Làng nghề tò he: Khát khao hòa nhịp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Nhờ tài năng, trí tưởng tượng phong phú kết hợp đôi bàn tay khéo léo, người dân làng nghề tò he Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) nặn bột gạo thành những món đồ chơi, tác phẩm nghệ thuật đậm văn hóa Việt.

img_0216.jpg

Lý Thái Tổ đọc chiếu rời đô – mô hình làm bằng chất liệu bột tò he do các nghệ nhân CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La thực hiện.

Vượt ngưỡng đồ chơi truyền thống

Tò he là một loại đồ chơi dân gian được người thợ tạo nên từ bột gạo. Xuân La là cái nôi làng nghề tò he của Việt Nam. Xưa kia, những lúc nông nhàn, nhìn ra cánh đồng thấy những đàn chim, cò, người dân Xuân La vê bột cám thành hình những con vật này để cho con chơi và dùng để ăn. Đến gần Tết Trung thu, người dân dùng bột cám nặn thành các đồ chơi đem bán ngoài chợ. Cách làm màu trước kia hoàn toàn thủ công: màu xanh dùng lá cây (chủ yếu rau ngót) giã ra trộn với bột cám, màu đen dùng nhọ nồi (không ăn), màu vàng nhuộm bằng nghệ, màu đỏ nhuộm bằng quả gấc.

Các đồ chơi tò he truyền thống thời kỳ đầu gồm các hình thù con vật như công, gà, cá… nên được gọi là “nặn chim cò”. Bởi vậy, người dân làng Xuân La có câu ca lưu truyền: “Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò” – chim cò ở đây là chỉ nghề nặn tò he.

img_0226.jpg
Ngũ quả, rùa bằng tò he.

Giai đoạn tiếp theo, người làng Xuân La nặn tò he theo công thức nguyên liệu “2 phần gạo tẻ, 1 phần gạo nếp”. Tên gọi tò he ra đời từ đây. Thời kỳ này người thợ nặn bột gạo thành mâm ngũ quả, 12 con giáp trong văn hóa Việt, các nhân vật lịch sử, hoa lá… Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người thợ tò he Xuân La đi xe đạp vào tận trong Nam, thậm chí sang cả Campuchia để hành nghề, nặn hình chiến sĩ bộ đội, danh nhân văn hóa.

Khi đất nước hòa bình, bước vào thời kỳ đổi mới và tới hôm nay, nghề tò he phát triển lên một tầm cao mới. Tại Hà Nội, trong các sự kiện, công viên, hội chợ… tập trung đông người, đều có mặt thợ tò he làng Xuân La. Ở đâu trên dải đất Việt Nam có đồ chơi truyền thống tò he, đích thị là người làng Xuân La của Hà Nội. Hiện nay, tò he của làng nghề chuyển sang giai đoạn “cắm một que” cùng với “bột công nghệ” (vẫn là gạo nếp và gạo tẻ được nghiền mịn, sau đó cho thêm chất bảo quản nhưng không gây hại cho cả người làm cũng như khách hàng) để kéo dài thời gian sử dụng có thể lên tới vài năm. “Cái khác ngày xưa các cụ nặn tò he trên vòng nứa, nay làng nghề làm que tre”, nghệ nhân Đặng Văn Tẫn, Chủ tịch Chi hội di sản văn hóa – Chủ nhiệm CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La, chia sẻ.

img_0219.jpg
Khuê Văn Các – biểu tượng của Thủ đô Hà Nội bên cạnh phong cảnh bộ đội về làng.
img_0220.jpg
Khung cảnh Hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa, Cầu Thê Húc.
img_0213.jpg
Văn Miếu Quốc Tử Giám cùng cột cờ Hà Nội.

Không chỉ nặn các đồ chơi truyền thống kiểu “một màu” như thuở sơ khai, nghệ nhân làng nghề Xuân La hiện đã sáng tạo, nặn nhiều hình thù phong phú gồm các vị anh hùng dân tộc, đèn ông sao, phong cảnh ngày mùa, làng quê, các địa danh lịch sử của Hà Nội và Việt Nam cùng các nhân vật trong truyện cổ tích, truyện tranh mà trẻ em yêu thích như Thạch Sanh, Aladin, Doremon, Tề Thiên Đại thánh, Trư Bát Giới… Những món đồ chơi từ bột gạo do các nghệ nhân tò he làng Xuân La được nhiều người yêu thích, đặc biệt là các em nhỏ vì vừa bắt mắt, ngộ nghĩnh vừa toát lên sự tài hoa của người nghệ nhân và nét văn hóa người Việt.

