Năm 2023, Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng 7%

Năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, Thành phố xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% (gấp 1,08 lần cả nước) là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết.

Ngày 8/12, tiếp tục Chương trình tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố khóa XVI, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Minh Hải đã tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề.

Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, về cơ bản, các đại biểu đều thống nhất với các báo cáo, tờ trình của UBND Thành phố, trong đó thống nhất nhận định mặc dù bối cảnh năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới cũng như hậu quả của dịch bệnh Covid-19, song với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Đó là hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó cả 4 chỉ tiêu kinh tế đều vượt kế hoạch. Kinh tế phục hồi với mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo. Thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Năm 2023, Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng 7%
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát biểu giải trình tại Kỳ họp.

UBND Thành phố đã chủ động, quyết liệt, tiếp tục đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, xác định và giải quyết công việc có trọng tâm, trọng điểm; đã sớm ban hành và triển khai một số chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà còn triển khai cho cả trung và dài hạn.

Giải trình rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó nghiên cứu các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bám sát tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là lao động nông thôn, lao động tại các khu công nghiệp…

Đối với phát triển làng nghề, Thành phố sẽ tiếp tục quan tâm đảm bảo về mặt bằng, mở rộng và đầu tư xây mới các cụm công nghiệp làng nghề, đưa sản xuất ra khỏi khu dân cư và hỗ trợ phát triển sản xuất, có các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp.

“Năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, Thành phố xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% (gấp 1,08 lần cả nước) là phù hợp bối cảnh và có tính phấn đấu” – Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.

Năm 2023, Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng 7%
Toàn cảnh Kỳ họp.

Đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất

Về dự báo nguồn thu năm 2023, UBND Thành phố đã xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2023 theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

Thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có giải pháp cụ thể đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn để tạo nguồn thu, đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cần phải thực hiện nghiêm, khi có nguồn thu mới tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện dự án để tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đồng thời, tiếp tục khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thu như tập trung vào rà soát lại các hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ khoán; quỹ đất, tài sản công, rà soát 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sau Nghị quyết số 04 của HĐND Thành phố…

Thành phố cũng tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối liên vùng, các tuyến đường vành đai để tạo ra không gian phát triển mới, bố trí sắp xếp lại không gian phát triển mới và tạo ra nguồn lực mới. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng sản xuất kinh doanh: các khu, cụm công nghiệp; trung tâm thương mại, dịch vụ; khách sạn cao cấp; các trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng…

Về vấn đề về chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, năm 2023, UBND Thành phố xác định tiếp tục chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành , quan tâm chỉ đạo các đơn vị đổi mới tư duy đặc biệt là phương pháp làm việc. Tiếp tục tăng cường đào tạo và đào tạo lại nhất là kỹ năng theo vị trí việc làm.

Chỉ đạo các ngành hoàn thiện các quy trình, quy chế phối hợp, liên thông giữa các đơn vị; triển khai ngay kế hoạch thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về phân cấp ủy quyền, tiếp tục rà soát việc phân công, phân nhiệm của Thành phố gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm thiểu các tầng nấc trung gian; Theo dõi hướng dẫn kiểm tra giám sát việc phân cấp ủy quyền.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; trước mắt là triển khai hệ thống văn phòng điện tử dùng chung trong cả hệ thống và triển khai hệ thống báo cáo điện tử. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung của Thành phố, có cơ chế chia sẻ, phân quyền trong khai thác. Đẩy mạnh công khai minh bạch.

Đề xuất cơ chế đặc thù tăng thu nhập cho cán bộ, công chức

Về việc công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục đang rất khó khăn, Thành phố sẽ quan tâm rà soát các chính sách hỗ trợ, tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục tuyển giáo viên.

“Hiện nay, cùng với lộ trình đã được Trung ương phê duyệt là nâng mức lương cơ sở từ 1/7/2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng; UBND Thành phố đang đề xuất với Trung ương chấp thuận cơ chế đặc thù để Thành phố được quyết định tăng thu nhập cho cán bộ, công chức của Thành phố”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết.

Năm 2023, Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng 7%
Các đại biểu tại Kỳ họp.

Về rà soát các dự án giao đất chậm triển khai, UBND Thành phố cho biết đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận và đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án.

Về việc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất thực hiện dự án trên địa bàn Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch chỉ đạo triển khai giải phóng mặt bằsng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Về nội dung hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng tài sản công, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, hoàn thiện bổ sung Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Trong đó, đối với tài sản công là nhà, đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 9 quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố (gồm quỹ nhà chuyên dùng, quỹ nhà tái định cư, quỹ diện tích tầng 1 chung cư thương mại phải bàn giao về Thành phố…).

Đối với đất đai, đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 5 nhóm quỹ đất dự kiến khai thác giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 (gồm quỹ đất 20-25%, quỹ đất dự kiến đối ứng cho các Dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư…).

“Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp các Sở, ngành liên quan rà soát bổ sung, hoàn thiện vào Đề án” – Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.

 

Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/nam-2023-ha-noi-chon-kich-ban-tang-truong-7-149776.html