Làng nghề nhộn nhịp vào xuân

Những ngày cận Tết Nguyên đán, không khí tại các làng nghề truyền thống của Hà Nội càng trở nên nhộn nhịp. Làng quê rộn rã, người làm nghề miệt mài với công việc bận rộn của “mùa cao điểm” để người Việt Nam trên mọi miền đất nước có thêm những nén hương thơm, chiếc bánh chưng, khoanh giò, chả… trong dịp Tết cổ truyền.

 

Rộn ràng, tất bật…

Thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì yên bình bên vùng đất bãi, nơi có nghề làm bánh chưng nổi tiếng khắp mọi miền đất nước. Những ngày giáp Tết, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc nhộn nhịp như vào hội, những khoảng sân xanh mướt lá dong, những bếp than đỏ lửa đêm ngày, hết thảy đều tất bật cho các đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán.

Vừa gọi điện ghi danh sách khách đặt đơn hàng bánh chưng cho ngày Tết và những ngày đầu năm, ông Nguyễn Duy Thành, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Thành Trung ở làng Tranh Khúc cho biết, để có bánh ngon, đẹp mắt phải công phu từ chọn nguyên liệu, rửa lá, ngâm gạo, ướp thịt đến gói, luộc bánh… và một điều không thể thiếu là bí quyết nhà nghề. Ví như lấy nước lá riềng trộn với gạo, luộc lên bánh sẽ xanh mướt.

Bà Lý Thị Thiệp, Trưởng thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà nói với phóng viên Báo Hànộimới, thôn có 252 hộ dân thì gần 200 hộ có nghề làm bánh chưng. Trong năm, bánh chưng được gói vào những ngày 13, 14 và 29, 30 để người dân cúng ngày rằm và mùng một. Vào tháng Chạp thì ngày nào cũng hối hả, công suất tăng gấp hàng chục lần. Chuyện mỗi ngày làm hàng nghìn chiếc bánh chưng không hiếm. Tết đến, xuân về, xe chở nguyên liệu làm bánh, người ra vào mua bán liên tục, làm cho làng quê thêm nhộn nhịp, đầy sức sống.

Chất lượng, thương hiệu “nằm lòng” cùng năm tháng, bánh chưng Tranh Khúc chinh phục được thực khách khắp mọi miền đất nước, mỗi dịp Tết Nguyên đán, làng nghề đưa ra thị trường từ 1,6 đến 2 triệu chiếc bánh chưng.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tìm đến làng Tranh Khúc đặt bánh chưng làm quà Tết và khoảng 20 vạn chiếc bánh chưng Tranh Khúc đã “lên đường” tới Ba Lan, Nga, Đức, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… mỗi độ xuân về. Làm ăn khấm khá, người dân càng thêm gắn bó với nghề truyền thống ông cha để lại.

Làng Quảng Phú Cầu ở huyện Ứng Hòa có nghề làm hương nổi tiếng cũng rộn ràng hơn mỗi khi Tết đến, xuân về. Quảng Phú Cầu lưu giữ nghề làm hương đã hơn một thế kỷ, nhộn nhịp suốt năm nhưng sôi động hơn cả là vào những ngày cận Tết. Ấn tượng đầu tiên khi đến với đất này là màu đỏ rực rỡ của chân hương. Những bó tăm hương như những bông hoa đỏ trải dọc ở những không gian phục vụ sản xuất… Dưới tiết trời của mùa xuân, màu đỏ rực rỡ ấy mang đến một cảm giác ấm áp với nhiều ý nghĩa.

Hương của làng nghề Quảng Phú Cầu không lẫn vào đâu – thơm lâu, bền màu, đẹp mắt bởi người làm nghề có bí quyết riêng trong việc pha chế các nguyên liệu thảo mộc, cũng như sự tỉ mỉ, chuyên nghiệp trong từng công đoạn làm hương. Hơn một thế kỷ, từ nghề phụ để tận dụng thời gian lúc nông nhàn, giờ đây làm hương đã trở thành nghề chính, mang lại thu nhập cao cho hầu hết các hộ dân nơi đây.

