội LHPN xã triển khai tại 3 Chi hội phụ nữ gồm: Văn Lôi; Cư An và Nam Cường. Qua quá trình triển khai đã ghi nhận sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các chị em phụ nữ tại các Chi hội.

Theo đó, vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng, Hội LHPN xã sẽ tổ chức các điểm thu gom tại Nhà văn hóa 3 thôn kể trên để thu gom phế liệu của các gia đình trong thôn. Phế liệu được thu gom thường rất đa dạng gồm có: bìa cát tông; chai nhựa; vỏ lon bia; phế liệu bằng nhựa, sắt; vật dụng gia đình không sử dụng đến… Cùng việc thu gom phế liệu, các cán bộ hội viên của xã cũng tiến hành dọn vệ sinh từ trong nhà ra ngoài ngõ để tạo dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

Với nguồn kinh phí từ việc bán phế liệu, Hội LHPN xã Tam Đồng đã có kinh phí để hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh học sinh, phụ nữ nghèo trên địa bàn xã. Từ khi triển khai tới thời điểm hiện tại, Hội LHPN xã Tam Đồng đã thu về trên 62 triệu đồng. Số tiền này đã được Hội LHPN xã tặng quà, tặng xe đạp và đỡ đầu trẻ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 22 triệu đồng. Nguồn kinh phí còn lại, Hội LHPN xã Tam Đồng dự kiến sẽ trao 10 suất học bổng và tặng 20 suất quà cho phụ nữ khuyết tật và phụ nữ khó khăn vào dịp tổng kết mô hình “Điểm nhân ái” nhân ngày 20/10 tới đây.

Lan tỏa giá trị nhân văn từ mô hình “Điểm nhân ái”
Cùng với việc thu gom phế liệu gây quỹ “Điểm nhân ái”, hội viên phụ nữ xã Vạn Yên cũng triển khai hoạt động vệ sinh ngõ xóm để tạo dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp. (Ảnh: Hội LHPN huyện Mê Linh)

“Điểm chủ chốt tạo nên thành công của mô hình “Điểm nhân ái” là sự đoàn kết và nhiệt tình của toàn thể cán bộ hội viên phụ nữ xã Tam Đồng và lòng nhiệt tình của các cô, các chị không quản khó khăn vất vả. Thời gian tới, Hội LHPN xã Tam Đồng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình với mong muốn năm 2023 sẽ đạt được kinh phí cao hơn để giúp đỡ được nhiều hơn phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó” – bà Nga cho hay.

Hội LHPN xã Vạn Yên cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai thực hiện mô hình “Điểm nhân ái”. Bà Hà Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Yên cho biết: Mô hình “Điểm nhân ái” được Hội LHPN xã triển khai từ đầu năm 2022 và đã được triển khai tới 4/5 chi hội. Theo bà Thanh, ban đầu khi nhận nhiệm vụ triển khai mô hình, bà còn băn khoăn vì không biết có hiệu quả hay không, nhưng tới nay, mô hình “Điểm nhân ái” đã phát huy hiệu quả nhờ sự đồng tình của lãnh đạo xã, đặc biệt là sự tham gia của chị em cán bộ hội và hội viên phụ nữ.

Tới thời điểm hiện tại, Hội LHPN xã Vạn Yên đã thu được hơn 60 triệu đồng từ mô hình “Điểm nhân ái”, số tiền này cũng được Hội LHPN xã trích tặng quà hỗ trợ cho các trường hợp hội viên phụ nữ khó khăn. Theo đó, Hội LHPN xã đã trích quỹ hỗ trợ cho con hội viên phụ nữ bị tai nạn nặng; giúp hội viên phụ nữ neo đơn có hoàn cảnh khó khăn làm nhà; tặng quà cho các gia đình khó khăn, ốm đau… Cũng vì những hoạt động ý nghĩa trên đã thu hút sự tham gia của đông đảo chị em phụ nữ với mô hình “Điểm nhân ái”.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Nhận thấy những ý nghĩa nhân văn tích cực từ mô hình “Điểm nhân ái”, dù không nằm trong kế hoạch triển khai mô hình “Điểm nhân ái” của Hội LHPN huyện trong năm nay, thế nhưng Hội LHPN xã Tự Lập tự phát động mô hình “Điểm nhân ái” tại 2 thôn Phú Mỹ và Yên Bài. Theo ghi nhận, mô hình “Điểm nhân ái” tại 2 thôn đang phát huy hiệu quả, được chính quyền, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn đồng tình, ủng hộ.

