Mặt trận Hà Nội và huyện Lâm Hà trao đổi kinh nghiệm về vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc

 Chiều 23/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội và Đoàn đại biểu huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã trao đổi kinh nghiệm hoạt động về công tác phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Văn Thuận – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Hà, Trưởng đoàn công tác cho biết: Huyện Lâm Hà có diện tích tự nhiên hơn 93.000 ha, dân số gần 150.000 người, với trên 30 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn 14 xã, 2 thị trấn. Qua 35 năm xây dựng, phát triển (28/10/1987 – 28/10/2022) và 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã có bước phát triển khá toàn diện.
Mặt trận Hà Nội và huyện Lâm Hà trao đổi kinh nghiệm về vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung phát biểu tại Hội nghị.

Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khá ổn định. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 52 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,68%, chất lượng y tế, giáo dục được đảm bảo. 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong tháng 10/2022, Lâm Hà là huyện thứ năm của tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2016 – 2020.

Báo cáo với Đoàn đại biểu huyện Lâm Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung đã thông tin nhanh với đoàn về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trong 10 tháng đầu năm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình, phát triển trở lại là đầu tàu kinh tế, mũi nhọn của cả nước với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá. Toàn Thành phố đang quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội của Thủ đô trong năm 2022, đồng thời tình hình an ninh, an toàn trật tự được giữ vững.

Bà Dung cho biết, Thủ đô Hà Nội hiện có 30 quận, huyện, thị xã, với trên 8 triệu dân, trong đó, có khoảng 108.000 người là dân tộc thiểu số, tập trung ở 14 xã thuộc 5 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ).

Mặt trận Hà Nội và huyện Lâm Hà trao đổi kinh nghiệm về vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và Đoàn đại biểu huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) chụp ảnh lưu niệm.

Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 0,53%; 14 xã đều hoàn thành xã xây dựng nông thôn mới, đang cố gắng xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đồng thời, cố gắng tiến tới đưa công nghệ thông tin vào từng xã.

Tại Hội nghị, hai bên đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở từng địa phương, qua đó, tăng cường củng cố, bồi đắp và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác cùng phát triển trong thời gian tới.

Năm 1976, tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hà Nội phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng và thống nhất lấy Nam Ban – Lán Tranh với diện tích tự nhiên 42.600 ha thuộc huyện Đức Trọng (nay là huyện Lâm Hà) để xây dựng Vùng kinh tế mới, tạo tiền đề cho sự ra đời huyện mới Lâm Hà.

35 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lâm Hà đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo khắc phục mọi khó khăn, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở phát triển vững mạnh, thực hiện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nên sự phát triển toàn diện và đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.

B.D