Theo đó, Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) không chỉ được biết đến với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, di tích và nhà cổ mà còn là nơi sở hữu những tri thức dân gian truyền thống lâu đời, đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực.
Từ lâu, thưởng thức ẩm thực truyền thống là một trong những trải nghiệm đáng giá của du khách khi đến Làng cổ Đường Lâm. Đó cũng là nét đặc trưng, tạo nên sức hấp dẫn và ấn tượng khó quên của du khách về Đường Lâm.
Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây nhận giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN 2024. |
Trong những năm gần đây, lượng du khách đến thăm Làng cổ Đường Lâm đã tăng đáng kể, đồng nghĩa với sự tăng cường nhu cầu trải nghiệm và khám phá ẩm thực làng cổ. Những ngôi nhà cổ, sân vườn rộng lớn và không gian đẹp đã được rất nhiều hộ gia đình tận dụng để tổ chức các dịch vụ thưởng thức ẩm thực tại chính nhà mình, thu hút lượng khách du lịch đông đảo như gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ông Hà Hữu Thể, bà Hà Thị Điền, ông Hà Nguyên Huyến…
Sau hành trình rảo bước tham quan làng cổ, ngắm nhìn cổng làng với bóng đa già rợp mát, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, mái đình trầm tư đầy hoài niệm, du khách được thưởng thức những đặc sản dân giã, đậm đà hương vị quê hương như gà Mía, thịt quay đòn, chè lam, kẹo dồi, kẹo lạc, bánh gai…
Tất cả những sản vật ấy đều được làm từ những nguyên liệu sẵn có ở một làng quê truyền thống có lối sống nông nghiệp, được các thế hệ kế thừa, trao truyền kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Nổi tiếng hơn cả là cỗ Đường Lâm với nhiều món ăn mang đặc trưng riêng mà không nhiều nơi có được. Đó không chỉ là khẩu vị đơn thuần của người dân mà còn là sự kết tụ văn hóa từ nhiều đời nay của người làng cổ.
Cũng vẫn là món thịt gà nhưng thịt từ con gà Mía, là loại gà nổi tiếng thơm ngon của Đường Lâm, đã tạo nên sự khác biệt. Thịt gà Mía phải sử dụng khi thịt hấp đã nguội mới thấm được vị ngọt, thơm, mềm của thịt gà. Thịt quay đòn phải quay tới 6 tiếng mới tạo ra miếng thịt có bì giòn tan, vàng ruộm và hương đậm đà. Quy trình lựa chọn, chế biến thịt khá công phu, đòi hỏi nghệ nhân có kinh nghiệm và phương pháp gia truyền, chất lượng mới đảm bảo. Bên cạnh đó, chả nướng xiên lỗ, nem rán, đậu phụ rán ở đây không quá ngấy mà mang tới hương vị nhẹ nhàng, dễ thưởng thức.
Ông Nguyễn Đăng Thạo – Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết: Thời gian qua, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm phối hợp cùng các tổ chức, các phòng ban chuyên môn của thị xã Sơn Tây tích cực quảng bá sản phẩm ẩm thực, tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Khách không chỉ đến thưởng thức mà còn tìm hiểu quá trình làm ra sản phẩm, từ việc chọn nguyên liệu, dụng cụ chế biến, đồ gói, pha chế… Nhiều tour du lịch được hình thành từ nhu cầu này như khách được tham gia làm bánh kẹo, chế biến món ăn dưới sự hướng dẫn của người dân.
Đó là tour du lịch bố trí cho các em học sinh tham gia thu hoạch nông sản, mang về các nhà hàng trong làng để chế biến và thưởng thức. Tour du lịch dành cho khách, nhất là khách quốc tế đi chợ Mía sáng sớm, mua thực phẩm về chế biến món ăn…
Ẩm thực truyền thống là một trong những trải nghiệm đáng giá của du khách khi đến Làng cổ Đường Lâm. |
Theo Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, để sản phẩm ẩm thực mang thương hiệu Đường Lâm ngày một phát triển, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân và địa phương, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn các phương pháp thủ công gia truyền; xây dựng chuỗi cung cấp nguyên liệu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường bồi dưỡng kiến thức về sản xuất sản phẩm du lịch cho người dân…
Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cũng sẽ phát triển sản phẩm ẩm thực theo mùa để trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo. Du khách có thể khám phá ẩm thực truyền thống bốn mùa như mùa hè là các món gắn với hoa sen như cơm sen, gà Mía hấp lá sen, nem sen, chè sen; mùa thu có chè cốm, chả cốm; mùa đông có cá kho niêu; còn mùa xuân có thịt quay đòn, cá nướng.
Cùng với đó, du khách còn được trải nghiệm làm các món bánh truyền thống như: bánh sắn, bánh gai, bánh tẻ cùng người dân… Đó sẽ là những trải nghiệm đặc biệt, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc nhằm khuyến khích du khách quay trở lại Đường Lâm nhiều lần.
Những năm qua, Làng cổ Đường Lâm luôn là điểm đến di sản hấp dẫn của Thủ đô. Trong vòng 10 năm (2013-2023), Đường Lâm đã đón hơn 150 vạn lượt du khách, trong đó có khoảng 4 vạn lượt khách quốc tế. Hiện đã có hơn 200 hộ dân (chiếm khoảng 20% tổng số hộ) trong làng tham gia kinh doanh các loại hình dịch vụ, nhà hàng, homestay, tổ chức các hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách, bước đầu đã tạo được thu nhập ổn định. Những thành quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định, Làng cổ Đường Lâm là một trong những mô hình kiểu mẫu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
Giải thưởng Du lịch ASEAN là sự kiện thường niên, nhằm tôn vinh các địa phương, đơn vị có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các địa điểm du lịch của khu vực ASEAN. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị du lịch quảng bá và tiếp thị hiệu quả trong hoạt động kinh doanh du lịch, mà còn góp phần nâng cao thương hiệu du lịch của mỗi quốc gia.
Sự kiện Làng cổ Đường Lâm được trao giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN năm 2024 sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Làng cổ Đường Lâm trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt, tiến tới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.