“Nhìn các món đồ chơi đã hoàn thiện có vẻ dễ làm nhưng thực tế rất công phu, ngoài kỹ thuật vê bột, véo bột, tạo vân, làm màu đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết. Phải có bí quyết cả, chọn gạo gì để làm bột, ngâm ủ ra sao, xay sát thế nào…là những công đoạn rất quan trọng. Chúng tôi không thể chia sẻ bí quyết, nhất là cách làm bột. Ai cũng có thể nặn nhưng không biết làm bột sẽ nát như cháo, không thể nặn được”, nghệ nhân Đặng Văn Tẫn, cho biết.

img_0214.jpg
Di tích lịch sử Gò Đống Đa qua bàn tay tài hoa nghệ nhân tò he làng nghề  Xuân La.

Có mặt tại CLB làng nghề tò he Xuân La, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt thấy những “tác phẩm nghệ thuật” do các nghệ nhân tò he nơi này làm nên. Không chỉ cầu Thê Húc, Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Cột cờ Hà Nội, gò Đống Đa, cầu Nhật Tân…, những danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử nổi tiếng của Thủ đô được các nghệ nhân tò he Xuân La tỉ mỉ, sáng tạo công phu qua góc nhìn độc đáo.

Phong cảnh làng quê Việt được đóng trong khung, thoáng nhìn như một bức tranh sơn dầu hoặc phù điêu đắp nổi, nhưng thực chất những tác phẩm nghệ thuật ấy được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của nghệ nhân tò he làng Xuân La. Vì thế, tò he được đánh giá không chỉ là sản phẩm đồ chơi dân gian độc đáo, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính khoa học mà còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Ước mơ hòa dòng chảy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Theo nghệ nhân Đặng Văn Tẫn, nghề truyền thống tò he Xuân La không lo mai một vì trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng đất này đều biết thực hành nghề. Nhiều năm qua, nghệ nhân CLB làng nghề truyền thống tò he Xuân La cũng đã đến nhiều trường học để giới thiệu, truyền bá tới các em học sinh về nét đặc sắc của nghệ thuật nặn bột gạo có tuổi đời hàng trăm năm. Sản phẩm tò he Xuân La đã đạt chất lượng OCOP 4 sao của UBND Thành phố Hà Nội, đồng thời, nhiều nghệ nhân cũng đã được ra nước ngoài quảng bá về tò he với bạn bè quốc tế.

yu.jpg
Những kỷ lục Việt Nam cho làng nghề truyền thống tò he và CLB tò he Xuân La.
img_0242.jpg
Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn cùng những người thợ nghề mong Xuân La trong tương lai gần sẽ trở thành điểm đến du lịch làng nghề.

“Xuân La có đến 80% người dân biết nặn tò he – đồ chơi dân gian truyền thống. Nghệ nhân vẫn sống được bằng nghề với thu nhập bình quân 8 đến 10 triệu/tháng. Địa phương cũng đã có đề xuất UBND huyện Phú Xuyên quy hoạch vị trí, phấn đấu tới đây Phượng Dực có điểm du lịch làng nghề, trong đó tò he là nghề chủ đạo”, ông Đặng Huy Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Dực chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội.

Cùng đó, được Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tạo điều kiện, ngày cuối tuần khi phố đi bộ quanh Hồ Gươm hoạt động, các nghệ nhân làng Xuân La thay phiên nhau “rời làng ra phố” để hành nghề tại khu vực đối diện đền Ngọc Sơn. Không chỉ bán các sản phẩm tại phố đi bộ, trẻ em và du khách được trải nghiệm tự tay nặn tò he tùy theo trí tưởng tượng, với sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Hoạt động này không chỉ góp phần giữ gìn mà còn quảng bá nét đẹp văn hóa dân gian tò he cho người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước.

page.jpg
80% người dân Xuân La có biết nặn tò he.

Có một tương lai tươi sáng so với nhiều làng nghề truyền thống khác tại Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên, nghệ nhân tại Xuân La vẫn khao khát, ước mơ phát huy hết giá trị, tiềm năng của tò he. Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn bộc bạch: “Chúng tôi mơ ước làng Xuân La sẽ là điểm đến trải nghiệm tò he của mọi người. Dù làng nghề chưa có nhà truyền thống để trưng bày các sản phẩm độc đáo của các nghệ nhân nhưng thời gian qua, rất nhiều du khách, có cả những đoàn khách nước ngoài về đây tìm hiểu, trải nghiệm nặn tò he. Mọi người đều rất thích thú.

Năm 2011, Xuân La được UBND TP. Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Mong rằng, chính quyền các cấp của Hà Nội, các cơ quan ban ngành sẽ quan tâm hơn nữa, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm và xây dựng Xuân La thành điểm du lịch làng nghề truyền thống. Có như thế, làng nghề tò he mới phát triển hết nội lực của mình, hòa vào dòng chảy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội”./.

Kiên Hải

https://nguoihanoi.vn/lang-nghe-to-he-khat-khao-hoa-nhip-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-thu-do-76376.html