Luật Thủ đô (sửa đổi): Đề xuất thí điểm cho Thủ đô sẽ là tham khảo tốt cho thành phố Hồ Chí Minh

Bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã dành cho báo chí cuộc trao đổi ngắn về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Sự tham khảo tốt cho thành phố Hồ Chí Minh

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc – thành phố logistics, dịch vụ – vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây – thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học – vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã dành cho báo chí cuộc trao đổi ngắn về một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết luôn ủng hộ những đề xuất của Hà Nội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), không lăn tăn về bất kỳ nội dung nào bởi những đề xuất thí điểm cho Thủ đô sẽ là sự tham khảo tốt cho thành phố Hồ Chí Minh.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Đề xuất thí điểm cho Thủ đô sẽ là tham khảo tốt cho thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình thành phố trong thành phố tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới đang là thí điểm. Hiện có thể thấy một số điểm tích cực như đạt quy mô đủ lớn để làm được những việc lớn, nhưng do chưa có thể chế đồng bộ cho mô hình này, vì vậy, thời gian qua, thành phố trong thành phố mới chỉ hoạt động như một đơn vị cấp quận, huyện. Từ đó, nảy sinh khó khăn ở chỗ một “anh” rất lớn nhưng hoạt động theo cơ chế cấp huyện, tức là mặc “chiếc áo” quá chật.

Vừa qua, Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng tháo gỡ một số vướng mắc như cho thành lập các cơ quan, cho phép một số cơ chế đặc thù, nhất là phân cấp ủy quyền. Vấn đề còn lại là thành phố Thủ Đức phải xây dựng được đội ngũ đủ mạnh để thực hiện các quyền đó.

Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan của thành phố Hồ Chí Minh phải có kết nối, tiếp sức “hà hơi” để hỗ trợ thành phố Thủ Đức. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu để có thể chế vượt trội, phù hợp hơn nữa, đủ “lớn” cho cả thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức.

“Tôi mong rằng dự thảo Luật Thủ đô nên nghiên cứu mạnh vấn đề này. Đoàn Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trước đây cũng đã trao đổi với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã nói nên có nhiều đề xuất mạnh để Thủ đô có đủ thẩm quyền và phân cấp mạnh xuống cho cấp dưới. Đi liền với đó là đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư công nghệ, xây dựng đội ngũ”, ông Phan Văn Mãi nói.

Không có một luật hay nghị quyết riêng nào có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, phải tiếp cận vấn đề ở chỗ chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp luật nên không có một luật hay nghị quyết riêng nào có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Chúng ta vẫn nói hiện còn nhiều “lỗ hổng”, sự chồng chéo, do vậy, cứ phải vừa làm vừa sửa đổi, bổ sung.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai Nghị quyết 98, bước đầu thuận lợi; tuy nhiên, có một số nội dung mới cần phải nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tạo sự đồng thuận giữa các bộ, ngành.

Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định phải chủ động nhận ra vấn đề, chủ động phối hợp để giải quyết, trong quá trình đó sẽ học tập kinh nghiệm quốc tế như vấn đề tín chỉ carbon, xây dựng TOD, các cơ chế chính sách cho nhà đầu tư chiến lược… Hay trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu, bối cảnh có sự dịch chuyển đầu tư nhất định đều đòi hỏi phải có sự tương tác, học hỏi. Quá trình triển khai nảy sinh vấn đề gì thì Thành phố sẽ tập trung giải quyết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội mà sẽ lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước. Việc trình Quốc hội xem xét Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa rất quan trọng bởi Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt của quốc gia, đang quyết định 45% tổng thu ngân sách của cả nước.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Đề xuất thí điểm cho Thủ đô sẽ là tham khảo tốt cho thành phố Hồ Chí Minh
Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quan trọng hơn, Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là là cửa ngõ giao lưu và hội nhập quốc tế, nhất là Thủ đô Hà Nội. Nhân dân cả nước luôn tin yêu, kỳ vọng Hà Nội về một Thủ đô đi đầu. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức vận hành thời gian qua đã gặp nhiều vướng mắc về thể chế, cho nên, chúng ta cần tạo thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô Hà Nội.

Hồ sơ dự án Luật rất công phu, nghiêm túc

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, sau khi nghe tờ trình và thảo luận tại tổ, nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Ban soạn thảo, mà trực tiếp là Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi hồ sơ tài liệu đến Quốc hội từ sớm, bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản tán thành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô, trong đó có nội dung mới để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Dự án luật tuy quy mô không lớn, gồm 7 chương và 59 điều nhưng lại rất khó về kỹ thuật lập pháp và đặc biệt quan trọng. Tính chất quan trọng không phải chỉ ở số chương, số điều, mà là ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô.

Dự thảo Luật có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành qua tổng kết thực tiễn thấy rằng vẫn tiếp tục phát huy giá trị. Đây là những vấn đề sẽ được đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ hơn tại phiên thảo luận ở hội trường, dự kiến diễn ra ngày 27/11 tại đợt 2 của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường ở Kỳ họp thứ sáu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tin tưởng rằng, cơ quan chủ trì thẩm tra và Ban soạn thảo, thành phố Hà Nội sẽ chắt lọc, xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và tạo động lực mới trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô theo hướng toàn diện và bền vững, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô trong tiến trình đi lên của đất nước.

Phương Thảo