Ghé thị xã Sơn Tây, đến Tổ dân phố La Thành (phường Viên Sơn), có thể dễ dàng chứng kiến con đường phủ bê tông thoáng đãng, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Được biết, tại đây các gia đình chủ yếu là các hộ kinh doanh, buôn bán dịch vụ. Cán bộ và nhân dân Tổ dân phố luôn đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh.
Việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh được triển khai đồng bộ, rộng khắp địa bàn thị xã Sơn Tây. |
Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong Tổ dân phố ngày càng được nâng cao. Tính riêng trong năm 2021, Tổ dân phố La Thành thực hiện các cuộc vận động ủng hộ quỹ xã hội, từ thiện với tổng số tiền 12 triệu đồng; phối hợp với các cấp, các ngành trao 50 suất quà cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Được biết, việc phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện tốt việc tự quản; phát huy dân chủ, đóng góp ý kiến, cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch – văn minh”… không chỉ có ở riêng Tổ dân phố La Thành.
Ở góc độ đoàn thể, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây Phí Thị Vân Phương cho biết, thời gian qua, các cấp Công đoàn thị xã tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hoá công nghiệp” trong công nhân, viên chức, lao động, gắn với việc đăng ký xây dựng danh hiệu “Cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”, vận động công nhân, viên chức, lao động thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử của Thành phố bằng các việc làm thiết thực. Tổ chức sôi nổi các hoạt động hội khỏe, hội thao, văn nghệ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đội ngũ công nhân, viên chức, lao động.
Thực tế cho thấy, để hướng tới mục tiêu phát triển thị xã gắn với bảo tồn văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, Thị ủy Sơn Tây đã ban hành Chương trình số 11-CTr/TU ngày 21/12/2020 về “Phát triển văn hóa – xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 01/6/2022 về Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 22-CTr/TU, ngày 31/3/2022 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa của Thành ủy Hà Nội.
Thị ủy Sơn Tây cũng chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thị xã ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 24/2/2021 về tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; chỉ đạo các phòng, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các xã phường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022; đồng thời yêu cầu định kỳ báo cáo hằng năm nhằm đánh giá được mặt mạnh, hạn chế, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra.
Lan tỏa sâu rộng tinh thần xây dựng nếp sống văn hóa
Tại thị xã Sơn Tây, thông qua sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo của Thị ủy, sự phối hợp thực hiện giữa các ban, ngành, đoàn thể, đến nay việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn được thực hiện hiệu quả, đồng bộ. Cụ thể, công tác bảo tồn, quản lý 244 di tích, 65 lễ hội, 6 nghề thủ công, 5 tập quán xã hội và 2 trình diễn được quan tâm chỉ đạo. Công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình cũng được quan tâm, chú trọng. Qua đánh giá, năm 2021, có 95,6% gia đình đạt danh hiệu văn hóa (tăng 1,2% so với cùng kỳ, tăng 5,6% so với kế hoạch); 61/62 tổ dân phố văn hóa bằng 98,4% (giảm 1,6% so với cùng kỳ, tăng 26,4% so với kế hoạch); 48/56 thôn văn hóa bằng 85,7% (giảm 5,4% so với cùng kỳ, tăng 23,7% so với kế hoạch); công nhận mới 2 cơ quan, đơn vị, nâng tổng số lên 125 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Thị xã cũng tổ chức Hội thi “Giữ gìn đường, phố xanh – sạch – đẹp” thị xã Sơn Tây năm 2021, 2022 với mục đích tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các xã, phường, thôn, tổ dân phố trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan đường, phố xanh – sạch – đẹp. Phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền, vận động, kêu gọi mỗi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vệ sinh đường, phố nơi mình sinh sống, cải tạo cảnh quan môi trường. Huy động các nguồn lực xã hội hóa để trang hoàng đường, phố bằng cờ, hoa, cây xanh, vẽ tranh tường, quét vôi ve, sơn lại cửa, lắp thêm đèn trang trí… Ra quân đảm bảo trật tự đô thị, xử lý vi phạm về việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; treo – dán – sơn quảng cáo rác gây mất mỹ quan đô thị.
Công tác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2022, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã được tổ chức thu hút đông nhân dân tham gia, đặc biệt là các hội thi như: Nhà nông đua tài, Phụ nữ Sơn Tây duyên dáng áo dài, Tôi yêu Sơn Tây, Hội thao công nhân viên chức. Đặc biệt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức hàng tuần trên phố đi bộ, tạo không gian văn hóa thu hút đông người dân tham gia…
Việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa được Sơn Tây triển khai hiệu quả. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thông qua các nguồn xã hội hóa như: Giải bơi, giải vật tranh Cúp Phùng Hưng, giải đua thuyền truyền thống năm 2022; khai mạc Năm Du lịch Sơn Tây – xứ Đoài và hoạt động của Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây…
Ông Vũ Dư Hùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết: Tại thị xã Sơn Tây, Thị ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thị xã đã đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động liên quan. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền tích cực, hiệu quả, trong năm 2021, 2022 Chương trình số 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU đã dần đi vào cuộc sống, cùng với các chỉ thị, nghị quyết về văn hóa và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được chuyển biến quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, được đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã tích cực hưởng ứng, tham gia.
Đáng chú ý, với phương châm cán bộ đảng viên luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần đi đầu, việc triển khai phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện đồng bộ, rộng khắp tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Nhờ vậy, việc thực hiện nếp sống văn hóa mới từng bước được định hình, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Từ đó, dần hình thành những chuẩn mực văn hóa của tổ chức, cá nhân nơi công cộng cũng như chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kỷ cương, trách nhiệm, tận tình và thân thiện./.