Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai và tài sản công

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 27/11 sắp tới. TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam kỳ vọng, những giải pháp chính sách về huy động và sử dụng nguồn lực được thiết kế trong dự thảo Luật sẽ tạo ra các bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế.

Khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực về đầu tư

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu “xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế.

Theo TS Lê Duy Bình, để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Thủ đô cần được huy động và giải ngân là rất lớn, đạt khoảng 3.100 nghìn tỷ trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 3.410 nghìn tỷ trong giai đoạn 2026-2030. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước lần lượt là khoảng 650 ngàn tỷ và 715 ngàn tỷ đồng, số còn lại sẽ được huy động từ các nguồn vốn tư nhân và nguồn khác.

Luật Thủ đô sửa đổi sẽ phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai và tài sản công
Hà Nội cần nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Để có thể huy động và giải ngân được một khối lượng vốn như vậy, dự thảo Luật Thủ đô đã tăng thẩm quyền cho Thành phố trong lĩnh vực đầu tư (Điều 43). Các quy định trong dự thảo luật dự kiến giao thẩm quyền cho Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án trên 10 nghìn tỷ (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư công); trong đó dự án đường sắt đô thị không bị giới hạn mức vốn, còn đối với các loại dự án khác là không vượt quá 20.000 tỷ đồng. Đây là quy định rất cần thiết, trao quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Thành phố.

Dự thảo Luật Thủ đô cũng tăng thẩm quyền cho Thành phố thông qua quy định cho phép Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên, và các dự án dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

“Tôi cho rằng, các quy định này trong dự thảo sẽ tăng thẩm quyền mạnh mẽ cho Thành phố về đầu tư công và đầu tư tư nhân so với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Công nghệ Cao và nhiều quy định pháp luật khác. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước chuyển có tính đột phá nhằm đẩy nhanh hơn nữa công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án đầu tư, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư – một tiềm lực vô cùng quan trọng của Thủ đô”, ông Bình nhấn mạnh.

Thúc đẩy nguồn lực từ khu vực tư nhân

TS Lê Duy Bình phân tích, trong tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội mà Thủ đô cần cho giai đoạn 2026-2030 là khoảng 3.410 nghìn tỷ, trong đó, khoảng 2.695 nghìn tỷ sẽ cần được huy động từ khu vực tư nhân. Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ chỉ là 715 nghìn tỷ đồng.

Thậm chí trong số 715 nghìn tỷ này, dự kiến khoảng 50% sẽ được huy động từ khu vực tư nhân dưới nhiều hình thức, đặc biệt theo hình thức đối tác công tư hay huy động sự tham gia của tư nhân vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Thủ đô.

Luật Thủ đô sửa đổi sẽ phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai và tài sản công
Cơ chế phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng như quy định tại Điều 39 của Dự thảo sẽ cho phép Thành phố huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị. Ảnh: VGP

Cũng theo TS Lê Duy Bình, các cơ chế được dự kiến trong dự thảo Luật Thủ đô sẽ thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của khu vực tư nhân. Ngoài cơ chế như phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), dự thảo cũng quy định về các cơ chế như cho phép các dự án PPP trong lĩnh vực văn hoá, thể thao ở các dự án có quy mô lớn, và các chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Những chính sách này được kỳ vọng sẽ thu hút được mạnh mẽ đầu tư từ khu vực tư nhân, bao gồm cả các đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình văn hóa, thể thao, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trường học, bệnh viện nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Tối ưu hiệu quả nguồn lực từ đất đai

Đáng quan tâm, Thủ đô Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn nhiều địa phương khác khi giá trị thương mại từ đất tại các đô thị của Hà Nội là rất cao. Với định hướng phát triển đô thị theo Quy hoạch chung theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg hoặc Quy hoạch chung điều chỉnh thì Thủ đô Hà Nội có quỹ đất để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Cơ chế Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng như quy định tại Điều 39 của Dự thảo sẽ cho phép Thành phố huy động nguồn lực từ đất để phát triển đường sắt đô thị, trong đó việc quy hoạch vùng phụ cận và thu hồi, đấu giá đất trong vùng phụ cận là biện pháp để thu lại giá trị gia tăng từ đất để tạo nguồn lực cho phát triển đường sắt đô thị.

