Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật

Một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi tới thăm lớp học “đặc biệt” của bà Phan Thị Phúc (quận Đống Đa, Hà Nội). Chào đón chúng tôi là tiếng nhạc vui nhộn, giọng hát trong trẻo và nụ cười giòn tan của các bạn học sinh khuyết tật. Dù kém may mắn về phát triển trí tuệ, nhưng những học sinh tại lớp học này lại có niềm hạnh phúc vô bờ khác, đó chính là tình yêu thương của “mẹ Phúc”.

 

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Gần 8 giờ sáng, dù Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng khu X1, phường Láng Hạ, quận Đống Đa – nơi sinh hoạt thường xuyên của Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội vẫn còn đóng cửa nhưng không ít bạn học sinh đã được phụ huynh đưa tới lớp. Trên gương mặt có phần ngây ngô của các em là cả sự háo hức, mong chờ.

Nhìn thấy người lạ, Nguyễn Nhật Lệ (27 tuổi) không ngần ngại tới bắt chuyện và vui vẻ khoe với chúng tôi rằng mình là một ca sĩ, thường xuyên đi biểu diễn tại các cuộc thi được tổ chức tại Cung thiếu nhi Hà Nội và đạt giải cao. “Em là ca sĩ, tất cả các bạn ở đây đều là ca sĩ, mỗi cuối tuần chúng em lại được gặp nhau, cùng nhau múa hát và học văn hóa, ngoại ngữ. Mẹ Phúc cho chúng em đi xem kịch, đi xem nhạc và chúng em được đi biểu diễn. Em yêu nơi này lắm, mong ngày nào cũng là chủ nhật để được đi học”, Nhật Lệ chia sẻ với nụ cười không vương chút ưu phiền.

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Được biết, Nhật Lệ là 1 trong số 35 thành viên của lớp học đặc biệt, cô đã theo học ở đây gần 20 năm cùng với sự đồng hành của mẹ ruột. Bà Võ Thị Tuyết, mẹ của Nhật Lệ cho biết, cô bị khuyết tật trí tuệ bẩm sinh, sau thời gian học với mẹ Phúc, Nhật Lệ đã biết thêm nhiều kỹ năng, biết đọc, biết viết tên, số điện thoại của bố mẹ và bản thân. Nhật Lệ cũng biết giao tiếp một chút bằng ngoại ngữ, có thể giúp đỡ bố mẹ một số việc trong nhà và quan trọng nhất là cô luôn ngoan ngoãn, yêu đời, thích múa hát. Đó là điều mà những gia đình có con không may bị khuyết tật như bà Tuyết mong mỏi.

Bà Tuyết cũng cho biết thêm, không chỉ riêng Nhật Lệ, tất cả các bạn trẻ theo học tại đây đều rất mong chờ được tới lớp, nếu không cho đi các bạn sẽ buồn, khóc và không chịu ra ngoài. Với các bạn trẻ thiểu năng trí tuệ, không được đến trường, không có bạn bè, được tham gia lớp học văn nghệ là cả nguồn sống, là chiếc cầu nối gần nhất để các bạn hòa nhập cộng đồng.

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Do giáo viên dạy đàn và dụng cụ sinh hoạt gặp chút vấn đề nên buổi học ngày hôm đó bắt đầu muộn hơn bình thường. Khi nhìn thấy mẹ Phúc, cả lớp ùa tới, người ôm chầm lấy mẹ, người reo hò vui mừng. Sau khi đáp lại tình cảm của các con một cách trìu mến, mẹ Phúc nhanh chóng yêu cầu các con khởi động, cùng nhau nhảy và múa hát để khởi động cho tiết học sắp tới.

Tranh thủ lúc chuyển học sinh sang cô giáo khác dạy, mẹ Phúc dành thời gian trò chuyện cùng chúng tôi. Bà cho biết, mỗi tuần các em chỉ có 1 ngày được cùng nhau học tập ở lớp, vì vậy mỗi giây, mỗi phút đối với các em đề rất quý giá.

