Mỗi người dân phải là “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa

Mỗi người dân phải là “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nhân lên nét thanh lịch người Hà Nội

Ngày 19/2, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Ngay sau khi ban hành, Chỉ thị đã nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Người dân đều mong muốn, đây sẽ là nguồn lực, động lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Bà Phan Thị Mai (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, việc ban hành Chỉ thị số 30 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới.

Mỗi người dân phải là
Người dân đều mong muốn, Chỉ thị số 30 sẽ là nguồn lực, động lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Theo bà Mai, thời gian qua, nếp sống văn minh, thanh lịch mà trọng tâm là hai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã phát huy được nhiều hiệu quả tích cực.

Theo đó, các nội dung đã được triển khai tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân Thủ đô bằng nhiều hình thức như: Tổ chức ký cam kết thực hiện quy tắc ứng xử; phát động thi đua ở các cấp, tập trung tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng; tổ chức tọa đàm về quy tắc ứng xử tại các thôn, làng, tổ dân phố…

Dễ thấy nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy tốt những phong tục tập quán lành mạnh, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng và ngày một hoàn thiện phủ khắp các tổ dân phố, khu dân cư. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, thể dục – thể thao ngày càng đa dạng, phong phú, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia…

Phấn khởi khi Chỉ thị số 30 mới được ban hành, ông Phan Văn Yên – Bí thư Chi bộ số 9, Tổ trưởng Tổ dân phố số 11 (phường Phương Mai, quận Đống Đa) cho rằng, đây thực sự là một tín hiệu tích cực, là nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Cũng theo ông Yên, hiện nay, trên địa bàn Tổ dân phố số 11 (phường Phương Mai) có 185 hộ gia đình. Trong những năm qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” phát triển rất mạnh, có tác động thiết thực đối với xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Trong đó, khu dân cư đã chú trọng phát triển các phong trào xây dựng gia đình, tổ dân phố văn hoá; phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; phong trào học tập, lao động sáng tạo; phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại…

“Hi vọng rằng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt, huy động được mọi nguồn lực của nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực tự cường, làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng khu dân cư; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh tạo nền tảng tư tưởng vững chắc”, ông Yên bày tỏ.

Phát huy tính tiên phong, gương mẫu

Trao đổi với Lao động Thủ đô, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, đánh giá, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học lớn của nước ta. Những năm qua, Hà Nội luôn xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long – Hà Nội.

Theo đó, các quận, huyện của Hà Nội không ngừng nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu đưa Thủ đô là Thành phố kết nối toàn cầu. Mới đây, Chỉ thị số 30-CT/TU ra đời kịp thời, đúng lúc, dám nhìn thẳng vào thực tế, không né tránh những tồn tại, hạn chế để các cấp, ngành, địa phương của Thủ đô quyết tâm thực hiện nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Mỗi người dân phải là
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long – Hà Nội.

Cũng theo bà Bùi Thị An, để thực hiện tốt Chỉ thị số 30, lãnh đạo Thành phố cần phân cấp rõ ràng, trao trách nhiệm cho người đứng đầu sở, ngành, đơn vị, địa phương về xây dựng văn hóa người Hà Nội. Cụ thể, từng đợt phải kiểm điểm, báo cáo việc đã làm, chỉ ra những hạn chế, những việc còn tồn tại và có kế hoạch khắc phục. Cùng với đó, Thành ủy cần công khai nơi làm tốt, nơi chưa làm được và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024…

Có thể thấy, việc ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân trên địa bàn Thủ đô.

Trong đó, để Chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các quận, huyện của Thủ đô càng phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về sự tiên phong, gương mẫu của mình. Bởi lẽ, sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên sẽ tạo ra sức lan tỏa, có ý nghĩa rất lớn trong việc huy động sức mạnh của nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tại mỗi gia đình, cán bộ, đảng viên cần nêu gương với vai trò của ông, bà, bố, mẹ trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử để con cháu noi theo. Đồng thời, tích cực phê phán những cái xấu, hành vi phản văn hóa trong cuộc sống; qua đó tạo tác động tích cực, lan tỏa lối sống đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt, những giá trị văn hóa tốt đẹp, như lòng yêu nước, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo… trong mỗi người dân Hà Nội, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới.

K.Tiến