Lan tỏa nhiều nét đẹp ứng xử nơi công cộng

Hơn 6 năm qua, việc triển khai, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được lãnh đạo và nhân dân Thành phố duy trì thành nề nếp, thường xuyên, liên tục và phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong đó, quận Nam Từ Liêm là một điểm sáng của Thành phố về thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Quận Nam Từ Liêm đã có nhiều mô hình hay và hiệu quả để các địa phương khác đến tham quan, học tập. Ví như, mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu ở Tổ dân phố 4, phường Trung Văn. Ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 4 cho biết: “Ban đầu, cũng có người còn ngần ngại, phân vân sợ rằng việc triển khai mô hình sẽ tốn kém, nhiều tiêu chí khung mà Thành phố đưa ra khó thực hiện. Tuy nhiên, với các biện pháp dân vận thiết thực, cấp ủy chi bộ, cán bộ tổ dân phố đã đả thông tư tưởng, tháo gỡ sự băn khoăn cho người dân”.
Lan tỏa nhiều nét đẹp ứng xử nơi công cộng
Mô hình mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu ở tổ dân phố 4, phường Trung Văn.

Sau khi đảng viên, nhân dân toàn Tổ dân phố 4 đã có sự đồng thuận, thống nhất, cấp ủy chỉ đạo tổ dân phố trực tiếp triển khai các đầu việc: In ấn, Bảng tiêu chí tổ văn hóa kiểu mẫu, Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Bản cam kết gửi đến 100% hộ gia đình trong tổ để nghiên cứu, cho ý kiến, tạo sự nhất nhất trí đồng thuận, tiến tới ký cam kết thực hiện các tiêu chí xây dựng tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu.Với quan điểm, Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu phải có những nét riêng để nhận diện, có sự khác biệt với các tổ dân phố khác, cán bộ tổ đã tiến hành khảo sát địa bàn, lấy ý kiến nhân dân lựa chọn thi công một hạng mục công trình bằng kinh phí xã hội hóa từ nguồn vận động nhân dân trong tổ đóng góp.

Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân phường Trung Văn, Tổ dân phố 4 đã gắn giá treo cờ đều tăm tắp tại các gia đình trong Tổ, được phường biểu dương là 1 trong các Tổ treo cờ đều và đẹp nhất vào các dịp Lễ, Tết. Song song với việc trồng những cây hoa, đèn trang trí tạo sắc thái riêng của Tổ văn hóa kiểu mẫu, Tổ dân phố 4 cũng đã tiến hành rà soát, lắp đặt pano bảng tiêu chí 5 không, Bảng quy tắc ứng xử nơi công cộng, xóa tụ điểm chân rác thành nơi trồng hoa.

Để có được công trình đẹp mắt, sinh động, trang trọng như hiện nay, Chi bộ đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy, cán bộ Chi hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… và một số người dân tích cực phụ trách. Kinh phí mua cây hoa, đèn trang trí… đều được huy động từ nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Đây là công sức và trách nhiệm cùng biết bao tình cảm cán bộ, hội viên nhân dân trong Tổ dân phố 4. Mô hình cũng là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong đó lực lượng hội viên phụ nữ là nòng cốt vừa tham mưu, vừa trực tiếp đảm nhận các phần việc cụ thể.

“Chúng tôi rất phấn khởi, tự hào khi bà con nhân dân trong Tổ hết lời khen ngợi, các ngõ phố đều sáng, xanh, sạch đẹp. Ra mắt được mô hình đã khó, việc duy trì, vận hành nền nếp để mô hình phát huy hiệu quả trong thực tiễn lại càng khó hơn. Chúng tôi quyết tâm phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân trong tổ góp phần xây dựng Tổ 4 thực sự trở thành Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu – tổ đáng sống, đáng tin cậy của mỗi người dân”, ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 4 cho hay.

Cũng là một trong những quận nội đô, Đống Đa đã xây dựng và nhân rộng 9 mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử trong đó chú trọng Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Ví như, mô hình “Chung cư văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung”; mô hình “Chợ văn minh” tại chợ Thái Hà tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại; cơ sở thờ tự kiểu mẫu tại chùa Phúc Khánh…

So với các huyện khác, Đan Phượng là địa phương dẫn đầu trong việc triển khai và nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Từ nhiều năm nay, huyện đã xây dựng những mô hình điểm như mô hình Thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh sạch đẹp; Thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thông minh; Tổ dân phố kiểu mẫu; Sân chơi lành mạnh cho mọi lứa tuổi; Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả; Phòng cháy chữa cháy cộng đồng; Camera an ninh; Chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; Mô hình di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn; Làng nghề an toàn về an ninh trật tự; Nhà trường an toàn về an ninh trật tự; Tổ xung kích phòng chống tội phạm…

Bởi vậy, không ngạc nhiên khi đặt chân đến Đan Phượng, ai cũng có thể dễ dàng thấy những “thôn bích họa” với những bức tranh được tô điểm trên tường các ngõ, xóm ở xã Song Phượng, Thượng Mỗ, Đan Phượng; Hay những tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng ở xã Hồng Hà, xã Hạ Mỗ, xã Trung Châu, xã Liên Trung, Song Phượng, Đan Phượng… Những công trình văn hóa xanh, sạch, đẹp ấy đã góp phần xây dựng nông thôn mới và tạo thêm sự gần gũi, gắn bó của người dân với con đê quê hương.Nhờ đó, Đan Phượng cũng đạt giải Nhất cuộc thi “Giữ gìn ngõ, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức vừa qua.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng đánh giá, việc lan tỏa nét đẹp của Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã giúp diện mạo từ nông thôn tới đô thị có nhiều thay đổi, người dân đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, xây dựng không gian sống xanh, sạch, đẹp… Qua đó, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố phù hợp với chuẩn mực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phương Bùi

Lan tỏa nhiều nét đẹp ứng xử nơi công cộng (laodongthudo.vn)