Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng

Sau hơn 1 năm Hà Nội triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, phát huy được tính chủ động và chế độ chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường. Từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ cơ bản phù hợp với năng lực chuyên môn của công chức, phương thức hoạt động của Ủy ban nhân dân (UBND) phường đã thay đổi theo hướng tích cực, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Mục tiêu quan trọng là “mỗi người dân, doanh nghiệp cảm nhận được, thụ hưởng được những lợi ích từ quá trình cải cách hoạt động điều hành của chính quyền Thành phố – Thước đo của thành công là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng
Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng
Theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV, từ ngày 01/7/2021, thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Để triển khai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31/12/2019, phân công nhiệm vụ các cấp, các ngành của Thành phố nghiên cứu, chuẩn bị các công việc đảm bảo cho việc thực hiện thí điểm. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng
Trên cơ sở Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021, phân công nhiệm vụ cho các Sở, ngành, các quận và thị xã Sơn Tây để đảm bảo các điều kiện khi thực hiện thí điểm.

Nhằm xác định rõ trách nhiệm, lề lối làm việc, chế độ hội họp, phương thức giải quyết công việc… cho các phường, các Quy chế làm việc mẫu của Ban chấp hành Đảng bộ phường, UBND phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường đã được Thành ủy, UBND Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố hướng dẫn kịp thời.

Đồng thời, theo chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND Thành phố, các hoạt động thông tin, tuyên truyền về thực hiện mô hình chính quyền đô thị đến cán bộ, nhân dân Thủ đô đã được các địa phương, đơn vị đồng loạt đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, tạo được sự đồng thuận.

Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo HĐND Thành phố và HĐND cấp quận tăng cường các hoạt động giám sát đối với UBND, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND của 175 phường. Đồng thời, ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.

Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thành phố Hà Nội đã chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện đồng bộ các khối lượng công việc, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, đảm bảo không ảnh hưởng đến điều hành, quản lý của chính quyền cơ sở, thông suốt trong phục vụ tổ chức, công dân.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng
Theo mô hình thí điểm, chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là UBND phường, không tổ chức HĐND. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND phường, công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng.

Chủ tịch UBND phường điều hành hoạt động của UBND phường trên cương vị là thủ trưởng cơ quan hành chính, chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã và trước pháp luật về toàn bộ chỉ đạo, điều hành, quyết định về các lĩnh vực công tác của phường.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng

Mối quan hệ công tác giữa UBND, Chủ tịch UBND phường với Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, Ủy ban MTTQ phường được quy định cụ thể rõ ràng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp, giám sát của Ủy ban MTTQ phường, các tổ chức chính trị – xã hội cũng như của người dân trên địa bàn phường trong hoạt động của UBND phường.

Cũng như các phường khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ ngày 1/7/2021, phường Đội Cấn, quận Ba Đình bắt đầu thực hiện chủ trương thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Để điều hành UBND phường theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch UBND phường đã phân công nhiệm vụ với các phó chủ tịch và cán bộ công chức rõ người, rõ việc, rõ kết quả và định kỳ kiểm điểm, đánh giá. Vì vậy, đội ngũ công chức làm việc tại phường đã nhanh chóng bắt nhịp được yêu cầu công việc trong giai đoạn mới.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng

“Điều may mắn là chúng tôi nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Qua đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách cho thấy, việc Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm theo cơ chế thủ trưởng, tự mình quyết định và chịu trách nhiệm giúp cho việc điều hành linh hoạt hơn. Với nhiều nhiệm vụ phục vụ công tác phòng, chống dịch mang tính đột xuất, yêu cầu phải giải quyết ngay, với nguyên tắc làm việc theo chế độ thủ trưởng theo mô hình mới, tôi thấy mình đã phát huy vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện mọi hoạt động của UBND phường, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp bách tại cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội ở phường và lực lượng công an, quân đội trên địa bàn.

Về cơ bản, tôi thấy việc không tổ chức HĐND phường và mô hình chính quyền đang thực hiện thí điểm là phù hợp”, bà Ngô Thị Minh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đội Cấn cho hay.

Phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cũng thực hiện phân công và đánh giá thực hiện nhiệm vụ của các Phó Chủ tịch UBND, công chức chuyên môn… trên tinh thần tuân thủ nguyên tắc “năm rõ“ để phát huy được vai trò trách nhiệm, sáng tạo, chủ động của cán bộ, công chức. Đồng thời, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức và Nhân dân trong phường để tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong việc triển khai, thực hiện.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng

Từ thực tiễn quản lý, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm – bà Lê Khánh Giang chia sẻ: Với tư cách là Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND phường, tôi luôn đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Trên nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tôi đã cùng với tập thể lãnh đạo UBND phường tham mưu cho Đảng ủy phường đề ra nghị quyết lãnh đạo trên cơ sở nhiệm vụ, kế hoạch trên giao và đặc thù địa bàn để đảm bảo phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Bà Giang cũng chung cảm nhận, việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch UBND phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc. Việc phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức thuộc UBND phường đã góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ công chức phường trong thực thi công vụ.