Đáng chú ý, Hội LHPN xã Tự Lập đã có sự sáng tạo trong thực hiện mô hình. Cùng với việc thu gom phế liệu tại Nhà văn hóa 2 thôn, Hội LHPN xã tổ chức các tổ phụ nữ nhỏ lẻ đi tới từng hộ gia đình để thu gom phế liệu nếu như gia đình có việc bận không thể đến điểm tập kết. Dù chỉ mới triển khai được gần 4 tháng nhưng mô hình “Điểm nhân ái” của Hội LHPN xã Tự Lập đã đưa lại cho Hội LHPN xã số tiền trên 28 triệu đồng.

Lan tỏa giá trị nhân văn từ mô hình “Điểm nhân ái”
Các em học sinh khó khăn trên địa bàn xã Tam Đồng được tặng xe đạp đến trường từ quỹ “Điểm nhân ái”. (Ảnh: Hội LHPN huyện Mê Linh)

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Tự Lập Vũ Thị Duyên, sau khi có kinh phí từ thu gom phế liệu, Hội LHPN xã Tự Lập đã dùng nguồn kinh phí trên để làm công tác nhân đạo từ thiện cho các đối tượng trẻ em và phụ nữ khuyết tật. Ngoài ra, Hội LHPN xã cũng tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn vận động nguồn xã hội hóa nhằm tặng xe đạp cho các em học sinh vượt khó học giỏi, tặng quà cho trẻ em mồ côi, học sinh nghèo…

Từ thực tế triển khai mô hình “Điểm nhân ái” tại các Hội LHPN xã, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mê Linh Bùi Ánh Dương khẳng định đây là mô hình thiết thực và hiệu quả. Thông qua triển khai, thực hiện mô hình, cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân đã nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong việc chung tay vì cuộc sống cộng đồng. Đặc biệt là hướng tới các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, phụ nữ khuyết tật, trẻ em nghèo bằng việc tổ chức hoạt động quyên góp, ủng hộ kinh phí tạo động lực và tiền đề quan trọng cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, trẻ em nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Mê Linh, để phát huy phong trào này trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã Tiến Thịnh, Tiền Phong, Tam Đồng, Thạch Đà, thị trấn Chi Đông xây dựng và nhân rộng mô hình “Điểm nhân ái” tại 100% chi hội; duy trì tiếp nhận sự ủng hộ của hội viên, phụ nữ, người dân, để qua đó có nhiều hơn những món quà, sổ tiết kiệm được trao tận tay cho chị em, giúp những phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn trang trải cuộc sống, có điều kiện mua sách vở, đồ dùng học tập cho con,… Dù giá trị vật chất không lớn, song với sự gom góp, ủng hộ của số đông hội viên phụ nữ đã tạo nguồn quỹ, hỗ trợ cho nhiều hội viên phụ nữ khó khăn, tăng thêm tinh thần đoàn kết trong cán bộ, hội viên.

Chia sẻ về tính bền vững của mô hình, bà Bùi Ánh Dương cho biết thêm: “Mô hình thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực bởi nó rất phù hợp với thực tế địa phương vì đơn giản, mọi người đều có thể thực hiện. Điều đáng ghi nhận là từ phong trào đã lồng ghép việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ, tạo sợi dây gắn bó mật thiết giữa các hội viên phụ nữ”.

Bên cạnh việc góp phần phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế tác động xấu đến môi trường thì từ nguồn thu bán phế liệu đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những vật tưởng vứt đi nhưng lại có ích, bởi nó đem lại thu nhập, dù rất nhỏ, nhưng quan trọng hơn việc gom phế liệu còn có tác dụng làm sạch môi trường và giáo dục ý thức tiết kiệm cho chị em.

Lương Hằng