 

 

Trong câu chuyện làng nghề vào xuân với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đức Hiển ở thôn Câu Bầu kể rằng, ngày xưa, người ta chủ yếu làm chân hương bằng tăm vuông, chẻ thủ công, giờ thì tất cả đều được cho vào máy, chân hương đều mà năng suất cũng cao hơn. Công việc vất vả nhưng thu nhập khá, người bình thường có thể kiếm được 300.000 đồng/ngày; người có tay nghề cao, biết chế phẩm, nhuộm màu thì thu nhập lên tới 500.000 đồng/ngày.

Đến với làng nghề hoa cây cảnh ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín), cảm nhận đầu tiên là không khí căng tràn của mùa xuân lan rộng những vườn đào, vườn quất. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Tảo Nguyễn Văn Tưởng cho biết, nghề trồng hoa, cây cảnh ở Vân Tảo đã có cách nay hơn 40 năm, riêng thôn Nội Thôn có tới 250 hộ gia đình làm nghề này. Với diện tích lên đến gần 100ha, đây được coi là làng nghề hoa, cây cảnh lớn nhất nhì miền Bắc.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, Vân Tảo đưa ra thị trường trên 10 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh các loại. Cùng với hoa đào, người Vân Tảo còn trồng nhiều loại hoa khác như: Hoa cúc, hoa hồng, hoa ly, hoa lan, thược dược…

… Và chuyện phát huy giá trị làng nghề

Mỗi nghề, mỗi làng nghề là một câu chuyện chất chứa, là những giá trị văn hóa được tạo nên bởi trí tuệ và đôi bàn tay. Làm thế nào để phát huy những giá trị truyền thống ông cha để lại trong đời sống hiện tại, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân lại thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững? Nhiều vấn đề đang đặt ra với làng nghề và người làm nghề.

Để giữ gìn, phát huy thương hiệu của làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà không chỉ động viên bà con tìm tòi, sáng tạo để có được những chiếc bánh chưng đậm đà hương vị truyền thống mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường mà còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi vận động các hộ dân chuyển từ dùng than sang sử dụng điện và nồi hơi để luộc bánh chưng, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái làng nghề, hướng tới phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Văn Mão cho biết, thời điểm hiện tại đã có 6 hộ gia đình làm nghề liên doanh, liên kết đưa sản phẩm bánh chưng vào các siêu thị, tạo đầu ra ổn định, duy trì thương hiệu “Bánh chưng Tranh Khúc”.

Với bất cứ một làng nghề truyền thống, giữ được nghề trong cơn lốc đô thị hóa là vấn đề không đơn giản. Sự tồn tại và phát triển của nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu là một chuyển đổi mạnh mẽ để bắt nhịp với nhu cầu thị trường.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất cho biết, Quảng Phú Cầu có 6 thôn đều là làng nghề, người dân nơi đây không chỉ bán hàng cho thương lái mà đã tìm đến các phương thức kinh doanh của thời đại công nghệ. Các cơ sở sản xuất đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh… Nhiều sản phẩm đặc trưng của làng nghề như hương vòng, hương nén… đã được chứng nhận của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP ) hạng 3 sao, 4 sao và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Hiện tại, cùng với việc phát huy giá trị sản phẩm mang đậm văn hóa tâm linh của người Việt Nam này, Quảng Phú Cầu đang hình thành một không gian văn hóa gắn với các hoạt động du lịch để gia tăng giá trị làng nghề.

 

 

Thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo đã được thành phố xây dựng thương hiệu tập thể cho làng nghề truyền thống hoa cây cảnh. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, một người trồng hoa đào lâu năm ở địa phương, sau 2 năm chịu nhiều biến động, Tết Nguyên đán năm nay, thị trường hoa cây cảnh sẽ sôi động hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân Vân Tảo. Để vùng hoa cây cảnh ngày càng thắm sắc, cùng với việc mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xã đã chủ động đưa những giống đào mới vào trồng nhằm tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất nông nghiệp; đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng, để nơi đây trở thành một “điểm đến” của du khách trong và ngoài Thủ đô.

Một mùa xuân mới đang về, những “người thợ” ở các làng nghề vẫn tất bật, mải miết cho những đơn hàng Tết, đưa hương sắc mùa xuân đến với mọi nhà. Những tín hiệu từ việc phát huy giá trị làng nghề trong đời sống hiện tại đã tạo nên luồng gió mới hướng tới những thành công trong tương lai.

Quỳnh Dung. Ảnh: Bảo Đan

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ngoai-thanh/828499/lang-nghe-nhon-nhip-vao-xuan