Lất phất mưa bay trong cái lạnh còn vương
Hà Nội trong những ngày mùa xuân với khói sương lảng bảng quấn quýt vào từng góc phố, quyện cùng cỏ cây hoa lá đang cựa mình thức giấc, mang đến một không gian mướt mát, tràn trề sức sống, xua đi hơi lạnh của cơn gió Bấc mùa đông dần rời xa phố cổ.
Năm xưa, cũng trong một ngày sương khói như vậy, nhà thơ Nguyễn Bính với hồn thơ “chân quê” đã vẽ nên một bức tranh “Mưa xuân” hữu tình. Hình ảnh mưa xuân xuyên suốt toàn bài thơ như một nhân vật trữ tình với bao cung bậc xúc cảm, buồn, vui, đợi chờ, thấp thỏm… Dường như mưa xuân đã đồng cảm với tâm trạng của cô thôn nữ một làng quê cổ miền Bắc lần đầu yêu.
Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Đã bấy nhiêu năm thi sĩ đã là người thiên cổ, nhưng mỗi độ xuân về, mưa bụi bay… mưa đùa trêu những đôi má hồng của cô thiếu nữ Hà thành lòng ta lại nhớ đến “Mưa xuân”, nhớ thi sĩ chân quê ngày nào.
Không mưa phùn gió bấc lạnh căm như mùa đông, Hà Nội mùa xuân chỉ còn lại cơn mua bụi bay bay với gió nhẹ. Người ta vẫn thường bảo mùa xuân phải có mưa mới là điều tốt lành, thế nên người Hà Nội tự yêu mến cơn mưa bụi với từng giọt nước li ti như sương dần len vào không khí mùa xuân một cách rất tự nhiên.
Cơn mưa phùn lây phây, nhè nhẹ rơi. Dường như Hà Nội đẹp lên nhờ những hạt mưa phùn, “mưa chẳng làm ướt tóc ai nhưng lại làm ướt trái tim khách bộ hành”. Chúng ta hãy thử ngửa lòng bàn tay để cho những hạt bụi mùa xuân thấm đẫm tâm hồn mình. Để ta cũng vội vàng hòa mình vào mưa bụi bay.
Vạn vật đổi thay
“Có phải kia mùa xuân Hà Nội
Lộc biếc hoa cười nở khắp nơi
Để nắng lên ươm màu dịu vợi
Nụ cười xinh bẽn lẽn buông lơi.”
Như một phép nhiệm màu, màn mưa xuân làm mọi vật thay đổi. Bầu trời mưa xuân như tấm phông màu xám trắng, sáng nhẹ. Tấm phông đó làm rõ vẻ đẹp của tán bàng đã rụng gần hết lá, ánh lên màu đỏ những phiến lá cuối cùng.
Mưa xuân tiếp sức cho cỏ cây đâm chồi, nảy lộc. Chẳng mấy chốc mà cây đũa thần mưa xuân lại vẽ lên nền trời ấy nét khỏe khoắn của những mầm lộc hừng hực sức xuân.
Những gốc đào được trồng lại, tỉa cắt gọn gàng sau Tết hôm qua còn gợi cho ta cảm giác bùi ngùi tiếc nuối, sau một đêm đã cho một ánh nhìn mới khi được thấm nhuần mưa xuân, hứa hẹn khoe sắc trong mùa đào năm tới.
Thì ra, cái sự “phơi phới” trong thơ của cụ Nguyễn Bính không chỉ ở những hạt mưa xuân với vũ điệu rộn rịp không trung, mà còn cả trong lòng người trước một mùa xuân mới./.
Ngân Hà
https://nguoihanoi.com.vn/mua-xuan-tren-pho-phuong-ha-noi-67541.html