Lễ hội làng Chử Xá là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 7/2 (tức ngày 17 tháng Giêng năm Quý Mão), UBND huyện Gia Lâm đã long trọng tổ chức Khai mạc Lễ hội làng Chử Xá năm 2023 và công bố Quyết định công nhận Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến dự.

image_gallery-3-.jpg

Các đồng chí lãnh đạo Thành phố và huyện Gia Lâm dâng hương tại đình Chử Xá, xã Văn Đức

Thánh Chử Đồng Tử cùng với Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Liễu Hạnh Tiên Chúa là bốn vị Thánh trong “Tứ Bất Tử” của tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt. Lễ hội truyền thống làng Chử Xá mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về trước.

Nhiều di sách cổ xưa và các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian về Chử Đồng Tử cho thấy, chàng trai sinh ra tại làng là biểu tượng của lòng hiếu nghĩa, thuần hậu, tinh thần cứu nhân độ thế, chinh phục lòng người vì một xã hội nhân ái, ấm no, hạnh phúc. Qua thời gian, Chử Đồng Tử đã đi vào tiềm thức dân gian, được nhân dân khắp vùng thờ phụng, trong đó Lễ hội làng Chử Xá gắn với tục thờ Chử Đồng Tử được tổ chức lần đầu tiên vào năm Quang Thuận thứ 7 – 1466, triều Lê Thánh Tông, ngay sau khi đình thờ tại làng được hoàn thiện.

z4090852113277_2b982e2866206459f2c64dd2493ade98.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chúc mừng huyện Gia Lâm đón nhận quyết định Lễ hội làng Chử Xá là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Vào lễ chính hội làng Chử Xá (ngày 18 tháng Giêng âm lịch), nhân dân khắp nơi nô nức đổ về, tham gia các nghi thức cổ truyền, như: Rước nước sông Hồng, dâng hương, tế Tổ, rước văn từ đình làng về lăng thờ thân phụ, thân mẫu Chử Đồng Tử… Sau các nghi lễ, phần Hội tại Lễ hội làng Chử Xá diễn ra các hoạt động sôi nổi, đặc biệt là điệu múa cổ truyền được lưu giữ từ ngàn đời nay: Lễ Chữ (Múa Chữ) Thiên – Hạ – Thái – Bình. Điệu múa Lễ Chữ, còn gọi là múa Chạy Chữ hoặc Múa Chữ có ý nghĩa để tạ ơn Đức Thánh Chử Đồng Tử, đồng thời, gửi gắm nguyện vọng của nhân dân và mong Đức Thánh phù hộ cho thiên hạ thái bình, thể hiện ước vọng, cầu mong của cư dân nông nghiệp vạn sự được yên bình, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc. Đây được xem là một trong những điệu múa cổ còn lại, độc đáo của vùng đất Thăng Long.

322_3102.mxf_snapshot_00.01.408.jpg
Trình diễn điệu múa cổ truyền “Chạy Chữ”

Với giá trị to lớn của Lễ hội làng Chử Xá, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa của dân tộc, ngày 22/01/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 252/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, có Lễ hội làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Diễn ra trong 3 ngày, 17, 18 và 19 tháng Giêng, Lễ hội là dịp lan tỏa những giá trị của Di sản văn hóa Việt Nam đến nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài, du khách quốc tế. Thông qua việc tổ chức Lễ hội truyền thống làng Chử Xá, nhân dân huyện Gia Lâm, Hà Nội có cơ hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa Quốc gia, từ đó, chung tay bảo tồn, tôn tạo và phát triển để quần thể di tích này trở thành điểm đến của du lịch trải nghiệm.

PV

https://nguoihanoi.com.vn/le-hoi-lang-chu-xa-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-67479.html