Mẹ Phúc tên thật là Phan Thị Phúc, năm nay đã bước sang tuổi 83 nhưng trông mẹ trẻ hơn tuổi rất nhiều từ nước da, giọng nói đến từng điệu múa vẫn mềm dẻo, nhẹ nhàng. Thời thanh xuân mẹ Phúc công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Trong vài lần đi công tác, mẹ Phúc phát hiện trẻ em khuyết tật trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, các em cũng rất đam mê múa hát nhưng không có chỗ tập luyện, thể hiện hoặc bị trẻ bình thường kỳ thị. Sau khi nghỉ hưu, mẹ thành lập CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội để tập hợp các em khuyết tật trí tuệ lại dạy múa hát, dạy học chữ. Và cũng từ đó, mẹ đã trở thành người mẹ thứ 2 của những bạn trẻ ở đây và được các em gọi với cái tên đầy trìu mến “mẹ Phúc”.

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Mẹ Phúc cho biết, năm 1995 CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội ra đời. Những ngày đầu khó khăn, cả đội mượn góc sân Trường Tiểu học Trung Tự để tập. Khi biết có CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật, nhiều phụ huynh đã đưa con đến. Chẳng mấy chốc con số đã lên đến 60, 70 học sinh. Học sinh của mẹ thật đặc biệt, hầu hết từ khi sinh ra đã mắc các chứng câm, điếc, dị tật chân, tay, thiểu năng trí tuệ…

Sau gần 2 năm hoạt động ngoài trời, CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật đã có một căn phòng rộng gần 100m2 trong khuôn viên Trường Tiểu học Trung Tự (Đống Đa) cho các em sinh hoạt. Tuy nhiên, thời gian sau, Trường tiến hành cải tạo lại nên CLB chuyển về hoạt động tại Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng khu X1 phường Láng Hạ. Nói về nơi sinh hoạt mới, mẹ Phúc cho biết, bà rất biết ơn phường Láng Hạ cũng như Tổ dân phố số 5. Chính trong lúc khó khăn về địa điểm sinh hoạt, không biết mở lớp cho các con ở đâu thì bà đã nhận được sự hỗ trợ của Tổ dân phố số 5 cho bà mượn Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng khu X1 mà không mất phí.

Hơn 28 năm qua, cứ vào ngày Chủ nhật mẹ Phúc lại tất bật với việc chăm sóc, dạy dỗ những em khuyết tật. Những đứa trẻ đến với lớp học của bà ngày đầu tiên như những con chim lạc đàn, sống khép mình. Có nhiều em bị chính người thân xa lánh. Cảm thông với hoàn cảnh của các em, bà quyết tâm đưa các em hòa nhập với cuộc sống.

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Khi mẹ Phúc thành lập CLB, không ít người bảo mẹ “vác tù và hàng tổng” thậm chí “dở hơi” vì bà không có chuyên môn dạy trẻ em đặc biệt, tuổi đã cao “ôm rơm rặm bụng” hoặc “sao không mở CLB cho trẻ bình thường”, “liệu có duy trì được lâu dài hay không”? Vượt qua dị nghị, mẹ Phúc tin rằng, chỉ cần có tình yêu thương rồi dần dần sẽ làm bạn được với các em. Lúc đầu để giao tiếp, gần gũi được với các em đã là cả một vấn đề. Trẻ khuyết tật trí tuệ thường tự ti, mặc cảm, sợ người lạ, đôi khi cáu gắt, nổi nóng mà không ai bảo được và mẹ Phúc cũng không phải ngoại lệ.

Sự khác biệt về ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ và giao tiếp hay tính khí khác thường có thể hoảng loạn bất cứ lúc nào là vấn đề mẹ Phúc thường xuyên phải đối mặt. Nhưng kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật đã giúp mẹ cảm hóa các em. Nghệ thuật đã ăn sâu vào máu từ thời học sinh, nên niềm đam mê truyền thụ những gì mình biết, đối với mẹ không quá khó. Nhưng làm sao để nghệ thuật ấy “thấm” vào những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ? Ðó chính là trở ngại lớn nhất. Thế rồi mẹ đã quyết định ăn cùng, ngủ cùng và lắng nghe, xem chúng chơi đùa…

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật

Mọi nhạy cảm, nhẫn nại của người nghệ sĩ, bà dồn cả vào những đứa trẻ nghe không rõ tiếng, hát không rõ lời. Đối với lớp học, mẹ thường kết hợp đan xen việc học và dạy nghề. Vì mẹ biết nghệ thuật có thể giúp các em hòa nhập nhưng không thể giúp các em kiếm sống.

