Trân trọng nguồn lực con người, Ban lãnh đạo Công ty TNHH ToTo Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công đoàn hoạt động, trong đó có việc sẵn sàng đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
Người lao động Công ty cổ phần Nicotex luôn phấn khởi, an tâm gắn bó với Công ty vì được chăm lo, bảo vệ tốt quyền lợi thông qua TƯLĐTT chất lượng. |
Bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam cho biết, Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thường xuyên quan tâm, tổ chức các hoạt động đối thoại thường kỳ với với NLĐ, từ đó nắm chắc được mong muốn, nguyện vọng, tháo gỡ ngay lập tức các nút thắt trong quan hệ giữa 2 bên. Đây cũng là cơ sở để việc xây dựng, ký kết TƯLĐTT trong Công ty có nhiều thuận lợi. Hiện, TƯLĐTT thể của Công ty có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ như: Chế độ tiền lương cao hơn lương tối thiểu vùng, lương thử việc cao, lương làm ca đêm cao hơn quy định, số ngày nghỉ trong năm nhiều hơn so với Luật Lao động; có chế độ nghỉ cho nam giới khi vợ sinh con; hỗ trợ xe về quê ăn Tết; hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động Công đoàn, cùng nhiều khoản trợ cấp khác như trợ cấp chuyên cần, con nhỏ, đi lại, phụ nữ, trợ cấp nắng nóng…
Cũng với quan niệm coi trọng NLĐ, tại Công ty cổ phần Nicotex (quận Long Biên, Hà Nội), TƯLĐTT cũng đã được Công đoàn và người sử dụng lao động thương lượng, xây dựng, ký kết từ năm 2002 và thường xuyên sửa đổi, bổ sung với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Ông Trần Văn Hưng – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, cán bộ Công đoàn thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của NLĐ, trao đổi với chủ doanh nghiệp để kịp thời giải quyết. Nhiều đề nghị liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi của NLĐ sau khi Công đoàn thương lượng, đề xuất sẽ được lãnh đạo đưa vào quy định của Công ty và đây là căn cứ để khi ký kết hoặc chỉnh sửa, bổ sung TƯLĐTT. Hiện TƯLĐTT của Công ty có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ nổi bật là thuyết phục được các cổ đông trích 15% lợi nhuận sau thuế để làm quỹ phúc lợi cho NLĐ nên nguồn quỹ này rất dồi dào, đảm bảo nâng cao phúc lợi cho NLĐ, Công ty còn mua bảo hiểm thân thể cho NLĐ và có chính sách thưởng khuyến khích theo quý, theo năm.
Tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu Công nghiệp Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội), nhiều công nhân cho biết, nhờ Công đoàn và lãnh đạo Công ty thương lương lượng, ký kết TƯLĐTT chất lượng nên NLĐ được hưởng nhiều lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật. “Công ty đã thực hiện tăng tần suất cấp phát trang thiết bị bảo hộ lao động; tăng khẩu phần bữa ăn ca cho NLĐ; cải thiện điều kiện làm việc tại nhà máy ở Sóc Sơn bao gồm cải tạo hệ thống nhà ăn, lắp điều hòa, cải tạo khu vệ sinh, xây dựng môi trường xanh qua việc trồng các vườn hoa, cây cảnh…”- một công nhân ở bộ phận sản xuất của Công ty cho biết.
Tiếp tục nâng cao tỷ lệ và chất lượng TƯLĐTT
Cùng với TƯLĐTT tại doanh nghiệp, LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng quan tâm chỉ đạo việc ký kết TƯLĐTT cấp ngành, trong đó đã chỉ đạo Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội thương lượng, ký kết thành công TƯLĐTT cấp ngành lần thứ 2 vào hồi cuối tháng 7 mới đây. Bà Hoàng Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội cho biết: “TƯLĐTT ngành Dệt – May Hà Nội cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với tính chất, đặc điểm của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, làm cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ.
Đây cũng là cơ sở tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động, tạo điều kiện cho NLĐ thông qua sức mạnh tập thể để thương lượng nhằm đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật lao động. TƯLĐTT ngành có nhiều điều, khoản quy định có lợi hơn cho NLĐ như: Tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp chất lượng dinh dưỡng bữa ăn ca, các chế độ phúc lợi xã hội…”.
LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, số bản TƯLĐTT được thương lượng, ký mới nộp về LĐLĐ Thành phố là 625 bản, nâng tổng số các bản TƯLĐTT của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tính đến ngày 30/6/2022 là 3.000 bản, tương ứng 3.000/5.809 doanh nghiệp đã ký TƯLĐTT, đạt tỷ lệ 51,64%, đạt 139% chỉ tiêu cả năm do Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.
Qua theo dõi và cập nhật, LĐLĐ Thành phố cho biết, các bản TƯLĐTT đã có nhiều điều khoản thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5 – 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định, tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương theo hợp đồng lao động; thời gian làm việc 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1- 2 ngày thứ bảy trong tháng; NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày thành lập doanh nghiệp; NLĐ được hỗ trợ 1 bữa ăn ca trị giá từ 20.000 – 30.000 đồng, ngoài ra, khi NLĐ làm thêm từ 2 giờ trở lên được hỗ trợ 1 bữa ăn ca tương đương 15.000 đồng; tiền thưởng tháng lương thứ 13; NLĐ được hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên….
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo đánh giá của LĐLĐ Thành phố, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, trong đó, chất lượng một số TƯLĐTT còn chưa cao; TƯLĐTT sau khi ký kết không được phổ biến đến NLĐ, không gửi cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động theo quy định; nội dung các điều khoản trong TƯLĐTT có lợi hơn cho NLĐ về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn hạn chế, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến hoạt động hiếu, hỉ…
Để khắc phục những hạn chế nói trên, phấn đấu tăng số lượng và chất lượng TƯLĐTT tại doanh nghiệp, thời gian tới, LĐLĐ thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết, tác dụng của TƯLĐTT, cũng như tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tư vấn thương lượng, ký kết TƯLĐTT để trực tiếp hỗ trợ Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp trong việc thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng khẳng định, việc ký kết TƯLĐTT luôn mang lại lợi ích kép cho NLĐ và người sử dụng lao động, tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa và thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp. Bản thỏa ước có nhiều hay ít lợi ích đều phụ thuộc vào kỹ năng, sự khéo léo của cán bộ Công đoàn cơ sở trong việc thương lượng. Do vậy, trong thời gian tới, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng vận động ký kết TƯLĐTT cho cán bộ Công đoàn cơ sở; phối hợp với các ngành chức năng trong việc kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp ký kết và thực hiện thỏa ước đảm bảo quyền lợi cho NLĐ./.