”Muôn nẻo đường tơ” chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Chiều 14-11, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội – 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thông tin về chuỗi hoạt động văn hóa, có chủ đề “Muôn nẻo đường tơ”, thiết thực chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11. 

Phó Trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phát biểu tại sự kiện.

Chuỗi hoạt động văn hóa “Muôn nẻo đường tơ” kéo dài từ ngày 18 đến 31-12, với sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, thợ thủ công cùng nhiều nghệ sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế… những người dành trọn tình yêu và tâm huyết cho sự nghiệp bảo tồn, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, phát huy truyền thống văn hóa sáng tạo của người Thăng Long – Hà Nội đã được đúc kết từ hơn nghìn năm qua.

Cụ thể, chuỗi hoạt động sẽ ra mắt công chúng vào tối 18-11, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội với bộ sưu tập trang phục từ tơ tằm và lụa của nhiều làng nghề truyền thống Việt Nam. Chương trình kết hợp với biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống và đương đại.

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động còn có nhiều hoạt động hấp dẫn khác, như: Trưng bày giới thiệu nghề ươm tơ, dệt vải truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ; các ứng dụng của tơ trong đời sống đương đại; tọa đàm “Nghề dệt lụa Việt Nam gắn với phát triển bền vững”; biểu diễn âm nhạc truyền thống “Long thành cổ tích”; không gian giới thiệu Trà Việt và nghệ thuật thư pháp, chủ đề “Thư – Trà kì ngộ”; trưng bày giới thiệu sản phẩm cây thuốc nam của người Việt…

Bên cạnh đó là các hoạt động hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội-2022, tại Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật – 22 Hàng Buồm, như: Chuỗi dự án trưng bày mơ tiên, diều tiên, tiên rồng; sắp đặt đèn “Cuộc gặp gỡ xưa và nay”; triển lãm “Ngũ hành”; đối thoại “Ngày xưa có một nhịp cầu ở Việt Nam”…

Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được giới thiệu tại sự kiện.

Tại sự kiện, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, khu phố cổ Hà Nội luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội, nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, hấp dẫn của làng nghề, phố nghề Kinh kỳ – Kẻ chợ. Điều này góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến. Với những giá trị di sản còn hiện hữu, phố cổ Hà Nội luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội.

“Chuỗi hoạt động văn hóa tại khu phố cổ thêm một lần khẳng định những giá trị di sản văn hóa độc đáo của phố cổ Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung, qua đó nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống, ý thức trong bảo vệ di sản; đồng thời, tăng sức hấp dẫn cho du lịch phố cổ”, bà Trần Thị Thúy Lan nói.

Nguyễn Thanh

”Muôn nẻo đường tơ” chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam – Nhịp sống Hà Nội (hanoimoi.com.vn)