Lễ hội chùa Hương năm nay thực hiện bán vé điện tử

Lễ hội chùa Hương năm nay đổi mới thực hiện việc bán vé từ mô hình truyền thống chuyển sang mô hình bán vé điện tử.

Sáng 5/2, UBND huyện Mỹ Đức tổ chức họp báo về công tác tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2024. Lễ hội chùa Hương năm nay diễn ra trong 3 tháng, từ 11/2 đến hết ngày 11/5 (mùng 2 tháng Giêng đến hết 4/4 năm Giáp Thìn). Khai hội được tổ chức vào ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với chủ đề Lễ hội Chùa Hương An toàn – Văn minh – Thân thiện”.

Tại họp báo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương, nhấn mạnh: Di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn là đại danh lam thắng cảnh của Thủ đô và cả nước.

Ban Tổ chức đã xây dựng kế hoạch về việc quản lý, tổ chức lễ hội Chùa Hương năm 2024 và thành lập 5 tiểu ban, 1 trạm và 1 tổ kiểm tra liên ngành.

Lễ hội chùa Hương: Huyện Mỹ Đức tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách về tham quan lễ Phật
Toàn cảnh họp báo lễ hội chùa Hương.

Để chuẩn bị tốt công tác tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2024, Ban Tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và nhân dân về tham quan lễ Phật.

Năm nay, lễ hội chùa Hương có nhiều điểm mới để phục vụ du khách. Cụ thể, Ban Tổ chức đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác xây dựng, chỉnh trang cảnh quan không gian lắp đặt pano, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường 419 Đốc Tín đi Hương Sơn và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến. Thực hiện việc bán vé từ mô hình truyền thống chuyển sang mô hình bán vé điện tử (hiện nay đã lắp đặt xong).

Ban Tổ chức không bán vé và kiểm soát ở 2 cổng Đục Khê và Tiên Mai tạo thông thoáng và an toàn giao thông trong lễ hội. Công tác điều hành vận chuyển thuyền đò phục vụ du khách về tham quan lễ phật, do Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch chùa Hương được giao để đảm bảo an toàn văn minh lịch sự. Tiếp tục vận hành thử nghiệm đưa xe điện vào vận chuyển nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Ban Tổ chức đã chỉnh trang lại 318 hàng quán, đảm bảo thông thoáng an toàn văn minh khu vực tuyến Quan âm Kiều (từ cổng lồng đèn đến cửa động Hương Tích). Nâng cao công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng tại khu vực lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông. Đặc biệt chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm – y tế. Đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh quảng bá, để du khách về với chùa Hương.

Lễ hội chùa Hương: Huyện Mỹ Đức tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách về tham quan lễ Phật
Công tác chỉnh trang cảnh quan không gian lắp đặt panô, backdrop, bồn hoa cây cảnh đã hoàn tất.

Thông tin tại họp báo, ông Đặng Văn Cảnh cho biết, trong công tác đổi mới công tác điều hành vận chuyển khách đã có thành lập Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự. Thực hiện việc điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.

Về thời gian vận chuyển xuồng đò khách tham quan lễ Phật, từ thứ 2 đến thứ 6 thời gian vận chuyển từ 5h đến 20h; thứ 7 và Chủ nhật thời gian vận chuyển từ 4h đến 20h. Tiếp tục vận hành thử nghiệm đưa xe điện vào vận chuyển trong khu vực lễ hội từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Về tăng cường công tác vệ sinh môi trường, Ban Tổ chức lễ hội tiếp tục duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí phục vụ du khách; thu gom, vận chuyển rác thải trong khu vực Lễ hội đưa đi xử lý tại các khu tập trung của thành phố.

Về đẩy mạnh công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong khu vực lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội bố trí các điểm sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người như cổng động Hương Tích, ga Cáp treo, sân Thiên Trù đảm bảo an toàn cho du khách.

Lễ hội chùa Hương: Huyện Mỹ Đức tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách về tham quan lễ Phật
Toàn xã Hương Sơn có 6.500 hộ dân, tham gia trực tiếp phục vụ với rất nhiều ngành nghề từ vận chuyển hành khách đến lái đò. Đến nay đã có 590 chiếc đò, 2.651 chiếc xuồng, đủ điều kiện phục vụ du khách tốt nhất.

Niêm yết công khai các giá vé, từ 1/1/2024 giá vé thu phí thắng cảnh theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND thành phố Hà Nội là 120.000 đồng /người/lượt; giá vé với các đối tượng ưu tiên là 60.000 đồng/người/lượt (Giá vé trên đã có 2.000 đồng tiền bảo hiểm).

Về giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách, theo Quyết định số 632/QĐ-UBND, ngày 31/1/2024 của UBND thành phố Hà Nội: Tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/ người/2 lượt vào, ra; Tuyến Long Vân: 65.000 đồng/ người/ 2 lượt vào, ra; Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/người/2 lượt vào, ra.

Hiện, toàn xã Hương Sơn có 6.500 hộ dân, tham gia trực tiếp phục vụ với rất nhiều ngành nghề từ vận chuyển hành khách đến lái đò. Đến nay đã có 590 chiếc đò, 2.651 chiếc xuồng, đủ điều kiện phục vụ du khách tốt nhất. Đến nay, đã có trên 2.000 lao động đăng ký tham gia chở đò.

Về giá vé cáp treo, khứ hồi người lớn 220.000 đồng; trẻ em 150.000 đồng. Giá vé một lượt, người lớn là 150.000 đồng; Trẻ em: 100.000 đồng. Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện là 20.000 đồng/người/lượt.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý khu di tích thắng cảnh chùa Hương cho biết, vé thắng cảnh được bán kèm với vé đò, chúng tôi đã áp dụng vé điện tử có mã QRcode từ năm ngoái rất tốt còn vé online thì chưa thực hiện được vì còn thiếu cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá hình ảnh chùa Hương và tuyên truyền khuyến cáo tới du khách về tham quan thắng cảnh, lễ Phật đầu năm cần chủ động trong việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sự, không chơi bài ăn tiền trên thuyền, không vứt rác thải bừa bãi…

Minh Phương