Làng cổ chuyện xưa

Làng Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội nằm ở phía tây bắc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa.

Làng cổ với nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị

Cao Lãm xưa có tên là Kẻ Xốm, sau có tên Hán tự là làng Khả Lãm. Kẻ, là từ Nôm cổ. Theo các nhà ngôn ngữ học, những làng có từ Kẻ là địa bàn cư trú của cư dân có từ thời Hùng Vương dựng nước. Tuổi đời tính đến nay khoảng 2000 năm.

Năm 1992 phát hiện ở Cao Lãm các hũ gốm, bên trong chứa đầy các đồng tiền xu bằng đồng. Lỗ giữa vuông được sâu lại với nhau cũng bằng dây đồng, các đồng tiền đó có tên là Thái Bình Hưng Bảo, là tiền thời Đinh phế đế đinh toản 968 – 980. Đây là triều đình phong kiến của nước ta tổ chức đúc tiền đầu tiên. Đầu thời nhà Lý (trước năm 1014) Ứng Hòa là phủ Ứng Thiên có 4 huyện, 33 tổng, 293 xã, thôn. Cao Lãm thuộc tổng Bạch Sang gồm có 2 thôn là thôn Trần Đăng và thôn Khả Lãm. Vậy là, Cao Lãm tính đến nay hình thành đơn vị thôn đã có trên 1000 năm.

Cổng làng Cao Lãm

Theo các cụ cao niên ở địa phương, làng Xốm (tức Cao Lãm) nằm trên vùng đất linh địa. Nhà ở có lũy tre bao bọc cùng cây cối quanh năm xanh tốt, các xóm bố trí theo kiểu răng bừa, lại ở cạnh khu đầm ao đã tạo nên cho làng giống như con chim phượng đang sải cánh bay. Đất Thượng làng là mỏ phượng thuộc đầu chim. Xóm Chợ là hai cánh, xóm Đình, hạ làng là phần thân. Ao Lão là trái tim của chim, là “huyệt” hội tụ khí thiêng của Trời – Đất lan tỏa cả vùng đầm nước từ thủa lập làng.

Người dân Cao Lãm xưa sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, những khi nông nhàn còn có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt nái, dệt vải, dệt lụa, làm mộc. Ca dao cổ lưu truyền ở huyện Sơn Minh (Ứng Hòa) xưa có câu:

“Khéo thợ thì huyện Sơn Minh
Dệt lụa kẻ Xốm đan giành đống Lau
Sóc Vĩnh bán những trầu cau
Chăn tằm kẻ Vật, hái dâu kẻ Đoàn …”

Là một làng cổ, Cao Lãm hiện nay còn bảo lưu được những di tích lịch sử, văn hóa rất có giá trị.
Tương truyền Cao Lãm xưa có ba ngôi cổng, là cổng Hạ, cổng Trung, và cổng Thượng. Cổng làng được xây dựng từ rất sớm, cổng nào cũng có cánh cửa bằng gỗ lim dày, đóng khóa bên trong để đề phòng các toán cướp đến cướp làng. Trong ba cổng làng thì cổng Trung (cũng gọi là cổng Chợ) vì có chợ họp ở khu đó được xây dựng to rộng hơn, xe “tứ mã” đi qua được. Cánh cổng chỉ mở khi đón khách quan trọng về làng. Hai bên cổng chính còn có cổng phụ để hàng ngày cho nhân dân đi lại.

Phía trên cùng bên ngoài cổng có bốn chữ “Đằng cù thượng giá” . Xưa các cụ ở Cao Lãm truyền rằng bốn chữ đại tự và câu đối ở phía ngoài cổng trên là do một vị quan văn của triều đình nhà Lê ban tặng. Vì làng có nhiều ông Nghè, ông Cống và làng thường có nhiều khách quý về làng mỗi khi có người đỗ đạt về quê làm lễ vinh quy bái tổ, nên đã được vị quan triều Lê cho chữ khắc trên cổng làng.

Đình làng Cao Lãm tọa lạc trên thửa đất hướng về phía tây, nhìn ra Ao Lão rộng trên ba mẫu có hình bán nguyệt, nước bốn mùa một màu trong như một tấm gương lớn phản chiếu trời mây non nước, tạo nên ánh sáng lung linh tưởng như chiếu vào tận hậu cung đình.

Đình Cao Lãm thờ hai vị thần thành hoàng là Thiên thần Long tưởng như Vương Thượng đẳng thần và Nhân thần Hồng Anh phu nhân trung đẳng thần.

Thiên thần là thần Thành hoàng được tôn là chúa tể trên cõi thiêng liêng nhất của làng. Thần luôn phù trợ cho dân làng “Hộ quốc tí dân” (hộ nước giúp dân), dân khang vật thịnh.

