Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nhân dân Kẻ Mọc đã tạo ra những nét đẹp trong đời sống xã hội, trở thành truyền thống, phong tục tập quán quý báu của cộng đồng, là những di sản văn hóa cần được giữ gìn, phát huy cho các thế hệ tiếp nối. Độc đáo nhất trong nguồn di sản đó là lễ hội 5 làng Mọc.
Kẻ Mọc là tên gọi nôm của một khu dân cư xuất hiện lâu đời bên bờ Nam sông Tô Lịch, phía Tây Nam của kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Cả vùng Kẻ Mọc có tên chữ là Nhân Mục; sau được chia thành hai xã là Nhân Mục Cựu gồm hai làng: Hạ Đình, Thượng Đình và Nhân Mục Môn gồm 5 làng là Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc (quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), tục gọi là 5 làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).
Lễ hội của từng làng Mọc được tổ chức hằng năm vào dịp sau tết Nguyên đán. Theo tục lệ, cứ đến kỳ Đại hội (5 năm tổ chức một lần, mỗi kỳ do một làng đứng ra đăng cai), 5 làng Mọc sẽ cùng nhau tổ chức lễ hội trọng thể với nhiều nghi thức, trò diễn hấp dẫn, nhằm rước các Thánh (Thành hoàng làng) du xuân, thưởng lãm cảnh quan 5 làng và cầu cho quốc thái dân an. Địa điểm diễn ra lễ hội là ở đình các thôn Mọc, đó là đình Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Chính, Giáp Nhất. Mỗi đình thờ mỗi vị thánh riêng của làng mình.
Đình Cự Chính thờ Đức Thành hoàng là Lã Đại Liệu, Ngài là tướng của Ngô Quyền, được phong làm Tả tướng quân. Khi nhà Ngô tan rã, Ngài là một trong 12 sứ quân, chiếm cứ miền Tế Giang (nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Đình Quan Nhân thờ Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng công và Thánh Bà Trương Mỵ nương, con gái làng Quan Nhân. Đình Giáp Nhất thờ Thành hoàng làng là Phùng Luông, là vị tướng đã cùng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng chống bọn đô hộ nhà Đường (thế kỷ VIII). Đình Phùng Khoang thờ Thượng đẳng Phúc thần Đoàn Thượng, một vị tướng thời Lý.
Lễ hội 5 làng Mọc được khôi phục từ năm 1992 sau hơn một nửa thế kỷ tưởng chừng mai một. Lễ hội 5 làng Mọc ngày nay còn lưu giữ được nhiều phong tục và lễ nghi của cư dân vùng ven đô, nơi từng ghi nhiều dấu tích lịch sử và chiến công hiển hách chống ngoại xâm trong quá trình dựng và giữ nước.
Công tác chuẩn bị lễ hội được diễn ra từ cuối tháng chạp, các làng chuẩn bị những đồ lễ phục vụ cho Tết Nguyên đán và hội sắp tới. Vào độ cuối tháng riêng, trước nửa tháng mở hội, ai được phân công nhiệm vụ gì thì phải chăm lo luyện tập việc ấy. Những người trong phường đồng văn, trống bản, chiêng, chấp hiệu… đều phải mời người biết việc đến để tập luyện cùng nhau cho thuần thục, chủ yếu là tập đi và tập lễ để đến ngày hội ra cửa đình lễ Thánh sao cho đều vừa mắt mà lại đẹp, trang nghiêm.
Lễ hội chính thức diễn ra từ mùng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. Sau khi hoàn tất các nghi lễ chính như: Lễ mở cửa đình; Lễ rước nước và Lễ Mộc dục; Lễ Phong y (Lễ mặc áo Thánh) là chính thức bước vào lễ hội. Phần lễ gồm các nghi thức, nghi lễ bắt buộc, quan trọng nhất là Lễ rước Thánh và Tế lễ ở đình. Với tâm thức hướng về cội nguồn, Lễ hội 5 làng Mọc được tổ chức trên tinh thần cộng đồng và gắn kết giữa các làng.
Lễ rước là một trong những nghi thức tín ngưỡng quan trọng nhất. Vào chính hội 11/2, từ tờ mờ sáng kiệu rồng, sư tử, bát bửu, cờ quat, chấp kích, đội tế… theo nhịp trống, nhạc bát âm rước Thánh lễ tại đình làng mình sau đó rước tới đình làng đăng cai lễ hội năm đó.
Đặc sắc của lễ hội 5 làng Mọc chính là màn kiệu bay. Theo ban tổ chức lễ hội thì 4 vị Thành Hoàng của 5 làng Giáp Nhất, Quan Nhân, Phùng Khoang, Chính Kinh, Cự Lộc (làng Chính Kinh và Cự Lộc thờ chung một vị Thành Hoàng) đều là anh hùng võ tướng, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Các vị Thành Hoàng tuy sống ở những triều đại khác nhau nhưng trong tâm thức của người dân nơi đây thì bốn vị đều là huynh đệ. Theo thông lệ, cứ 5 năm người dân nơi đây lại tổ chức lễ rước kiệu chung cho 4 vị gặp nhau.
Vào ngày hội, các làng sẽ rước Thánh tại đình làng mình, sau đó đoàn rước Thánh đi qua làng nào thì đoàn rước của làng đó ra đón mừng rồi nhập cuộc làm một để tới đình làng đăng cai dự lễ tế hội đồng. Trong khi rước, các kiệu Thánh có lúc vui đến cực điểm thăng hoa “bay” liên tục (theo các cụ phụ lão, kiệu bay là do các Thánh chào nhau thể hiện niềm vui hội ngộ). Cùng với kiệu Thánh, trên đường đi, các đội tàn quạt, biển cờ, hương án, long đình, voi nan, ngựa gỗ… cứ đi một bước lại dừng một bước. Đội múa rồng, múa sư tử lượn vòng lên xuống tạo nên một không khí náo nhiệt, rộn ràng. Khi rước tới đình làng chủ hội mới đến nghi thức tế chủ yếu của Lễ hội 5 làng Mọc. Sau ba hồi ba tiếng trống báo hiệu thì bắt đầu thực hiện các nghi thức tế lễ. Chúc văn được đọc tại buổi tế là bài viết kể lại công đức các vị Thánh, cầu mong Thánh Thần ban phúc lành cho dân làng, cầu cho mưa gió thuận hòa, quốc thái dân an…
Sau khi làm lễ tạ các ngai Thánh cùng Thần vị được cụ Thủ từ và một số giai kiệu, chức sắc vào làm lễ rồi đưa ra kiệu để rước Thánh trở về, gọi là rước Thánh hồi cung.
Ngoài việc tế lễ, rước xách, làng đăng cai còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như chơi cờ người, cờ tướng, bịt mắt đập niêu, chọi gà, hát quan họ… làm tăng sức hấp dẫn của hội làng dịp đầu xuân.
Lễ hội 5 làng Mọc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa vùng Kẻ Mọc xưa, là sự biểu cảm sinh động nhất với những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong đời sống của cư dân người Việt cổ vùng ven Thăng Long khi xưa. Với những giá trị văn hoá đặc sắc, ngày 27/5/2021, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định 1727/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Năm làng Mọc, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân; phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ấy.
Thanh Liêm / nguoihanoi.com.vn