Linh Thiêng đình Vẽ

Hằng năm, cứ đến ngày 9 và 10/2 Âm lịch, những người con làng Kẻ Vẽ trên mọi miền Tổ quốc lại trở về phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tham dự lễ hội đình Vẽ để tưởng nhớ, tri ân các vị thần. Đây cũng là nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống được người làng Kẻ Vẽ lưu giữ hàng trăm năm qua.

Đình “làng tiến sĩ”

Ngày 10/2 Âm lịch, chúng tôi tìm về làng Đông Ngạc (làng Kẻ Vẽ), vùng đất nổi tiếng về truyền thống khoa bảng. Dân gian còn lưu truyền câu“Ðất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”, để ca ngợi truyền thống của ngôi làng này. Theo nhiều người, đất Đông Ngạc tụ nhiều vượng khí, chính vì vậy có không ít người đỗ đạt, ra làm quan. Từ thời Trần đến thời Nguyễn, Ðông Ngạc có hàng chục Tiến sĩ, Bảng nhãn, Phó bảng và hàng trăm Cử nhân, Tú tài, trong đó có những danh nhân nổi tiếng như Phan Trọng Phiên, Nguyễn Hữu Tạo, Hoàng Tăng Bí, Phạm Văn Trường, Hoàng Minh Giám… Ngoài ra, trên mảnh đất khoa bảng nổi tiếng này, những năm 40 của thế kỷ 20, Trung ương Ðảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã gây dựng cơ sở an toàn khu để từ đây chỉ đạo phong trào cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và cả nước.

Linh Thiêng đình Vẽ
Nghi thức rước kiệu của người dân. Ảnh: Lê Thắm

Đến Đông Ngạc nếu không ghé thăm đình Đông Ngạc, hay còn gọi là đình Vẽ thì chuyến đi đó sẽ không thực sự trọn vẹn. Đình được xây dựng trên một thế đất đắc địa ở phía Bắc của làng. Khác với những ngôi đình khác chỉ thờ một Thành hoàng làng, đình Vẽ thờ 3 vị phúc thần gồm: Thần Độc Cước (cũng là vị thần được thờ ở đền Độc Cước, Sầm Sơn, Thanh Hoá); Lê Khôi, cháu gọi Lê Thái Tổ là chú ruột, có công phò vua Lê trong cuộc chiến chống quân Minh (1418-1427) và Thổ thần.

Toàn bộ khuôn viên của đình Vẽ được kiến trúc theo hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng, tượng trưng cho mũi rồng. Giữa hai tam quan là hai ao nhỏ hai bên, tượng trưng cho mắt rồng.

Qua cổng tam quan nội đến khoảng sân rộng của đình, hai bên hành lang mỗi dãy bảy gian. Đại đình có bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm chín gian, tượng trưng cho đỉnh đầu rồng. Trong cùng là trung cung và hậu cung, mỗi tòa ba gian, tượng trưng cho cổ rồng. Tất cả được sắp xếp trong một không gian tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tòa đại bái có hai nếp nhà xếp hình chữ “Nhị”. Nếp nhà ngoài có mái lợp ngói mũi hài cổ. Nếp nhà phía trong được nối với nếp nhà ngoài và bày kiệu rước, long đình, nhang án, sập thờ.

30 năm đảm nhiệm quản lý đình Vẽ, ông Lê Văn Đôn – Trưởng tiểu ban di tích đình Vẽ cho biết, đình Vẽ có quy mô to đẹp, nổi tiếng trong vùng và là một công trình kiến trúc độc đáo cuối thời Hậu Lê. Tương truyền, từ rất lâu đời, làng Vẽ có một ngôi miếu cổ thờ Thổ Thần nằm ngoài bờ đê. Vào năm 1635 dưới triều vua Lê Thần Tông (hiệu Dương Hòa thứ nhất), nhân dân đã cùng nhau chuyển miếu thờ về tại nơi đây để xây dựng lại với mục đích để thờ Thành Hoàng.

Từ đó đến nay, đình Vẽ đã 4 lần được trùng tu, nhưng vẫn được bảo tồn và giữ nguyên những nét đẹp của kiến trúc cổ. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự ra tâm công đức của nhân dân trong phường và du khách thập phương, khuôn viên di tích đình Vẽ ngày càng khang trang sạch đẹp, các đồ thờ tự ngày càng đủ đầy hơn.

