Mục tiêu, yêu cầu và những chỉ tiêu cơ bản được đặt ra trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội

Với mục tiêu kiên trì xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” với những chỉ tiêu và yêu cầu cụ thể.

Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet

Theo đó, Mục tiêu của Chương trình là phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật. Khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí, khát vọng vươn lên của Nhân dân Thủ đô. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập, sáng tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú, tạo chuyển biến tích cực về tâm lý, lối sống, hành vi của thanh thiếu niên. Sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, lấy “chân – thiện – mỹ” làm mục tiêu của các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa của thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Ảnh minh hoạ – Nguồn: Cổng TT Sở VHTT Hà Nội

Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng đặt ra 3 yêu cầu cần tập trung như sau:

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước và Thủ đô. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong sự đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thanh lịch, văn minh. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa trong đó chú trọng vai trò của gia đình và cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ đến yếu tố phát triển văn hóa và xây dựng con người trong quá trình phát triển kinh tế; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, Thủ đô Hà Nội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.

Ảnh minh hoạ – Nguồn: Cổng TTĐT Sở VHTT Hà Nội

Chương trình cũng đặt ra 18 chỉ tiêu cụ thể cho 7 nhóm chỉ tiêu cơ bản như sau:

Nhóm chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa từ 86-88%. Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa đạt 65%. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa là 75%. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa hàng năm từ 70-73% (tính trên tổng số đăng ký). Tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa: 100%.

Nhóm chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa: Di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là 15. Số di tích xếp hạng và nâng cấp xếp hạng: di tích Quốc gia đặc biệt là 03; di tích cấp Quốc gia là 08 và di tích cấp Thành phố là 80.

Nhóm các chỉ tiêu về văn hóa nghệ thuật: Số vở diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống được dàn dựng mới và biểu diễn hàng năm là trên 18 vở. Số buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hàng năm: trên 3.000 buổi. Số phim tài liệu, khoa học, hoạt hình được sản xuất hàng năm: 10 phim.

Nhóm các chỉ tiêu phát triển thể thao: Về thể thao quần chúng: Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên là 42,5% trở lên. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao là 31% trở lên. Về thể thao thành tích cao: Phấn đấu đóng góp tối thiểu 30% lực lượng HLV, VĐV và thành tích huy chương cho đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực (SEA Games, ASIAD…).

Ảnh minh hoạ – Nguồn: Cổng TTĐT Sở VHTT Hà Nội

Nhóm chỉ tiêu phát triển du lịch: Số lượt khách du lịch đón và phục vụ đạt từ 35-39 triệu lượt khách, trong đó từ 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Nhóm chỉ tiêu phát triển giáo dục và đào tạo: Số trường học công lập (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia: 80-85%. Đầu tư xây dựng từ 03-05 trường liên cấp (Tiểu học, THCS, THPT) có diện tối thiểu 5 ha và có cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực.
Nhóm chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75-80%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 55-60%. Mỗi năm đào tạo nghề khoảng 230 nghìn lượt người.

Phong Lan/nguoihanoi.com.vn