Lắng nghe để tạo dựng cộng đồng sáng tạo

Tọa đàm “Thiết kế cộng tác và hệ thống thiết kế đa thương hiệu – Hướng đi tiềm năng cho thiết kế truyền thông và quản trị hình ảnh thương hiệu” được tổ chức ngày 19-11 tại Không gian sáng tạo của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) còn là cơ hội để đối thoại, học hỏi giữa những người làm trong ngành thiết kế, góp phần phát huy sự sáng tạo, kết nối những nhà thiết kế chuyên nghiệp và các tình nguyện viên thực hành thiết kế sáng tạo.

Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhanh ý kiến của các diễn giả, người thực hành thiết kế, người quan tâm nghề thiết kế tại sự kiện.

Nhà thiết kế Nguyễn Quang Khôi:
Sáng tạo để thiết kế gần hơn với cộng đồng

1-dien-gia.jpg

Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 (từ 17 đến 26-11), cùng với việc làm diễn giả tại tọa đàm chia sẻ về nghề thiết kế, tôi cũng trực tiếp tham gia thiết kế hơn 500 sản phẩm cho các hoạt động quảng bá định vị thương hiệu của chuỗi sự kiện.

Là người được học tại Đại học Kiến trúc chuyên ngành Quy hoạch, tôi cảm nhận đây thực sự là bước tiến lớn, giúp giới nghề làm thiết kế sáng tạo có không gian để thỏa sức sáng tạo. Nó cũng cho thấy sự vào cuộc, đồng hành của chính quyền để các thiết kế sáng tạo có thể tiến gần với cộng đồng đại chúng hơn, tác động thay đổi nhận thức về công việc thiết kế, đáp ứng nhu cầu của thị trường sáng tạo Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ.

Tôi có chút áp lực, bởi càng chuyên nghiệp, càng đòi hỏi phải có trách nhiệm hơn với những sản phẩm thiết kế mình làm ra, góp phần định hướng tốt hơn cho cộng đồng, cho những người đã và đang quan tâm đến nghề thiết kế.

Chị Ngô Hải Linh, cán bộ truyền thông Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023:
Kết nối người làm nghề chuyên nghiệp với không chuyên

2-linh(1).jpg

Đây thực sự là cơ hội để những người làm nghề thiết kế sáng tạo – cả chuyên nghiệp và không chuyên chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe, học hỏi, phát triển các ý tưởng sáng tạo phục vụ cộng đồng. Đặc biệt với các bạn trẻ, giúp họ nắm rõ quy trình làm nghề, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực thiết kế.

Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai các chuỗi sự kiện trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, có rất nhiều tình nguyện viên vốn không phải “dân chuyên” nghề thiết kế, nhưng họ đã chủ động tìm hiểu, vận dụng các sản phẩm, tài nguyên chung từ các đơn vị thiết kế hàng đầu để sản xuất nội dung cho từng sự kiện, cùng thiết kế và sáng tạo trên nền tảng chung.

Rất nhiều sinh viên có thể tham gia, cùng thực hành thiết kế, tạo nên những sản phẩm thú vị phục vụ lễ hội, tạo nên một không gian chung của ngày hội dành cho những nhà sáng tạo và cộng đồng cũng dễ dàng tiếp cận.

Ông Bùi Đức Quang (quận Cầu Giấy, Hà Nội):
Phát huy giá trị di sản công nghiệp hiệu quả

3-ong-quang.jpg

Có thể khẳng định, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã và đang góp phần khai thác tối đa tiềm năng, bao gồm phát huy giá trị di sản công nghiệp, một cách hiệu quả.

Lần đầu tiên đến với không gian giàu văn hóa sáng tạo nằm trong khuôn viên Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tôi cảm nhận rõ sức sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác thiết kế sáng tạo. Họ đã góp phần “làm mới” những toa tàu, phân xưởng sản xuất mang tính chất di sản trở nên sống động hơn rất nhiều.

Con gái tôi đặc biệt yêu thích và quan tâm nghề thiết kế đồ họa, vì vậy, tôi đưa cháu đến tham gia tọa đàm này để cháu được lắng nghe, trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu kỹ xem nghề này có thực sự phù hợp với cháu hay không trước khi chính thức lựa chọn ngành nghề thi đại học trong năm tới.

Chị Nguyễn Thùy Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội):
Trải nghiệm hữu ích từ thực tế

4-trang(1).jpg

Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế, Đại học Ngoại thương, nhưng đang theo đuổi thực hành nghề thiết kế thương hiệu.

Lần đầu tiên chứng kiến hệ thống sản phẩm thiết kế mang đậm chất sáng tạo trong một không gian rộng lớn, tôi càng cảm nhận rõ hơn giá trị của nghề thiết kế.

Thông qua hành trình xe lửa được thể hiện bằng hệ thống các sản phẩm thiết kế, tôi được ngồi trên những chiếc ghế cũ được Nhà máy Xe lửa Gia Lâm bảo tồn, ngắm nhìn những bức hình trang trí về khu phố, để hiểu hơn về một phần của Thủ đô Hà Nội một thời.

Tôi cũng cảm nhận rõ ràng hơn câu chuyện mang thông điệp văn hóa về Thủ đô Hà Nội giàu có về di sản, về Hà Nội của một thời quá khứ, để hiểu hơn, đồng cảm hơn với cha, mẹ tôi và những thế hệ trước.

Những chia sẻ của người làm nghề, đặc biệt của diễn giả là nhà thiết kế chuyên nghiệp, giúp người làm nghề “tay ngang” như tôi hiểu hơn về những vất vả, thách thức, cũng như kinh nghiệm để làm nên những sản phẩm thiết kế thể hiện được chất văn hóa sáng tạo, truyền cảm hứng phục vụ cộng đồng./.

 

Mai Hoa

Lắng nghe để tạo dựng cộng đồng sáng tạo (hanoimoi.vn)