Theo tìm hiểu, ngoài dạy kỹ năng, văn hóa mẹ Phúc đã mở được nhiều lớp dạy nghề cho những đứa con của mình và tất cả đều thành nghề. Hiểu được khuyết điểm của những đứa trẻ khuyết tật, bà lựa chọn những nghề đơn giản và vừa sức với các em như sửa chữa điện dân dụng, học móc, làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Những em thích học may sẽ có máy khâu và giáo viên trường trung cấp nghề đến dạy. Với các em muốn học vi tính, nghề thủ công, bà nhờ một vài thầy giáo bên Trường Đại học Bách khoa sang giúp đỡ. Thậm chí CLB còn có hẳn một nhóm theo học nhiếp ảnh và đã từng đoạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm ảnh dành cho người khuyết tật.

Đến nay 3 khóa học sinh đã ra trường, các em đều tìm được công việc phù hợp với bản thân. Người là thợ cắt tóc, thợ may, sửa chữa điện gia dụng, thợ thủ công, người thì tiếp tục với con đường nghệ thuật… và cũng rất nhiều người trong lớp học của mẹ được mẹ mai mối nên duyên, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Và dù có là ai, làm gì cũng không thể quên được mẹ Phúc, quên được tình cảm của CLB, có điều kiện họ lại quay về thăm hỏi mẹ và động viên các em nhỏ khác nỗ lực không ngừng vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Với khóa 4 hiện nay dành cho các em tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, thời gian đầu bà chưa vội vàng dạy nghề cho các em. Chủ yếu giảng dạy về ý thức lao động, biết yêu thương, chăm sóc bản thân mình, giúp đỡ cha mẹ trong công việc gia đình. Chính vì vậy bà tạo ra giờ học kỹ năng sống bên cạnh các môn nghệ thuật. Bài giảng là những cuộc đối thoại ngắn khi bố mẹ vắng nhà, giúp các em học cách cư xử.

Đến nay khi các em đã có nhiều tiến bộ, mẹ Phúc bắt đầu để các em tiếp cận dần với nghề làm hoa giấy. Mỗi ngày chủ nhật các em sẽ được cô giáo dạy làm hoa, sản phẩm của các em làm ra đều rất đẹp, khi bày bán được nhiều người yêu thích. Thu nhập từ việc bán hoa được dùng làm quỹ, phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt của các em tại lớp.

Các em trong CLB đều coi bà như là mẹ của mình. Bất cứ khi nào gặp chuyện buồn là các con lại chạy đến bên mẹ Phúc để được vỗ về. CLB đã trở thành mái nhà thân thương của các em. Các em đã trở nên tự tin hơn, biết yêu thương những người xung quanh.

Bạn Trịnh Minh Hiếu (26 tuổi) chia sẻ: “Trước khi qua học với mẹ Phúc, em học ở Trường Bình Minh, ở trường cũ em cũng được học nhiều thứ, nhưng khi quá tuổi thì trường không nhận dạy nữa. Trường cũ rất vui nhưng ở lớp mới với mẹ Phúc em vui hơn. Ở đây em có nhiều bạn bè, được mẹ Phúc yêu thương, được cùng các bạn học toán, tiếng Anh, học múa hát… Em vui lắm và em yêu mẹ Phúc nhiều”.

Nghe những lời tâm sự đầy yêu thương của các con, mẹ Phúc nghẹn ngào: “Tôi không nhớ từ đâu, từ bao giờ, nhưng khi nghe các con gọi “mẹ” tôi xúc động lắm. Tôi nghĩ chữ “mẹ” nó trân quý biết nhường nào. Tôi luôn đối xử với các con như con đẻ của mình”.

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Đã thành lệ, cứ vào chủ nhật hàng tuần, Nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu X1 (Láng Hạ) của người mẹ 83 tuổi lại tràn ngập tiếng nói cười. Những đứa trẻ kém may mắn được phụ huynh gửi gắm đến lớp học để giúp các em có cơ hội học hỏi và hòa nhập với mọi người. Không phân biệt tuổi tác, ai cũng có thể đến đây để học, giao lưu với bạn bè cùng hoàn cảnh.

“Chúng tôi dạy hát, dạy múa, dạy chữ, dạy văn hóa cho các con để tăng sự tự tin và để thấy mình cũng như bao người bình thường khác. Ở đây các em được đối xử bình đẳng, không ai coi thường ai”, mẹ Phúc chia sẻ.

