Nâng cao hiệu quả đối thoại và thương lượng tập thể

Các chủ tịch Công đoàn cơ sở cần xác định nhiệm vụ, sứ mệnh cốt lõi của tổ chức Công đoàn là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Và để làm tốt điều này, cán bộ Công đoàn cơ sở cần phải có kỹ năng, tập trung tổ chức tốt các hoạt động đối thoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng thương lượng tập thể…

Trên đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu tại tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; kinh nghiệm tập hợp đoàn viên tham gia hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước do LĐLĐ Thành phố Hà Nội vừa tổ chức mới đây tại Hải Phòng.
Nâng cao hiệu quả đối thoại và thương lượng tập thể
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội Nguyễn Đức Nhân chia sẻ kinh nghiệm thương lượng tại doanh nghiệp.

Nhiều thách thức với tổ chức Công đoàn

Tại tọa đàm do LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức, các đại biểu Công đoàn cơ sở và một số Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở của hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Công đoàn, tập trung vào một số nội dung như: Kinh nghiệm tập hợp đoàn viên tham gia hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; kinh nghiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, đại diện người lao động thương lượng, ký kết tập thể và thỏa ước lao động tập thể.

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, Công đoàn cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Công đoàn cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, liên hệ trực tiếp với đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động, điều đó có nghĩa là muốn xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở.

Cũng theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, hiện nay, Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu, rộng, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EV FTA) và những cam kết quốc tế. Đáng chú ý, 2 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có tác động mạnh mẽ đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam là Công ước 87, trong đó thừa nhận người lao động, người sử dụng lao động được quyền tự mình tham gia, thành lập, gia nhập vào tổ chức theo điều lệ của tổ chức nhằm xúc tiến và bảo vệ lợi ích của họ; Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể… Bối cảnh này đặt hoạt động Công đoàn đứng trước thời cơ nhưng cũng không ít thách thức mới, đòi hỏi các cấp Công đoàn phải đổi mới, vươn lên khẳng định vị trí, vai trò đối với đoàn viên, người lao động.

Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trước hết, mọi hoạt động của Công đoàn phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động và hướng tới mục tiêu đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động. Công đoàn cần thường xuyên quan tâm, chăm lo lợi ích và giải quyết các vấn đề bức xúc của người lao động. Và công cụ quan trọng, hiệu quả nhất của tổ chức Công đoàn chính là đối thoại và thương lượng tập thể, từ đó mới thực hiện được tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và tập hợp được người lao động vào tổ chức Công đoàn.

Đối thoại, thương lượng cần kiên trì, thấu tình, đạt lý

Bà Phạm Thị Bích Hải – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH TOTO Việt Nam cho biết, tại Công ty TNHH TOTO Việt Nam, Công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thường xuyên quan tâm, tổ chức các hoạt động đối thoại thường kỳ với người lao động. Thông qua đối thoại, Công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp nắm chắc được mong muốn, nguyện vọng, tháo gỡ ngay lập tức các nút thắt trong quan hệ giữa 2 bên. Chính vì vậy, quan hệ lao động tại Công ty rất ổn định, người lao động hết sức tin tưởng vào tổ chức Công đoàn.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu đánh giá những ý kiến tại buổi tọa đàm là những vấn đề hết sức thực tiễn, các Chủ tịch Công đoàn cơ sở tích lũy những kinh nghiệm, kiến thức đúc rút tại buổi tọa đàm để vận dụng trong thực tiễn hoạt động, công tác, tiếp tục quan tâm việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động; tổ chức tốt các hoạt động đối thoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thương lượng tập thể. Làm tốt công tác này, người lao động mới gắn bó với tổ chức Công đoàn và xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, làm nền tảng cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Cũng nhấn mạnh hiệu quả của đối thoại, thương lượng giúp Công đoàn chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, Chủ tịch Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội Nguyễn Đức Nhân dẫn ví dụ thực tế của doanh nghiệp. Ông Nhân cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, doanh nghiệp sản xuất thua lỗ nên cuối năm 2021 chỉ đưa ra phương án thưởng Tết cho người lao động 1,2 tháng lương, thấp hơn so với trước dịch.

Tuy nhiên, với sự trách nhiệm, quyết tâm, ban chấp hành Công đoàn đã tập hợp ý kiến của người lao động, trình lên Ban lãnh đạo, đồng thời đưa ra những lý lẽ, lập luận thấu tình, đạt lý để kiên trì thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả đã đáp ứng được mong muốn của người lao động: Doanh nghiệp đồng tình chi thưởng Tết với mức 1,7 tháng lương. Kết quả thương lượng này phù hợp với khả năng, chia sẻ khó khăn trước mắt của người lao động nhưng cũng giúp duy trì lực lượng lao động để sẵn sàng cho quá trình phục hồi sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát.

Từ thực tiễn tổ chức thương lượng tại cơ sở, ông Nguyễn Đức Nhân đề xuất, Công đoàn cấp trên cần tăng cường thêm công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở, tập trung vào các nội dung như kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động Công đoàn, nhất là kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể; đồng thời, hỗ trợ Công đoàn cơ sở cập nhật các chế độ, chính sách, các luật mới, đặc biệt là những chính sách mang tính địa phương nhưng tác động trực tiếp đến đời sống cũng như công việc của người lao động tại địa phương, cơ sở đó…

Chia sẻ kinh nghiệm của Công đoàn cơ sở thành phố Hải Phòng, ông Đào Xuân Thu – Phó Chủ tịch Công đoàn cơ Công ty Yaraky Hải phòng – Việt Nam thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, trong đại dịch doanh nghiệp không có việc làm cho người lao động, nhưng đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng sau đại dịch, tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp đã vận động chủ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, có thời điểm là 100 %, dù người lao động không đi làm để người lao động yên tâm ở lại làm việc, nhờ đó, sau đại dịch doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất mà không bị thiếu hụt người lao động. Và thực tế đã chứng minh tính đúng đắn đề xuất của Công đoàn đã mang lại nguồn lực ổn định, doanh nghiệp không gặp khó khăn về lực lượng lao động dù trên thực tế nhiều doanh nghiệp khác phải cắt giảm công suất hoạt động sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Ngân hàng Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Bùi Đăng Quỳnh cho biết, với đặc thù ngân hàng việc cạnh tranh về nhân lực cao, số lượng người lao động dịch chuyển lớn. Để giữ chân người lao động, Công đoàn cơ sở đã đề xuất nhiều giải pháp trong đó có một số nội dung có lợi cho người lao động được Công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng thành công với người sử dụng lao động. Điều đó vừa giúp gắn kết Công đoàn với người lao động, vừa nâng cao vị thế, vai trò đối với người sử dụng lao động, đồng thời để người sử dụng lao động thấy các hoạt động của Công đoàn cơ sở luôn hướng đến chăm lo cho người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp./.

Phạm Diệp