Mô hình đổi mới sáng tạo của Hà Nội cần đặc biệt so với địa phương khác

Muốn Hà Nội phát triển đi đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà áp dụng cơ chế chính sách hiện tại thì rất khó. Trong khi đó, Hà Nội có đầy đủ các nguồn lực để phát triển khoa học và công nghệ, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, vì vậy cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ và vượt trội.

Thu hút và trọng dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao

Đây là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến các nội dung về khoa học công nghệ trong Dự thảo Luật.

Theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ được quy định tại các Điều 18, 26, 42, 45, 46 của Dự thảo Luật.

Trong đó, về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Điều 18 Dự thảo Luật quy định: “Chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng làm việc để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ…”.

Mô hình đổi mới sáng tạo của Hà Nội cần đặc biệt so với địa phương khác
Toàn cảnh buổi làm việc.

Góp ý nội dung này, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, thay bằng hình thức ký hợp đồng làm việc thì có thể nghiên cứu xây dựng các cơ chế ưu đãi về nhà ở, thu nhập, tạo môi trường làm việc tốt… để thực sự thu hút và trọng dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao này.

Cũng góp ý về nội dung này, một số ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là “trình độ chuyên môn cao” đồng thời đề xuất tách rõ chế độ thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước và nước ngoài

Điều 26 dự thảo Luật có quy định các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ chuỗi khối, Internet vạn vật; năng lượng sinh khối; công nghệ gen, sinh học phân tử, vacxin; công nghệ chế tạo chip, in 3D, vật liệu tiên tiến; công nghệ vật liệu xây dựng mới.

Theo đại diện Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các lĩnh vực trọng điểm nêu trên còn trùng lắp với các lĩnh vực công nghệ cao, do đó cân nhắc tên gọi bao quát hơn để tránh liệt kê thiếu sót và tên gọi các lĩnh vực có sự thay đổi sau này.

Mô hình đổi mới sáng tạo của Hà Nội cần đặc biệt so với địa phương khác

Đáng quan tâm, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng, các mô hình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội cần đặc biệt so với địa phương khác, tuy nhiên hiện chưa có quy định đặc thù mà chỉ vận hành theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số Nghị định liên quan. Việc giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý Khu công nghệ cao nhằm thống nhất đầu mối quản lý và tạo sự chủ động là phù hợp.

Bày tỏ đồng tình, đại diện Vụ Công nghệ cao cho rằng cần làm nổi bật và xác định rõ mục tiêu quản lý Khu công nghệ cao. Trước đây, Ban quản lý khu công nghệ cao là do Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bổ nhiệm Trưởng Ban quản lý, sau đó đã giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm. Vì vậy, quy định như Dự thảo là phù hợp để tạo tính chủ động cho Hà Nội.

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, muốn Hà Nội phát triển đi đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà áp dụng cơ chế chính sách hiện tại thì rất khó. Trong khi đó, Hà Nội có đầy đủ các nguồn lực để phát triển khoa học và công nghệ, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, vì vậy cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ và vượt trội.

Theo Dự thảo Luật, Tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô được: Áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ; Quyết định thuê, thoả thuận chi phí thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài, mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ; quyết định việc tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn của nhiệm vụ; công bố kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ;

Cá nhân chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô, ngoài các quyền nêu trên, còn được hưởng các ưu đãi: Thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm được xác định là thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân; Được hỗ trợ từ ngân sách Thành phố một phần chi phí thuê nhà, phương tiện đi lại trong thời gian chủ trì nhiệm vụ.

Các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô được hưởng các ưu đãi sau đây: Được hỗ trợ từ ngân sách thành phố Hà Nội kinh phí mua sắm, chi phí vận hành máy, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô; Được hỗ trợ từ ngân sách thành phố Hà Nội kinh phí hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), phòng thí nghiệm thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Thủ đô; Doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô được hưởng ưu đãi tương tự như doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong các năm tham gia thực hiện nhiệm vụ.

 

Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/mo-hinh-doi-moi-sang-tao-cua-ha-noi-can-dac-biet-so-voi-dia-phuong-khac-159194.html