Ngày 5/12, tới dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Kinh tế-xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá.
Các chỉ tiêu của Hà Nội đều đạt cao hơn mức chung cả nước
Kinh tế – xã hội năm 2023 cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch: Giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 34,4% – kế hoạch là 30%); Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý (đạt 30,9% – kế hoạch là 28,8%); Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm (130 trường công nhận mới, 270 trường công nhận lại – kế hoạch là 81 trường và 50 trường).
Thu ngân sách đạt cao vượt 13,5% dự toán. Tổng thu ước trên 400.400 tỷ đồng, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi đảm bảo an sinh xã hội.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu suy giảm chủ yếu do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu giảm tại một số thị trường quan trọng. Ước năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,30 tỷ USD, tăng 1,0% (năm 2022 tăng 10,3%); Kim ngạch nhập khẩu đạt 44,17 tỷ USD, tăng 8,0% (năm 2022 tăng 11,6%).
Trong bối cảnh khó khăn, hầu hất các chỉ tiêu đều đạt cao hơn mức chung cả nước; GRDP 9 tháng đầu năm tăng khá, đạt cao hơn 1,43 lần cả nước. GRDP 9 tháng đầu năm tăng 6,08% (cả nước tăng 4,24%) – là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn; xu hướng có cải thiện, quý sau cao hơn quý trước. GRDP của Hà Nội năm 2023 ước tăng 6,27%.
Thương mại, dịch vụ tăng trưởng 2 con số; nông nghiệp tăng trưởng ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát (1,51%), thấp hơn khá nhiều mức chung của cả nước (3,2%).
Vốn đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đăng ký thành lập duy trì tăng. Vốn đầu tư xã hội ước tăng 9% (kế hoạch tăng 10,5%); 10 tháng đầu năm thu hút 2.607 triệu USD vốn FDI, tăng 2,04 lần.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhưng doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm: Lũy kế 10 tháng đầu năm, có 26.470 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 6%); 7.592 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 13%). Doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng; lũy kế 10 tháng đầu năm có 3.051 doanh nghiệp giải thể (tăng 3%), 3.758 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 15%), 18.481 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 25%).
TP Hà Nội tích cực thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; kết quả thực hiện dự kiến hết năm 2023 hoàn thành 1.005 công trình (382 cấp Thành phố dự án; 623 cấp huyện).
Đã có 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 100% các xã đạt chuẩn NTM, 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được đẩy mạnh; Lũy kế đến nay, đã có 2.167 sản phẩm OCOP.
Văn hóa được chú trọng phát triển; Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tích cực đẩy mạnh, khách du lịch quốc tế tăng 3,5 lần so với cùng kỳ; Khách du lịch trong nước tăng 19,1%; Giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được đặc biệt quan tâm đầu tư. Đoàn thể thao Hà Nội đạt thành tích ấn tượng tại SEA Games 32 với 99 huy chương – chiếm gần 1/3 số huy chương toàn đoàn.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng: Tổng kết Luật Thủ đô và trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
Quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được tiếp tục quan tâm; Dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã được khởi công và tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ.
Tháo gỡ các nút thắt, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra, kinh tế duy trì tăng khá trong bối cảnh khó khăn, dự kiến cả năm tăng 6,11% – không đạt kế hoạch là 7,0%; vốn đầu tư xã hội – đầu vào quan trọng của tăng trưởng, tăng 9,0%, thấp hơn kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu tăng 1,0% – không đạt kế hoạch là 6,0%. Nguyên nhân khách quan của tình hình chủ yếu do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19, do suy giảm cầu tiêu dùng trong và ngoài nước; doanh nghiệp khó khăn, sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp…
Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại một số quận, huyện, nguồn nước không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu thiếu quyết liệt, xử lý tình huống còn lúng túng; năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả…
Chuyển đổi số còn chậm; hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra, nhất là số hóa dữ liệu lĩnh vực quản lý đất đai. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin; hạ tầng kỹ thuật và các chương trình phần mềm còn chưa đồng bộ…
Tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến phức tạp; Xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt thiệt hại về người tăng cao so với năm 2022. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về phòng, chống cháy nổ còn hạn chế; ý thức của một bộ phận người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước về phòng, chống cháy nổ.
Chính vì vậy, tại kỳ họp này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị, ngoài các nội dung đã được đề cập cụ thể trong các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, HĐND thành phố sẽ thảo luận, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, đảm bảo quốc phòng – an ninh, an sinh xã hội và đầu tư công năm 2023 của thành phố; đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để thảo luận kỹ lưỡng.
Từ đó phân tích, đặc biệt là dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2024 đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao.
Trong đó, cần đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ, đề án, dự án có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024.
Đối với các nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách đặc thù, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị, HĐND thành phố đi sâu vào làm rõ các tác động, tính hiệu quả, các giải pháp đột phá… để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội./.
Văn Thiện
Năm 2023, tổng thu ngân sách của Hà Nội đạt trên 400 tỷ đồng (nguoihanoi.vn)