Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô, làm căn cứ thực tiễn trong việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng.

Rõ cơ chế, giải pháp về liên kết, phát triển vùng

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, các quy định về liên kết vùng, khái niệm Vùng Thủ đô… được nhiều đại biểu quan tâm góp ý.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, qua quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định của dự thảo Luật theo hướng làm rõ hơn các cơ chế, giải pháp về liên kết, phát triển vùng, không chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý của 10 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô hiện nay mà xử lý vấn đề này trong mối quan hệ của Thủ đô với các vùng phát triển kinh tế – xã hội nói chung, cũng như trong quan hệ với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Vì Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển, đầu mối liên kết chính của Vùng Thủ đô mà còn của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc như đã xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, một số nghị quyết, kết luận khác của Bộ Chính trị và quy hoạch tổng thể quốc gia.

Bên cạnh đó, có ý kiến khác đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội, theo đó chỉ tập trung vào quy định những vấn đề về nguyên tắc phối hợp, lĩnh vực liên kết, ưu tiên đầu tư phát triển Vùng Thủ đô.

Dự thảo Luật đang được chỉnh lý theo hướng thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng động lực phía Bắc và cả nước (Điều 44); xác định ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, không chỉ giới hạn trong Vùng Thủ đô (Khoản 1 Điều 45) nhằm phát huy tối đa khả năng, lợi thế của các địa phương và vai trò dẫn dắt, kết nối của Thủ đô Hà Nội. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của từng địa phương và cả nước, phù hợp với xu thế phát triển theo chuỗi giá trị hiện nay.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) nêu rõ, Nghị quyết số 15 của Trung ương đề ra mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô
Cần quy định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô. Ảnh minh họa: Phương Ngân.

Dự thảo Luật đã dành Chương V, từ Điều 44 đến Điều 47 quy định về liên kết phát triển vùng, quy định mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng, gồm một là Vùng Thủ đô, hai là vùng đồng bằng sông Hồng, ba là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và bốn là vùng động lực phía Bắc. Đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với luật hiện hành và mở rộng hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Theo đại biểu, Nghị quyết số 81/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 quy định vùng đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội và 10 tỉnh. Đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ theo Quy định số 198 ngày 25/1/2014 của Thủ tướng quy định vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm Hà Nội và 6 tỉnh.

Vùng động lực phía Bắc theo Nghị quyết số 81/2023 Quốc hội bao gồm thành phố Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

“Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa xác định Vùng Thủ đô gồm những địa phương nào, ranh giới ra sao. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô, làm căn cứ thực tiễn trong việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.

Bổ sung thêm các lĩnh vực khác

Cũng theo đại biểu, Khoản 1 Điều 45 dự thảo Luật quy định 4 lĩnh vực liên kết phát triển vùng gồm: Hạ tầng giao thông vận tải; bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; phát triển nông nghiệp; phát triển du lịch.

Theo dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu thì đây là những lĩnh vực thiết yếu trong đời sống kinh tế – xã hội của người dân trên địa bàn, vừa bảo đảm phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương. Qua đó, góp phần tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho thành phố Hà Nội, cho mỗi địa phương cũng như toàn vùng lân cận.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng xác định “hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển vùng mang tính đột phá, xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối liên kết phát triển vùng, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên ngành”.

Do đó, đại biểu đề nghị, tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung thêm các lĩnh vực khác để thể chế hóa đầy đủ lĩnh vực liên kết vùng như đã xác định trong Nghị quyết số 30.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) lại đề nghị trong phần giải thích từ ngữ cần bổ sung về khái niệm “Vùng Thủ đô”. Theo đại biểu, trong các điều 44, 45 đã liệt kê các thành phần, địa phương trong Vùng Thủ đô nhưng chưa nói được khái niệm Vùng Thủ đô là thế nào, mục đích của Vùng Thủ đô, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ với các vùng kinh tế khác và cơ quan nào có thẩm quyền để quyết định thành lập Vùng Thủ đô này…

Theo dự thảo Luật, chính quyền thành phố Hà Nội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đề xuất, triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết phát triển vùng trong từng lĩnh vực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, bảo đảm cân đối ngân sách triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ…

Phương Thảo