Nâng cấp Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ thành lễ hội – sự kiện quốc tế

Theo Quyết định số 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành, Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ được nâng cấp trở thành lễ hội – sự kiện quốc tế.

Cụ thể, “Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về du lịch, phát triển du lịch tỉnh Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên ba trụ cột chính: Du lịch lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe; phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh.

Đến năm 2050, Điện Biên là trọng điểm du lịch văn hóa – lịch sử – sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc.

tuong-dbp.jpg
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ tại Quảng trường 7/5 thuộc trung tâm thành phố Điện Biên phủ (tỉnh Điện Biên).

Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù của tỉnh Điện Biên, gồm:

Du lịch lịch sử văn hóa: Nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung khai thác nhu cầu du lịch lịch sử gắn với khai thác, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nâng cấp lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành lễ hội – sự kiện quốc tế; khai thác phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng.

Du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên: Du lịch sinh thái gắn với hồ, rừng; chinh phục đỉnh A Pa Chải (huyện Mường Nhé), đỉnh núi Phù Lồng (huyện Điện Biên Đông); vượt đèo Pha Đin….

Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe: Nghỉ dưỡng hồ (hồ Pá Khoang, lòng hồ thị xã Mường Lay); nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, tắm khoáng nóng (U Va, Hua Pe, suối khoáng nóng Bản Sáng); thể thao, giải trí (sân gôn, đua thuyền, các môn thể mạo hiểm như dù lượn, xe đạp địa hình); tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia, quốc tế gắn với phát triển du lịch (việt dã, dù lượn).

Phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ: Du lịch biên mậu (gắn với cột mốc A Pa Chải, cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc); du lịch thương mại, công vụ; du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP, nghề truyền thống, bản văn hóa du lịch cộng đồng…

chien-thang-dbp.jpg
Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca Điện Biên” kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2023). Ảnh: TTXVN.

Đối với Ngành công nghiệp, “Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế; phát triển điện năng trên cơ sở khai thác tiềm năng về điện gió, điện sinh khối, thủy điện, điện rác và các nguồn năng lượng tái tạo khác; nâng cao giá trị đóng góp của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào giá trị sản xuất của toàn tỉnh.

Ưu tiên tập trung phát triển nhóm ngành thế mạnh, có đóng góp cao, thuộc chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng, nằm trong chuỗi hàng hóa, chuỗi sản phẩm; liên kết địa phương, liên kết các ngành. Tập trung phát triển các ngành: Chế biến nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất và phân phối điện; khai thác khoáng sản.

Thu hút đầu tư và tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản theo hướng chế biến sâu nông lâm sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và du lịch; sản xuất vật liệu xây dựng; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ngành sử dụng công nghệ cao ít gây ô nhiễm môi trường và có hiệu quả kinh tế.

Bảo tồn, phát huy những ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công truyền thống của địa phương, phát triển các ngành nghề mới, sản xuất các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm chế biến… phục vụ phát triển nông nghiệp (công nghiệp nông nghiệp); phát triển du lịch (công nghiệp du lịch), nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp hiện trạng; bố trí các dự án mới và sắp xếp các cơ sở sản xuất công nghiệp phân tán tại các khu đô thị vào các cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được duyệt. Gắn phát triển sản xuất công nghiệp với quy hoạch phát triển mới chuỗi liên kết sản phẩm, chuỗi giá trị, các vùng nguyên liệu./.

Trung Kiên

Nâng cấp Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ thành lễ hội – sự kiện quốc tế (nguoihanoi.vn)