Thay đổi phương thức hoạt động mới theo chế độ thủ trưởng cũng tạo điều kiện để Chủ tịch UBND phường chủ động, nhanh nhạy, quyết đoán trong quản lý điều hành công việc của phường. Đồng thời, giúp lãnh đạo UBND quận, thị xã có thể dễ dàng đánh giá khả năng, năng lực công tác của Chủ tịch UBND phường trong điều hành, quản lý. “Tất nhiên, trách nhiệm, áp lực với người đứng đầu cũng nặng nề hơn”, bà Giang nói.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng
Ông Ngô Mạnh Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố số 6 phường Đội Cấn cho hay, người dân nhận biết sự thay đổi về mô hình tổ chức chính quyền khi tấm biển ghi “Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường”, được bỏ đi chữ “Hội đồng nhân dân”.

“Có người hỏi tôi vậy thay đổi như thế nào. Tôi giải thích rằng, trước đây cấp phường có tổ chức HĐND phường để giám sát quản lý hoạt động của UBND, đại diện cho người dân. Còn bây giờ không tổ chức HĐND phường nữa, mà phát huy vai trò giám sát của người dân, người dân chúng ta giám sát trực tiếp, phản ánh, tham gia đối thoại, kiến nghị trực tiếp với lãnh đạo phường. Như vậy, quyền dân chủ của mỗi cá nhân cũng được phát huy hơn”, ông Ngô Mạnh Sơn nói.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng
Tại quận Tây Hồ, sau 1 năm thực hiện thí điểm, tình hình phát triển kinh tế xã hội, các lĩnh vực an ninh trật tự, quốc phòng địa phương… nhìn chung đều đạt kết quả tốt là đánh giá của ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận.

Ông Khuyến cho hay, cơ chế quản lý mới có nhiều ưu điểm, ví dụ như trong công tác cán bộ, việc kiện toàn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các phường hay cần tăng cường cán bộ có năng lực, điều chuyển cán bộ yếu kém đều rất kịp thời. Với vai trò là thủ trưởng đơn vị hành chính, trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường được nâng cao, mọi việc giải quyết cho người dân nhanh hơn. Trách nhiệm của công chức phường cũng được nâng lên với tâm lý phấn khởi vì được liên thông thành công chức cấp quận.

“Không tổ chức HĐND cấp phường là cần thiết, phù hợp thực tiễn. Sau thí điểm, cần thực hiện chính thức luôn. Thực tế, HĐND phường mỗi lần ra nghị quyết lại trên cơ sở nghị quyết của HĐND quận, chỉ quyết định các nội dung, chỉ tiêu đã được xác định tại Nghị quyết của HĐND quận là rất hình thức”, ông Khuyến nói.

Còn về công tác giám sát hoạt động của UBND các phường, các tổ đại biểu HĐND quận bao quát được nội dung công việc hơn, kết hợp với giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nữa, nên hoạt động này vẫn đảm bảo tốt. “Về thực hiện quyền dân chủ của người dân thì thông qua các buổi đối thoại cho thấy, người dân muốn kiến nghị và nghe giải đáp trực tiếp từ Chủ tịch UBND phường hơn”, ông Khuyến chia sẻ thêm.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng
Báo cáo Đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về sơ kết 1 năm thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng – ông Trần Quyết Thắng cho biết, đến thời điểm hiện nay, hệ thống chính trị cơ sở hoạt động thông suốt, hiệu quả, tình hình cơ sở ổn định, không phát sinh phức tạp, không có đơn thư, khiếu nại, tố cáo… Quận đã giảm 87 người hoạt động không chuyên trách ở phường và giảm 1.079 người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố.

Nhằm kịp thời đánh giá về kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện thí điểm, tháng 4/2022, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát công tác sắp xếp bộ máy, biên chế công chức và hoạt động của UBND phường thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Qua giám sát cho thấy, việc rà soát đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường chịu tác động, sắp xếp của việc thực hiện thí điểm đã được các quận, phường thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, đúng quy định của Trung ương, chỉ đạo của Thành ủy, hướng dẫn của UBND Thành phố. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc đối tượng sắp xếp do thực hiện thí điểm, chính sách cho công chức tư pháp – hộ tịch được ký chứng thực theo ủy quyền đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo các nghị quyết của HĐND Thành phố.

Đáng mừng, sau sắp xếp, tư tưởng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ổn định, không phát sinh đơn thư, khiếu nại tố cáo. Việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trong đó, đặc biệt là giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền vẫn được tiến hành ổn định, đạt hiệu quả tích cực; chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả giải quyết của chính quyền cơ bản được giữ ổn định và ở mức cao.

“Qua kết quả bước đầu thực hiện của các cơ quan trong hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như dư luận Nhân dân đánh giá cao việc tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị đang được thực hiện thí điểm tại các quận, thị xã của thành phố Hà Nội”, Báo cáo giám sát nêu rõ.

Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng
Kỳ 2: Mục tiêu: Tăng chỉ số hài lòng

Nội dung: HẢI LÝ – Đồ họa: ĐỨC HÀ

https://laodongthudo.vn/ky-2-muc-tieu-tang-chi-so-hai-long-146178.html