Lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ nếp sống mới

Xây dựng và thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong sinh hoạt cộng đồng nói chung, trong việc cưới, việc tang nói riêng, có ý nghĩa quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa cộng đồng lành mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Những điểm sáng từ cơ sở

Tại huyện Thạch Thất, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành; sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ nếp sống mới
Thời gian qua, đã có nhiều mô hình hay, thiết thực trong việc thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có việc tổ chức đám cưới tập thể. Ảnh: Hoàng Phúc

Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Thạch Thất đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Bước đầu, đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần ổn định an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh.

Việc cưới tại nhiều gia đình, địa phương được tổ chức trang trọng, vui tươi, theo đúng nếp sống mới, Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) và phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp. Từ đó, đã hình thành một số mô hình tổ chức cưới mới lịch sự, văn minh như tổ chức trao và nhận Giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; nhiều cô dâu, chú rể và gia đình dâng hương, đặt hoa tại nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, di tích lịch sử – văn hóa, trồng cây lưu niệm tại địa phương trong dịp cưới…

Việc tang đã được nhiều gia đình tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, theo quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch; về bảo vệ môi trường, y tế và phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc, hoàn cảnh gia đình có người qua đời. Nhiều địa phương vận động nhân dân thực hiện quy định về sử dụng nhạc tang, phúng viếng; sử dụng vòng hoa, cau, trầu luân chuyển, hỗ trợ gia đình thực hiện hỏa táng: Có 638/1120 đám hỏa táng (đạt 57%); các xã thực hiện tốt như: Yên Bình, Yên Trung, Đại Đồng, Canh Nậu…

Năm 2023, để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ngày càng lan tỏa, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp túc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cổ động trực quan và lồng ghép trong các hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết của cơ quan, đơn vị; tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt, xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh, tiết kiệm; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị…

Góp phần xây dựng đời sống văn hóa

Ông Nguyễn Như Xô – Trưởng thôn 6, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, cho biết: “Có thể khẳng định, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện Thạch Thất đã thực sự đi vào cuộc sống. Qua đó góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực diễn ra trong đời sống xã hội”.

Tương tự, tại quận Đống Đa, thời gian qua, việc triển khai Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội đã có những chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên, tầng lớp nhân dân. Theo đó, nhiều mô hình điểm về việc cưới văn minh như: Hội Liên hiệp Phụ nữ quận triển khai xây dựng “Chi hội phụ nữ văn minh” trong việc cưới, việc tang trên địa bàn quận; Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức mô hình “Đám cưới tập thể” cho đoàn viên thanh niên; tổ chức 245 đám cưới tập thể cho đoàn viên, thanh niên của các cấp Đoàn cơ sở theo tinh thần nếp sống mới, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.

Không những thế, ngay tại các tổ dân phố cũng đã phát huy hiệu quả vai trò người đứng đầu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư… trong tuyên truyền, vận động và tiên phong đi đầu thực hiện nghiêm các quy định về việc cưới; lồng ghép nội dung thực hiện vào các cuộc vận động, phong trào thi đua.

Ông Phạm Văn Hà – Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư số 3, phường Ô Chợ Dừa, cho biết, ngoài tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy, khu dân cư còn đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào thảo luận, bàn bạc, quyết định tại các cuộc họp. Quá trình thực hiện, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể đã đến trực tiếp gia đình có con, em chuẩn bị tổ chức đám cưới, kịp thời tuyên truyền, vận động thực hiện Chỉ thị 11 của Thành ủy…

Nhằm tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ nếp sống mới, trong thời gian tới, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đều tiếp tục tuyên truyền, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia, thực hiện. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thành phố” trong những năm qua đã tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, tạo nên nếp sống mới của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn Hà Nội.

Kim Tiến

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ nếp sống mới (laodongthudo.vn)