Qua giám sát của Thường trực HĐND Thành phố, các Ban HĐND Thành phố và các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với HĐND Thành phố, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác đầu tư, xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở cho nhân dân, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm, khắc phục trong thời gian tới. Đó là, các thiết chế văn hóa vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân. Việc đầu tư các công trình bằng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Việc huy động xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao đạt kết quả chưa cao. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng nhưng việc quản lý, khai thác còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả… |
Trước thực trạng đó, tháng 4/2022, phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội được Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức. 12 kiến nghị đã đưa ra các vấn đề đối với UBND Thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã nhằm thúc đẩy việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao. Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn Thành phố; tập trung ưu tiên bổ sung, bố trí nguồn vốn, quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao bảo đảm tiêu chuẩn; quan tâm các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người lao động tại các khu công nghiệp. Công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao phải đi trước một bước, định hình cho tương lai. |
Cùng với đó, UBND Thành phố tăng cường đầu tư nguồn vốn ngân sách; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa để khai thác tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Về phía quận huyện, thị xã, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị, các quận, huyện, thị xã tập trung bố trí nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; đáp ứng nhu cầu trước mắt và trong dài hạn có kế hoạch cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, đảm bảo kinh phí thường xuyên để khai thác đồng bộ, hiệu quả các thiết chế văn hóa thể thao của địa phương. Rà soát công tác quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; đổi mới phương thức, đa dạng hóa hoạt động; nâng cao hiệu quả sử dụng, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích, không đúng quy định, nhất là các trường hợp đã được chỉ ra trong phim phóng sự phiên giải trình của HĐND Thành phố. Gần một năm sau phiên giải trình, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, đến nay lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tại quận Ba Đình, sau gần một năm nỗ lực thực hiện kiến nghị về Dự án cải tạo sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng tại phường Nguyễn Trung Trực, đến nay đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư như: Phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chỉ định đơn vị quản lý dự án, chỉ định đơn vị thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật. UBND thị xã Sơn Tây đã thực hiện kiến nghị về đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố 3 (phường Quang Trung), đến nay đã hoàn thành phân định ranh giới, thu hồi giải phóng mặt bằng và đang tiến hành các bước tiếp theo. |
Một số vấn đề khó khăn do khách quan như thiếu quỹ đất chưa thể giải quyết được ngay, các địa phương đã có giải pháp tạm thời. Đơn cử như, nhiều địa phương thuộc các quận: Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… gần như “trắng” nhà văn hóa do thiếu quỹ đất đã áp dụng giải pháp các tổ dân phố sử dụng chung nhà văn hóa. |
Thực hiện chỉ đạo của HĐND Thành phố, trong năm qua, HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát chuyên đề đối với việc quản lý, khai thác các thiết chế văn hoá trên địa bàn. Bên cạnh đó, HĐND quận cũng thường xuyên chất vấn, tái chất vấn, nhắc nhở, giám sát tiến độ thực thi và hiệu quả của việc khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hoá, thể thao thể thao trên địa bàn. Đơn cử, tại quận Thanh Xuân, tháng 5/2023, HĐND quận đã thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa trên địa bàn. |
Trước những thực trạng như thiếu nhà văn hoá do không đủ điều kiện quỹ đất, về cơ sở vật chất, các nhà sinh hoạt cộng đồng chưa đáp ứng tiêu chí nhà vă hoá – tổ dân phố theo quy định, kinh phí cho tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp… Đoàn giám sát đề nghị UBND quận thời gian tới tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu thông tin, vui chơi, giải trí của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị từ quận tới phường, các tổ chức/doanh nghiệp và toàn thể người dân về vai trò, vị trí, tác dụng của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong tình hình mới. Phối hợp các sở, ngành của Thành phố đề xuất cơ chế, chính sách và tạo điều kiện để thực hiện việc tự chủ hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. “Với vai trò, vị trí của mình, HĐND quận sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện của UBND và các phòng ban, đảm bảo những nội dung kiến nghị được thực hiện có hiệu quả. Đối với những vấn đề chưa được giải quyết triệt để, hoặc giải quyết chậm trễ, HĐND quận sẽ chất vấn đến cùng đối với UBND và các phòng, ban chuyên môn, yêu cầu xử lý sớm. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố, Trung ương thì chuyển lên cấp trên để xem xét giải quyết”, Phó Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Trần Thị Thu Hà chia sẻ. Cũng trong tháng 7/2023, HĐND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về quản lý, khai thác trung tâm văn hóa thể thao phường, điểm sinh hoạt văn hóa động đồng các tổ dân phố trên địa bàn. Trước những khó khăn, vướng mắc mà cử tri trong quận đặt ra, HĐND quận xác định trong thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; kịp thời phát hiện và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, nhằm nâng chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở. Bên cạnh đó, đề nghị đưa mục tiêu xây dựng nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của chính quyền cơ sở nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện. |
Là địa phương chú trọng tới việc tận dụng đất xen kẹt, các địa điểm công cộng đã xuống cấp, không còn công năng sử dụng để chuyển đổi mục đích xây dựng các nhà sinh hoạt cộng động, đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần cho người dân, theo ông Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch HĐND quận Đống Đa, nhiệm kỳ 2012 – 2016 quận đã ra hẳn một Nghị quyết chuyên đề về đảm bảo thiết chế văn hoá cho nhân dân. Từ nhiệm kỳ 2012 -2016 đến nay, trên cơ sở kiến nghị của nhân dân, tại các kỳ họp, HĐND quận đã đưa ra các vấn đề mà cử tri yêu cầu để kiến nghị, yêu cầu UBND sớm có giải pháp, phối hợp với các ngành để tiếp nhận các nhà vệ sinh công cộng, trạm bơm xuống cấp…, đưa ra các tiến độ, lộ trình, bố trí nguồn vốn, nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo. Bên cạnh đó, dựa trên đề nghị của UBND, HĐND sẽ thông qua các nghị quyết để bố trí nguồn lực xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho các điểm sinh hoạt văn hoá, nhà sinh hoạt cộng. “Đối với trường hợp các khu dân cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, HĐND quận đã yêu cầu UBND rà soát tất cả các điểm đất có thể thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng để đầu tư cho trường học, các thiết chế văn hoá, trong đó có nhà sinh hoạt cộng đồng. Với vai trò của mình, HĐND quận luôn lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của cử tri, đưa kiến nghị của cử tri đến với UBND quận và Thành phố để những vấn đề bức thiết của nhân dân sớm được giải quyết”, Phó chủ tịch HĐND quận Đống Đa nhấn mạnh. |
————————– Nội dung: Lê Thắm – Thiết kế: P.T Kỳ 3: Nâng tầm công tác giám sát để hoàn thiện thiết chế văn hoá cơ sở (laodongthudo.vn) |