Lan tỏa những câu chuyện đẹp về “tình Công đoàn”

Các tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” đã tái hiện, lan tỏa nhiều hoạt động chăm lo có chiều sâu, diễn ra trong một quá trình của các cấp Công đoàn và cán bộ Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ đó, đoàn viên, người lao động đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống, công việc, trưởng thành theo hướng tích cực và bền vững.

Nổi bật là tác phẩm “Vượt lên chính mình” của tác giả Nguyễn Thị Lệ Hằng, hiện đang công tác tại Kho bạc Nhà nước Trà Vinh. Trong tác phẩm, chị Hằng kể về chính cuộc đời mình, ngay từ nhỏ, gia đình đã đổ vỡ, bố mẹ ly hôn, chị ở với ông bà ngoại. Cú sốc đầu đời này đã trở thành vết thương không liền sẹo, luôn sưng tấy trong tâm hồn, khiến chị Hằng sống có phần khép kín, luôn cảnh giác với xung quanh. Khi chị lập gia đình và có 2 cháu gái, chồng chị bắt đầu nhậu nhẹt và có những mối quan hệ bên ngoài, gia đình chồng cũng ngày càng ghẻ lạnh với mẹ con chị. Cũng chính thời điểm này, công việc của chị gặp trắc trở khi chị được điều động sang bộ phận kế toán, là một công việc hoàn toàn mới mẻ với chị.
Lan tỏa những câu chuyện đẹp về “tình Công đoàn”
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Hằng (đứng giữa) chia sẻ về tác phẩm “Bố nuôi tôi, người cán bộ Công đoàn” tại Lễ trao giải Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ III. Ảnh: Mai Quý

Trong những lúc chị Hằng khó khăn nhất, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã luôn ở bên, động viên, hỗ trợ và đồng hành với chị vượt qua khó khăn. Cụ thể, khi chị Hằng được điều động sang bộ phận kế toán, Ban Chấp hành Công đoàn đã phân công một cán bộ để hướng dẫn, giúp chị Hằng sớm làm quen với công việc. Ngoài ra, Công đoàn tạo mọi điều kiện để chị Hằng đi học để đáp ứng yêu cầu công việc. Công đoàn cũng cử một cán bộ Nữ công luôn gần gũi, lắng nghe để hiểu hơn về hoàn cảnh của chị Hằng, từ đó có giải pháp giúp đỡ chị.

Khi đã thấu hiểu những nỗi đau mà chị Hằng đã và đang phải trải qua. Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã có những việc làm thiết thực để giúp đỡ chị. Sau khi chị Hằng ly hôn, nhằm giúp chị có tiền mua nhà để ổn định cuộc sống, Công đoàn đã tín chấp vay giúp chị một khoản tiền với lãi suất thấp và mỗi cán bộ Công đoàn đã cũng cho chị vay một khoản tiền không lấy lãi. Ngày chị Hằng dọn vào nhà mới, Công đoàn đã mua tặng thêm một số vật dụng cần thiết trong nhà. Công đoàn cũng đề xuất với Ban lãnh đạo Kho bạc tạo điều kiện để mỗi ngày chị Hằng được về sớm 30 phút đưa đón các con đi học.

Chị Hằng chia sẻ trong tác phẩm của mình: “Nhờ Công đoàn, tôi mới có ngày hôm nay. Từ một người yếu đuối, khép kín, cam chịu, tôi trở nên cởi mở, mạnh mẽ, tự tin. Tôi đã được nhận ân tình của Công đoàn thì giờ tôi sẽ mang ân tình đó đi trao cho người khác. Làm được gì cho đồng nghiệp, cho cộng đồng tôi sẽ gắng sức làm. Tôi sẽ sống đúng với tinh thần của hai chữ, hai tiếng ấm áp và ngân vang – hai tiếng Công đoàn”.

Một tác phẩm khác cũng tái hiện sinh động những việc làm ý nghĩa của cán bộ Công đoàn, đó là tác phẩm “Bố nuôi tôi, người cán bộ Công đoàn” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hằng, hiện đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chia sẻ về tác phẩm của mình tại Lễ trao giải Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ III năm 2023, Hằng cho biết, bản thân em và gia đình đã nhận được sự giúp đỡ hết sức thiết thực của một cán bộ Công đoàn. Theo đó, em Hằng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, có hai anh em, anh trai bị tâm thần từ nhỏ, còn bản thân em thì không may mắc phải căn bệnh đục thủy tinh thể dẫn đến hỏng một bên mắt trái. Mẹ của Hằng cũng thường xuyên đau ốm và đã phải phẫu thuật khối u hai lần. Căn nhà ba mẹ con ở đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” do Tạp chí Lao động và Công đoàn phát động. Năm 2023 là năm thứ ba Cuộc thi được tổ chức và đã nhận được hơn 2.000 tác phẩm của bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc gửi bài dự thi. Mỗi tác phẩm tham gia Cuộc thi là một câu chuyện, một chân dung, một tấm gương về những cán bộ Công đoàn, tổ chức Công đoàn có thành tựu nổi bật, luôn hết lòng vì đoàn viên, người lao động; cùng với đó, là hàng ngàn đoàn viên, người lao động được Công đoàn hỗ trợ, giúp đỡ đã vươn lên làm chủ cuộc đời mình.

Em Hằng có ba ước mơ, một là ba mẹ con có một căn nhà khang trang, kiên cố; hai là được học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và trở thành ca sĩ; ba là được có bố, vì khi vừa tròn 8 tháng tuổi, bố mẹ em ly hôn, cho đến bây giờ, em vẫn chưa một lần được gặp bố. Biết hoàn cảnh gia đình em Hằng, anh Trần Phi Long – Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Công ty Prime Group đã đứng ra vận động nhiều cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm và các cán bộ, đoàn viên Công đoàn trong công ty đóng góp, ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng, ngày công để xây dựng cho gia đình em Hằng một ngôi nhà khang trang, kiên cố, đầy đủ tiện nghi.

Khi biết Hằng có nguyện vọng được gọi mình là bố, anh Long đã vui vẻ nhận lời làm bố nuôi của em. Anh Long không chỉ quan tâm tới việc học ở trường mà còn luôn quan tâm tạo điều kiện cho để Hằng được tham gia các cuộc thi âm nhạc trọng tỉnh, trong khu vực và cả nước, hướng dẫn Hằng đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Năm 2020, Hằng đã trở thành tân sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Để Hằng có kinh phí học tập, anh Long đã vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động và bạn bè để cho Hằng có một khoản học bổng trị giá 40 triệu đồng, định kì mỗi tháng em sẽ nhận được 1 triệu đồng trong bốn năm học. Cùng với đó là một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng gửi tại ngân hàng để em sử dụng khi cần thiết trong tương lai. Ngoài ra, anh Long cũng vận động được một người bạn của mình mỗi tháng ủng hộ cho Hằng 1 triệu đồng.

Ngoài hai câu chuyện trên còn hàng ngàn câu chuyện khác đã được tái hiện sinh động trong các tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn”. Qua đó, đã lan tỏa những hoạt động giàu tính nhân văn, những câu chuyện xúc động về tình người, tình Công đoàn; đồng thời góp phần khẳng định Công đoàn đã, đang và sẽ luôn là tổ chức, là chỗ dựa vững chắc của đoàn viên, người lao động, vì đoàn viên, người lao động.

Mai Quý