Chia sẻ về đình Vẽ, ông Đôn cho biết, đình Vẽ hiện vẫn lưu giữ nguyên vẹn 45 đạo sắc phong (tài liệu lưu trữ quý hiếm). Đồ thờ tự trong đình còn nhiều hiện vật quý giá như: Tấm bia thời Lê Trung Hưng. Ngoại bái đường có 16 bức tranh sơn gỗ thời Lê treo trên xà Ngoại Bái Đường với 16 Đại Tự.Ngoài ra còn có các nhang án, hạc gỗ, đồ thờ tế khí độc đáo; 1 quả chuông đồng đúc năm 1833, 2 bộ bát bửu, 1 biểu tượng tay cầm bút lông và 1 biểu tượng tay cầm nòng lửa. Đây là dấu ấn của một làng văn hiến thịnh vượng mà dân làng luôn ngưỡng vọng biết ơn sâu sắc các vị thần linh đã ban ân đức.

Lan tỏa giá trị văn hóa độc đáo

Bao năm qua, đình Vẽ trở thành nơi tụ họp của dân làng và tôn vinh những người có công với làng, với nước. Hằng năm, tại lễ hội đình Vẽ có hoạt động rước tháp bút nhằm tôn vinh sự học và truyền thống khoa bảng của làng. Đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống để lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Đông Ngạc Nguyễn Văn Cường cho biết, những năm qua, làng cổ Đông Ngạc đã trở thành một trong các điểm thu hút khách thăm quan, nghiên cứu tìm hiểu và học tập.

Hiện nay, phường Đông Ngạc có 32 di tích bao gồm đình, đền, chùa, văn chỉ, miếu, di tích cách mạng kháng chiến, nhà thờ họ và rất nhiều kiến trúc nhà cổ. Tiêu biểu cho những di tích lịch sử văn hóa đó phải kể đến đình Đông Ngạc hay còn gọi là đình Vẽ.

Đình Đông Ngạc là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Nét văn hóa nổi bật trước hết là lễ hội làng tổ chức vào tháng 2 Âm lịch hàng năm. Chính lễ ngày 10/2 (Âm lịch), 4 cỗ kiệu nối tiếp nhau rước nước từ sông Hồng, rước hương án, long đình. Đám rước đi từ đình qua đê, rẽ vào chùa Tự Khánh rồi quay về, đoàn rước dài chừng 1.000m.

Lễ rước có hàng nghìn người dân Đông Ngạc, người dân lân cận và du khách thập phương tham dự. Xưa lễ hội có hát ca trù, ngoài các trò chơi như đấu cờ người, chọi gà, đánh đu, bịt mắt bắt dê… còn có thả thơ, hát – một nét độc đáo của làng Vẽ văn hiến. Đến nay, các trò chơi dân gian vẫn còn được lưu giữ.

Linh Thiêng đình Vẽ
Hát ca trù tại Lễ hội đình Vẽ

Trong tiết trời Xuân, từng dòng người làng cổ Đông Ngạc với khăn áo chỉnh tề đổ về đình Vẽ cùng nhau đội mâm cúng dâng hương, dâng hoa, hành lễ với mong muốn cầu sức khỏe, tài lộc và con cái học hành giỏi giang.

Phấn khởi cùng con cháu dâng lễ cúng thánh tại lễ hội truyền thống đình Vẽ bà Nguyễn Thị Vân (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Vốn là người làng cổ Đông Ngạc, từ nhỏ đến bây giờ, năm nào tôi cũng tham gia lễ hội truyền thống của làng. Lễ hội đình Vẽ ngày càng hoành tráng, quy mô hơn với phần lễ trang nghiêm, phần hội hấp dẫn so với nhiều năm trước”.

Trước không khí rộn ràng trong ngày chính hội, ông Lê Văn Đôn bày tỏ, tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm cũng chính là để gìn giữ và phát huy giá trị của di tích đình Vẽ. Đây là một nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát huy mãi mãi cho muôn đời cháu con. Qua mỗi dịp hội đình, chúng tôi càng thấm thía giá trị truyền thống hiếu học quý báu mà cha ông xây dựng, luôn nhắc nhở thế hệ con cháu không ngừng học tập để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Lê Thắm

Linh Thiêng đình Vẽ (laodongthudo.vn)