Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo ra được các cơ chế vượt trội như tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, sau khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp này, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tiếp tục được tiếp thu, hoàn thiện, bổ sung các nội dung xoay quanh 9 nhóm chính sách.

Cụ thể hoá rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm

Thảo luận tại tổ chiều 10/11, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm định hướng được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, sau khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp này, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được tiếp thu, hoàn thiện, bổ sung các nội dung xoay quanh 9 nhóm chính sách, đặc biệt được hoàn thiện theo hướng cụ thể hoá, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát.

Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Thủ đô, thời gian qua Hà Nội đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo ra được các cơ chế vượt trội như tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu thảo luận tại tổ.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Với tầm quan trọng đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô 2012 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng. Nghị quyết số 15-NQ/TW yêu cầu phải đưa ra những cơ chế vượt trội, phân cấp ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội. Nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW là phải xây dựng cơ chế chính sách vượt trội. Đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực.

Đồng tình với quy định về phân cấp một số thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Hà Nội cũng cần được ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Từ thực tiễn triển khai các dự án, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô còn một số vướng mắc trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cùng với các quy định giao thẩm quyền về chủ trương, các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo ra được các cơ chế vượt trội như tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị
Các đại biểu đoàn Hà Nội thảo luận tại tổ 1.

Phát huy được thế mạnh của Thủ đô Hà Nội

Phát biểu thảo luận, đại biểu Quàng Văn Hương (Đoàn tỉnh Sơn La) cho biết, thời gian qua, chúng ta cũng ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho một số địa phương. Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô là rất cần thiết, nhằm tạo cơ chế, chính sách để phát huy được thế mạnh của Thủ đô Hà Nội.

Quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đại biểu Quàng Văn Hương cho rằng, hiện nay các quy định còn chưa theo kịp thực tiễn. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát và có những chính sách cụ thể hơn để có một Thủ đô phát triển toàn diện và theo tinh thần là “không để ai lại phía sau”, tránh các đối tượng không được quan tâm đúng mức và tạo ra khoảng cách.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải đặt ra một cơ chế thực sự đặc thù, tạo ra được khuôn khổ pháp lý rộng hơn, áp dụng riêng cho Thủ đô, đáp ứng yêu cầu Thủ đô phải được phát triển ở mức cao hơn, tiêu chuẩn phát triển cao so với các địa phương khác.

“Về điều kiện áp dụng luật trong Điều 4, tôi rất đồng tình đối với những quy định của luật khác trái với Luật Thủ đô thì phải áp dụng Luật Thủ đô. Nếu sau này khi ban hành những luật mới, nếu trong luật đó có những nội dung đòi hỏi Thủ đô phải tuân thủ thì phải ghi cụ thể vào trong luật mới, còn nếu không chúng ta vẫn áp dụng Luật Thủ đô” đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo ra được các cơ chế vượt trội như tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị
Tổ 13 (gồm các Đoàn tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang) thảo luận chiều 10/11. Ảnh: Quốc hội

Đáng quan tâm, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác biệt. Nếu chỉ đưa ra mức quy định 0,8 lần, chỉ bằng một số địa phương khác theo đại biểu là “có khi thấp”, nên quỹ tiền lương phải tăng cao hơn. “Về mặt chính sách tiền lương, tôi đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố chủ động quyết định biên chế

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung cơ bản như trong tờ trình của Chính phủ.

Góp ý về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô, đại biểu Tạ Thị Yên nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo Luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

“Tôi đồng ý việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Luật”, đại biểu nói.

Về số lượng biên chế, theo đại biểu Tạ Thị Yên, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo ra được các cơ chế vượt trội như tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị
Các đại biểu Tổ 10 thảo luận về Luật Thủ đô. Ảnh: Quốc hội

Đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố.

“Quy định như vậy sẽ giúp thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương”.

Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%, tăng từ 2 lên 3 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố và mở rộng thành phần của Thường trực Hội đồng nhân dân so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu nhìn nhận, quy định này cũng khá phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, theo đại biểu, cũng có thể nghiên cứu thêm việc đổi mới phương thức làm việc của Hội đồng nhân dân Thành phố để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Phương Thảo