Nhân thần là công chúa triều Trần. Năm Trần Bảo Đức, giặc Nguyên xâm phạm bờ cõi nước ta. Năm ấy có người Công chúa triều Trần vừa tròn tuổi 15 xinh tươi rực rỡ, dáng vẻ khoan thai. Để chống lại ách đô hộ tàn bạo của giặc Nguyên, Công chúa đã cùng mười cô gái trẻ chạy giặc về vùng đất Sơn Minh. Giặc Nguyên đuổi ép tới Khả Lãm. Công chúa tìm chỗ hiểm yếu cùng các cô gái và dân làng Khả Lãm chống lại chúng. Thế giặc mạnh, không chống lại được quân địch, Công chúa bèn tự vẫn. Tiếng linh vang dội nên thôn lập miếu phụng thờ. Nhà Trần phục quốc, nhớ thương và khen ngợi người con gái trung thành, trong trắng, triều đình đã khen tặng là vị thần Hồng Anh phu nhân. Đến năm Tự Đức thứ 2(1849) lại phong là Nhàn Uyển Hồng Anh phu nhân.

Ngoài đình làng, Cao Lãm còn có hai ngôi miếu, là miếu Nội và miếu Ngoại. Miếu Nội được dựng vào năm “Cảnh Hưng tam thập tứ niên Quý tị, tam nguyệt nhị thập ngũ nhật (ngày 25 tháng 3 năm Quý tị 1773 triều Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34)”. Miếu Nội cũng là nơi thờ Thiên thần Long Vương Thượng đẳng thần. Ngôi miếu này cũng được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, thành phố năm 2008.
Trong các di tích lịch sử Văn Hóa, Cao Lãm còn có ngôi chùa Duyên Khánh tự có một chuông cổ được đúc năm “Thiệu trị nguyên niên mạnh văn cát nguyệt nhật” (ngày tốt lành, tháng giêng đầu xuân mới thời vua Thiệu trị thứ nhất – 1841). Chùa Duyên Khánh này cũng được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, thành phố năm 2008.

Đình làng Cao Lãm

Làng Khoa Bảng

Tụ cư trên vùng đất địa linh, với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, người Cao Lãm đã tạo nên những giá trị lịch sử, văn hóa, mang truyền thống tốt đẹp của địa phương. Một trong những truyền thống tốt đẹp đó, là truyền thống hiếu học, khoa bảng của bao thế hệ người làng, mà ngày nay mỗi khi nói tới Cao Lãm, người làng và người dân trong vùng vẫn gọi Cao Lãm là làng khoa bảng bởi lẽ chỉ trong một thời gian khoảng trên một trăm năm(1670 – 1841) dưới triều đại Lê Trung hưng) – làng đã có 99 vị học hành, đỗ đạt cao, từ Sinh đồ tới Đình nguyên, Hoàng giáp, Tiến sĩ.

Theo cuốn “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục”, “Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919)”, Gia phả họ Tây Nguyễn, họ Mai ở làng Cao Lãm, tấm bia Sử Văn học làng Khả Lãm, Công trình “làng Xốm quê tôi” (xuất bản năm 2017), do ông Mai Xuân Chức người Cao Lãm chủ biên, đã ghi danh bốn vị đỗ đại khoa ở Cao Lãm xưa là: Tiến sỹ Trần Di, Đình nguyên Hoàng Giáp Nguyễn Duy Đôn, hai anh em tiến sỹ Mai Danh Tông, Mai Danh Tương.

Tiến sỹ Trần Di ((1465 – ?) xã Cao Lãm huyện Sơn Minh đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hữu thị la Bộ Công, khi mất được truy phong Thượng thư bộ Công.

Ngoài Tiến sĩ Trần Di còn có “Tam Tiến sĩ đồng triều” (Ba cậu cháu ruột đều đỗ Tiến sĩ (Nguyễn Duy Đôn, Mai Danh Tông, Mai Trọng Tương, đều cùng làm quan một triều) là một chuyện hiếm thấy.

Nguyễn Duy Đôn đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Cháu ruột là Mai Danh Tông năm Giáp ngọ (1714) thi Hương đỗ tứ trường. Các năm Ất mùi (1715), Mậu tuất (1718), Tân sửu (1721) thi Hội đều đỗ tam trường. Năm Vĩnh Khánh 3 (1731) thi Hội đỗ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân. Ông từng được cử giữ các chức: Điền bạ, Tri huyện Lương Tài, Hàn lâm viện thi thư. Ông được khắc tên, quê quán trên bia tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Em trai Mai Danh Tông là Mai Trọng Tương đỗ tiến sỹ khoa Bính thìn niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) được nhận chức Hình khoa cấp sự trung, rồi trải qua các chức: Tư huấn ở Chiêu Văn quán, Giám sát ngự xử đạo Thanh Hoa, Hàn lâm viện hiệu lý, Hiến sát xứ Sơn TâyÔng được khắc trên bia tiến tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Đặng Văn Tu/MASK