Nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần cho đoàn viên

Những năm qua, cùng với sự chăm lo đời sống vật chất, các cấp Công đoàn Thành phố luôn quan tâm tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động… Mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân là điển hình tiêu biểu, qua đó, tạo khí thế thi đua lao động, sản xuất, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng đơn vị, doanh nghiệp.

Để công nhân có nơi thư giãn

Mới đây, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức lễ ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam.

Có mặt tại Điểm sinh hoạt văn hóa, anh Văn Đình Vinh (công nhân Công ty) phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, sau giờ nghỉ trưa tôi chỉ nghỉ ngơi tại chỗ, làm bạn với điện thoại, từ khi có Điểm sinh hoạt văn hóa, chúng tôi có thể tới đây đọc sách báo, xem các thông tin thời sự, giao lưu văn nghệ, xua tan bớt mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng. Điểm sinh hoạt văn hóa này rất ý nghĩa đối với công nhân lao động”.

Nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần cho đoàn viên
Công nhân lao động Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam đọc sách, báo tại Điểm sinh hoạt văn hóa Công ty. Ảnh: N.Hoa

Cùng chung niềm vui, anh Bùi Thế Sơn cho biết, 12 năm rời quê xuống Hà Nội làm việc, hàng ngày với bộn bề công việc tại xưởng sản xuất, anh không có thời gian tham gia các hoạt động giải trí, văn hóa, văn nghệ. Từ khi có Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đặt tại Công ty đã giúp anh có cơ hội tìm hiểu các thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật cho người lao động và được kết nối nhiều hơn với anh, chị em trong Công ty.

Niềm vui của anh Vinh, anh Sơn cũng là niềm vui chung của hàng trăm đoàn viên, người lao động trong Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam. Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân là mô hình thiết thực, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người lao động trong Công ty, đặc biệt với tính chất công việc 3 ca trong ngày và thời gian làm việc thường xuyên kéo dài, tăng ca thì việc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho người lao động là một yêu cầu tất yếu.

Đánh giá về mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, ông Nguyễn Minh Sơn – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Nhiều năm nay, người lao động trong Công ty luôn mong mỏi có Điểm sinh hoạt văn hóa. Trước đây, cơ sở vật chất tại Công ty mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ về các hoạt động thể thao, còn góc đọc sách, nơi nghỉ ngơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ của công nhân thì chưa có. Mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố hỗ trợ kinh phí với số tiền 90 triệu đồng mua các trang thiết bị, cùng kinh phí hỗ trợ của Công ty, công nhân lao động có Điểm sinh hoạt đầy đủ tiện nghi, đây là việc làm rất thiết thực. Sau thời gian làm việc, người lao động rất cần được nghỉ ngơi trước khi trở về nhà sinh hoạt cùng gia đình. Điểm sinh hoạt văn hóa sẽ là nơi kết nối giữa người lao động trong Công ty, qua đó gắn kết người lao động gần gũi với nhau hơn, yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp”.

Nhân rộng, phát huy hiệu quả của mô hình

Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động công đoàn. Trong nhiều năm qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này, đặc biệt là mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã được xây dựng thành công và ngày càng hiệu quả. Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam là điểm thứ 61 của thành phố Hà Nội (là 1 trong 6 điểm ra mắt trong năm 2023).

Được biết, từ năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội thí điểm triển khai xây dựng mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân nhằm đưa các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ người lao động tại cơ sở. Qua hơn 10 năm triển khai thí điểm với tính thiết thực, hiệu quả được khẳng định và trước nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của công nhân lao động, năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và địa bàn có công nhân lao động cư trú tập trung giai đoạn 2022 – 2025, nhằm tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong tình hình mới.

Đề án đặt ra mục tiêu, tới năm 2025, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 39 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã thành lập và đang hoạt động thường xuyên; xây dựng 28 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mới trong giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, riêng năm 2023, sẽ xây dựng mới 6 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Cũng theo Đề án, Thành phố hỗ trợ ngân sách qua tài khoản LĐLĐ Thành phố là 90 triệu đồng cho mỗi Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được xây mới. LĐLĐ Thành phố chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế hỗ trợ kinh phí xây dựng mới từ 30 đến 50 triệu đồng/điểm; hỗ trợ bổ sung cơ sở vật chất hàng năm không quá 30 triệu đồng/điểm.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Huy Khánh khẳng định: “Mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã và đang là một thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động tại các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp và các địa bàn có đông công nhân lao động cư trú tập trung. Đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu với các đơn vị, doanh nghiệp ở khu vực lân cận, qua đó, có thể tái tạo sức lao động góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị đã đề ra”.

Nguyễn Hoa