Mang Tết ấm đến với người nghèo

Với tình cảm, sự quan tâm, đồng thời cũng là quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau của Thành phố, các cấp, ngành, địa phương của Thủ đô luôn nỗ lực để “nhà nhà, người người” có Tết.

Những ngày cuối cùng của tháng Chạp, trong căn nhà của chị Phạm Thị Xuân (ngõ 12 Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ắp đầy hương vị ngày Tết. Là hộ cận nghèo ở phường Nhân Chính, bản thân chị Xuân sức khỏe yếu, lại phải nuôi con trai sinh năm 2000, đang tuổi ăn học và chưa có việc làm. Hai mẹ con chị Xuân sống trong một căn phòng chật chội, xuống cấp, đời sống vô cùng khó khăn. Nhằm giúp đỡ chị Xuân vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tháng 7/2022, chính quyền địa phương đã hỗ trợ chị 125 triệu đồng để sửa nhà và mua xe máy cho con trai của chị Xuân có phương tiện đi làm thêm.

“Từ khi được chính quyền giúp đỡ, cuộc sống gia đình tôi bước sang một trang mới. Chúng tôi có nhà mới để ở, con tôi có việc làm, có nguồn thu nhập hỗ trợ mẹ. Chúng tôi rất phấn khởi vì năm nay gia đình có điều kiện sắm Tết tươm tất, đủ đầy hơn mọi năm”, chị Xuân cho biết.

Mang Tết ấm đến với người nghèo
Bà Phạm Thị Nga (thôn Đại Bản, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm) trong buổi đón nhận nhà mới được xây dựng từ những sự trợ giúp thơm thảo.

Tương tự gia đình chị Xuân, không khí Tết cũng đã đến sớm trong căn nhà mới của bà Phạm Thị Nga (thôn Đại Bản, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm). Gia đình bà Nga vốn thuộc diện hộ nghèo, chồng bà Nga lại mắc bệnh nặng cần được điều trị, chăm sóc rất tốn kém. Căn nhà của gia đình xuống cấp nhưng không có điều kiện sửa chữa càng ảnh hưởng nhiều hơn đến sinh hoạt, sức khỏe của các thành viên. Chia sẻ khó khăn với bà Nga, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Gia Lâm đã trích quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ gia đình bà Nga 60 triệu đồng. Các ban, ngành, đoàn thể huyện Gia Lâm và anh em, họ hàng, bà con lối xóm cũng đã chung tay hỗ trợ bà Nga xây nhà mới với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng, ngôi nhà vừa khánh thành vào ngày 1/12/2022.

Trong niềm xúc động, phấn khởi, bà Nga bộc bạch: “Nhờ sự quan tâm của cơ quan chức năng, gia đình tôi đã có căn nhà mới, cuộc sống bớt khó khăn, vất vả. Tôi rất ấm lòng và không có lý do gì để không chuẩn bị cho mình một cái Tết tươm tất”.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng triệu người yếu thế, khó khăn ở thành phố Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, trợ giúp ấm áp, nghĩa tình của các cấp chính quyền, ban ngành, cơ quan chức năng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của thành phố Hà Nội. Với mục tiêu không để ai bị ở lại phía sau, năm 2022, thành phố Hà Nội đã triển khai linh hoạt các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo, cũng như thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội khẩn cấp cho những người cần trợ giúp, bảo đảm an sinh, tạo điểm tựa vững chắc để mọi người cùng vươn lên.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, đến hết tháng 11/2022, toàn Thành phố đã giảm được 1.487/723 hộ nghèo, đạt 192,1% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 dự kiến còn 0,1%, tương đương trên 2.200 hộ nghèo. Vui với niềm vui thoát khỏi cảnh nghèo, người dân khắp nơi trên địa bàn Thành phố rộn ràng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, đến hết tháng 11/2022 toàn Thành phố đã giảm được 1.487/723 hộ nghèo, đạt 192,1% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 dự kiến còn 0,1%, tương đương trên 2.200 hộ nghèo. Vui với niềm vui thoát khỏi cảnh nghèo, người dân khắp nơi trên địa bàn Thành phố rộn ràng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão. Dù còn nhiều lo toan, các gia đình vẫn cố gắng trang trí nhà cửa, sắm sửa thêm những vật dụng thiết yếu để cải thiện cuộc sống, Tết được đủ đầy. Nhìn người người, nhà nhà rộn ràng chuẩn bị Tết và nghe những chia sẻ đầy xúc động của người khó khăn, yếu thế, người ta có thể cảm nhận, trên khắp Thành phố sắc xuân ấm no đang hiện hữu, còn cái nghèo, cái khó đang dần dần lùi xa.

Và trong những ngày cận Tết, hoạt động chăm lo, giúp đỡ người nghèo đón Tết diễn ra khắp nơi trên địa bàn Thành phố. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các quận, huyện, Hội Bảo trợ người tàn tật Thành phố, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Quỹ bảo trợ trẻ em thành phố… liên tục nhận được sự giúp đỡ bằng tiền mặt và vật chất của các cá nhân, tổ chức giúp người nghèo đón Tết. Liên đoàn Lao động Thành phố tăng cường tổ chức hoạt động chăm lo Tết cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), nhất là CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn như: Tổ chức Tết sum vầy, Chợ Tết Công đoàn, tổ chức xe đưa công nhân ở xa về quê ăn Tết, trao Mái ấm Công đoàn, trao trợ cấp Tết cho công nhân… Ủy ban nhân dân Thành phố đã quyết định dành kinh phí hơn 550 tỷ đồng để tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt…

Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách, trong dịp năm hết, Tết đến, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể Thành phố vẫn dành thời gian trực tiếp đi thăm hỏi, chúc Tết các lão thành cách mạng, gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn điển hình ở từng địa phương, đặc biệt là khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn dù trong điều kiện công việc bộn bề… Những chuyến thăm này càng giúp cái Tết của người nghèo, người yếu thế thêm ấm áp, thắm đượm nghĩa tình…

Mùa xuân mới đã đến, Tết đã về. Niềm vui của người nghèo, người yếu thế bừng lên qua nụ cười, ánh mắt khi được đón nhận sự quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ của Thành phố, các cấp, ngành và của cộng đồng xã hội đã lan tỏa thêm hơi ấm, sức xuân và cho mùa xuân thêm trọn vẹn với tất cả mọi người.

Phạm Diệp