Nắng vẫn lên bên ô cửa

Một ngày trong cái nắng chớm đông rải đầy nét hoa trên những vỉa hè, tôi đi qua con ngõ rộng rãi, xen lẫn hàng quán dẫn tới ngôi nhà của gia đình kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương ở số 10 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Những bậc cầu thang gỗ vẹn nguyên, lên màu thời gian. Những bước chân vang động ký ức và tháng năm như vẫn in dấu đâu đây bóng dáng chủ nhân của ngôi nhà.

tbgdrtbghrtd.png

Hoa nắng trên mái ngói nếp nhà mới trong khoảng sân thuở xưa

1. Một ngày trong cái nắng chớm đông rải đầy nét hoa trên những vỉa hè, tôi đi qua con ngõ rộng rãi, xen lẫn hàng quán dẫn tới ngôi nhà của gia đình kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương ở số 10 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Những bậc cầu thang gỗ vẹn nguyên, lên màu thời gian. Những bước chân vang động ký ức và tháng năm như vẫn in dấu đâu đây bóng dáng chủ nhân của ngôi nhà.

hjymgyum.png
Cổng ngôi nhà số 10 Nguyễn Chế Nghĩa nhìn từ ban công tầng 2

Nắng chiếu qua những phiến lá bên những ô cửa làm căn phòng sinh hoạt chung của ngôi nhà thêm sinh động ấm áp. Bức tường chính được Tạ Mỹ Dương ghim giữ lại hình ảnh về cuộc đời và những chặng đường làm nghề của cha anh – kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (1910 – 1989). Tạ Mỹ Duật là thế hệ kiến trúc sư được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa VII (1932 – 1937). Ông cũng là một trong 8 kiến trúc sư sáng lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam, và từng đảm nhiệm vị trí Cục phó Cục xây dựng Hà Nội, Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.
Bước qua những căn phòng ngôi nhà năm xưa, thấy như thể hàng chục năm qua vẫn vậy, nắng chiếu qua những khuôn cửa, làm ấm không gian với một sức sống mà thiên nhiên mang đến cho con người. Nhìn những sách vở, tài liệu, bản viết tay… mà màu tháng năm đã nhuộm lên thật không khỏi nao lòng. Những bản vẽ, bài viết lưu giữ tâm huyết người xưa qua mấy lần chạy mưa, chạy ngập vẫn còn hiện diện. Nào bài báo “Làm đẹp Hồ Gươm” của Tạ Mỹ Duật đăng báo Nhân dân ngày 1/2/1986, rồi 7 kiến nghị của ông về khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, trong đó có nội dung thứ 6 “Không tập trung đầu mối giao thông cơ giới về đây: đây là nơi dành để dạo bộ” – giờ đã thành hiện thực với một không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận vào mỗi dịp cuối tuần.

fymyum.png
Ô cửa quen thuộc nơi gia đình KTS Tạ Mỹ Duật từng sống

2. Trên ban công của ngôi nhà, kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương thong thả kể về những công trình mang kiến trúc Đông Dương còn lại quanh đó. Lại vẫn là những tên tuổi người xưa, những cuộc trao đổi, chuyển dời…
Nắng vẫn đi một vệt nghiêng làm sáng những tán lá bàng. Từ ban công căn nhà lại “nhìn” thấy biết bao điều tháng năm đã chồng lên một không gian địa lý cụ thể. Chiếc cổng sắt hai cánh rộng tuy đầy những vết tróc sơn, lách cách xích sắt làm móc khóa, chắc chắn cũng là cánh cổng mới thay sau này. Góc tường có cây khế mỏng manh, với những trái khế vàng ươm, một mái ngói đỏ của gia đình khác đến ở từ sau năm 1954, và cả những mái bằng nhiều tầng khang trang nằm ngay trong không gian xưa vốn là khoảng sân của gia đình… Lên đến sân thượng thì nắng đã tràn khắp nẻo. Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương rủ rỉ, thuở thiếu thời anh vẫn theo chân các anh chị lớn lên ở nơi đây trong những buổi hẹn hò. Và sau bao gặp gỡ, hẹn hò ấy là những đổi thay, lớn lên, đi xa… gắn liền với biến động của thành phố, của đất nước…

Tôi ngắm mãi bức ảnh cả gia đình kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật chụp ở sân ngôi nhà số 10 Nguyễn Chế Nghĩa trên chiếc ghế xi măng cốt sắt. Người mẹ với khuôn mặt rạng rỡ một vẻ đẹp vừa đài các, vừa bình dị bế trên tay cậu con trai út Tạ Mỹ Dương. Phía sau là người cha – kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật. Cùng hàng ghế là những đứa trẻ với áo, mũ giày gợi một thời Hà Nội trong trẻo.

Bà Nguyễn Thị Hải, mẹ của kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương vốn là tiểu thư con một gia đình công chức “nhà dây thép”, có cửa hàng bán lụa Hà Đông ở phố Sinh Từ (phố Nguyễn Khuyến ngày nay). Cô “tiểu thư con nhà” ấy từng là nữ sinh Đồng Khánh, và là một trong những tiểu thư đầu tiên biết đi xe đạp của Hà Nội. Nét đài các của bà từng được nhiều người hâm mộ liên tưởng tới vẻ đẹp của những minh tinh màn bạc. Nhưng có lẽ, vẻ đẹp còn lại với thời gian của người con gái Hà Nội chính là sự can đảm cùng chồng rời xa đời sống đô thành quen thuộc, hòa vào nếp sống kháng chiến đầy khó khăn; rồi sau giải phóng Thủ đô, bà lại từ chối cơ hội ở lại Pháp để mang hai con trở về Hà Nội với chồng.

Hơi ấm người xưa thoảng đâu đây, nhắc lại cách người Hà Nội yêu nhau, chiến đấu, vượt qua cái mơ mộng riêng tư, cái hồn nhiên nghệ sĩ của người bạn đời để cùng nhau đi tới chặng cuối.

3. Nắng cứ chạy quanh các ô cửa, xiên qua những khoảng sân, nương theo những mái nhà cũ mới để chơi trò dệt hoa, sưởi ấm của mình. Tôi hình dung ra cậu bé Tạ Mỹ Dương năm nào cùng anh chị em của mình đã chạy nhảy vòng quanh ngôi nhà này, bên khoảng sân đầy nắng. Và giờ là người đàn ông trưởng thành đã đi qua bao thăng trầm của cuộc đời, bước từng bậc cầu thang về lại ngôi nhà xưa. Thế hệ sau nữa đã trưởng thành sống ở những thành phố, thậm chí là những đất nước khác, trở về có khi chỉ là những cuộc thăm nom, vì ngủ lại trong ngôi nhà cũ thân thuộc với cha ông, có khi không dễ vì một lý do rất đời: “Chuột chạy loạch xoạch và kêu chít chít đến khó ngủ”…

Nhưng dẫu năm tháng đi qua, cuộc sống có đổi thay bao nhiêu, những nếp nhà có thể phải dỡ đi, thay mới; những không gian có chật chội đi nhường chỗ cho sự đông đúc, mưu sinh của đời thường, thì nắng vẫn cứ lên trên những ô cửa và khoảng sân. Và, ký ức sẽ không mất đi mà theo cách này hay cách khác vẫn được lưu giữ, chuyển động về phía mà chúng ta ghi nhớ đến quá khứ của gia đình, của thành phố, của đất nước.

Hà An

https://nguoihanoi.com.vn/nang-van-len-ben-o-cua-67096.html