Chuyên gia Lê Duy Bình cũng cho rằng, quy định này đã cơ bản thể hiện được về biện pháp, cách thức triển khai thực hiện và giải pháp kết hợp giữa dự án đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị, giúp Thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển đường sắt đô thị. Từ đó, giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông, giúp giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó giảm ùn tắc giao thông ở đô thị trung tâm; giảm ô nhiễm không khí; giúp đẩy nhanh quá trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị trung tâm, phát triển các đô thị, thành phố vệ tinh, thực hiện hiệu quả mục tiêu di dời các cơ sở, trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, giãn dân ở khu vực đô thị trung tâm.

Cơ chế này sẽ giúp Thành phố khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai nhằm phục vụ trực tiếp cho xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị. Nó cũng góp phần khắc phục được một hạn chế hiện nay là việc thu hồi giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng, và các hạn chế của quy định pháp luật hiện tại chưa cho phép Nhà nước có thể thu được chênh lệnh địa tô sau khi Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng.

Đánh thức nguồn lực từ tài sản công

Dự thảo Luật Thủ đô quy định cho phép Thành phố được nhượng quyền kinh doanh, quản lý các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả công trình, tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.

Luật Thủ đô sửa đổi sẽ phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai và tài sản công
TS. Lê Duy Bình kỳ vọng rằng các cơ chế, giải pháp chính sách đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ thực sự tạo ra các bước chuyển có tính đột phá để đánh thức tiềm năng của Thủ đô.

Đồng thời, Dự thảo cũng cụ thể hoá phương thức hợp đồng kinh doanh – quản lý (O&M) của Luật PPP với công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao. Biện pháp này giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia, hợp tác với Nhà nước khai thác, vận hành và bảo trì có hiệu quả, đúng công năng của công trình văn hóa, thể thao; tổ chức nhiều hơn, rộng rãi hơn các hoạt động văn hóa, thể thao; giúp Nhà nước, nhà đầu tư thu được lợi ích kinh tế cao hơn từ việc hợp tác và giúp cho người dân có cơ hội được tiếp cận, sử dụng các công trình văn hoá, thể thao.

Theo TS.Lê Duy Bình, nguồn lực tài sản công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao của Thủ đô dự kiến sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa về công năng, về khả năng tạo ra nguồn thu và từ đó đảm bảo tính bền vững và khả năng phục vụ tốt hơn cho người dân Thủ đô và người dân cả nước.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng nhìn nhận, Dự thảo Luật Thủ đô đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các ách tắc về cơ chế quản lý khoa học theo hướng áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ, quy định các trường hợp mua sắm thuê hàng hóa, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu; cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ của Thủ đô.

Đồng thời, cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy Thủ đô đi đầu, tiên phong trong đổi mới sáng tạo đối với các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô và thực hiện thử nghiệm tại Khu công nghệ cao; thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ để đầu tư thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ.

Dự thảo cũng trao quyền cho Thành phố Hà Nội lập quy hoach và xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc từ trung ương về Hà Nội quản lý, phù hợp với quy hoạch chung về công nghệ cao của Thủ đô (Điều 26). Đây là một giải pháp quan trọng, nổi trội nhằm tạo hạ tầng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết thực hiện mục tiêu thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội.

“Dự thảo Luật Thủ đô đã có cách tiếp cận có tính hệ thống nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Kỳ vọng rằng các cơ chế, giải pháp chính sách đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ thực sự tạo ra các bước chuyển có tính đột phá để đánh thức tiềm năng của thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế nhằm xây dựng Thủ đô thành thành phố kết nối toàn cầu, có có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”, ông Bình nói.

Phương Thảo