Để duy trì lớp học suốt 28 năm qua, mẹ Phúc đã một tay quán xuyến tất cả, ngoài trích một phần lương hưu, mẹ còn tích cực đi vận động nhà hảo tâm để tài trợ trang phục cho các em đi biểu diễn. Năm nào CLB cũng tham gia hội diễn các cấp, mang về rất nhiều huy chương. CLB còn tham dự một Festival ở Thụy Điển và diễn vở kịch không lời khiến cả hội trường xúc động.

“Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của phường Láng Hạ, Tổ dân phố số 5, thành viên của CLB đã có cho mình một nơi sinh hoạt ổn định. Các em đến đây không phải đóng học phí. Phụ huynh nào có điều kiện thì đóng 200 nghìn đồng/tháng để ăn trưa, còn đâu tôi tự cân đối”, mẹ Phúc tâm sự.

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Theo mẹ Phúc, nguồn tài chính không phải điều bà lo lắng nhất, mà nỗi lo thường trực của mẹ chính là tuổi tác, sức khỏe, bởi mẹ biết chẳng ai chiến thắng nổi thời gian. “Tôi đã tìm và động viên một số người trẻ đảm nhận thay tôi công việc tại CLB nhưng chưa có ai nhận. Có người có tiền nhưng không có thời gian, có người sợ không đủ kiên nhẫn với các em nhỏ, cũng có người sợ không có chuyên môn không cam kết được lâu dài. Lớp học như nguồn sống của các em, đã có lúc tôi định nghỉ ngơi mà các em lao vào ôm khóc khiến tôi không thể cầm nổi nước mắt. Tôi phải gìn giữ sức khỏe không chỉ cho mình mà còn cho CLB”, mẹ Phúc nghẹn ngào.

Để chuẩn bị trước cho tương lai sắp tới, thời gian gần đây, mẹ Phúc đã bắt đầu lựa chọn ra những cán bộ chủ chốt cho CLB, thường xuyên đưa các em tới các Hội nghị, Hội thảo, để các em quen dần với việc lãnh đạo lớp và có thể tự mình quản lý lớp để hỗ trợ lúc bà yếu.

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật

Chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp của mẹ Phúc, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bí thư Chi bộ 5, phường Láng Hạ cho biết: Bà Phúc ngoài là một đảng viên gương mẫu, luôn đi đầu trong các hoạt động tại địa phương thì còn là một người có tấm lòng nhân ái, yêu thương, giúp đỡ mọi người đặc biệt là trẻ em khuyết tật. Việc làm của bà Phúc được rất nhiều người đồng tình ủng hộ và luôn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ.

“Thời điểm rời từ địa điểm Trường Tiểu học Trung Tự, bà Phúc có đề nghị với Chi bộ hỗ trợ bà về địa điểm để làm nơi sinh hoạt cho các cháu. Chúng tôi đã đồng tình, nhất trí cho mượn Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng khu X1, vốn là nơi sinh hoạt của 4 tổ dân phố trên địa bàn. Chủ nhật hàng tuần sẽ có người mở cửa nhà văn hóa tầng 1 cho bà sử dụng, nếu trường hợp có họp hành, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho bà và các cháu lên tầng 2”, bà Lan cho hay.

Còn Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Đống Đa – ông Nguyễn Trung cho biết: Tấm lòng của mẹ Phúc 28 năm qua được nhiều người biết đến và cảm phục. Mẹ Phúc là người có tấm lòng nhân hậu, bà đã góp phần giúp đỡ các cháu nhỏ khuyết tật trí tuệ hòa nhập với cộng đồng, việc làm của bà rất đáng trân trọng.

Nhìn những Minh Hồng, Minh Hiếu, Nhật Lệ múa hát, nhắc nhở các bạn nhận thức kém hơn, không ai nghĩ đó là các bạn trẻ khuyết tật trí tuệ. Sau bao năm học hành trong vòng tay mẹ Phúc, các em đã khôn lớn hơn nhiều, có thể tự bắt xe bus đến CLB, tự làm một số việc nhà, vui vẻ hát ca, hòa đồng với người xung quanh. Đây chính là niềm hạnh phúc lớn lao mà các bậc phụ huynh của các em chưa từng nghĩ tới.

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật
Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật

Nội dung: Lê Thắm | Đồ họa: Đức Hà

Lớp học hạnh phúc của trẻ khuyết tật (laodongthudo.vn)