Náo nức ngày hội tòng quân

Dù trong thời chiến tranh hay hòa bình, tuổi trẻ luôn háo hức trong ngày hội tòng quân bởi được khoác lên mình bộ quân phục mới với mong muốn góp sức nhỏ bé bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngày hội tòng quân ngày nay có nét khác biệt so với thời chiến tranh, nhưng luôn gợi lại kỷ niệm khó quên trong tâm trí những cựu chiến binh một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Thanh niên Thủ đô trong ngày hội tòng quân.

Khóc vì… không được tòng quân

Những năm đất nước còn chia cắt, trong khí thế sục sôi lên đường đi chiến đấu của thanh niên cả nước, những chàng trai Hà Nội đua nhau “xếp bút nghiên” xung phong ra mặt trận. Người đang học cấp 3, người đang học đại học đều nộp đơn xin đi bộ đội. Hai người anh trai của tôi, đều đã nhập ngũ những năm 1967, 1968. Thời ấy, thanh niên có sức khỏe, nếu không trong diện miễn/ hoãn theo chế độ quy định mà không đi bộ đội thường bị xem là yếu hèn, trốn tránh nghĩa vụ với Tổ quốc.

Nhận thư anh trai kể về không khí hừng hực hành quân vào miền Nam, quá sốt ruột tôi bèn nộp đơn xung phong lên đường. Ông cán bộ ủy ban hành chính khối phố bảo tôi thuộc diện miễn vì nhà đã có hai người tham gia quân đội. Tôi nghĩ mình cũng có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước, bèn âm thầm viết đơn gửi lên khu phố, quyết xin tòng quân bằng được. Chờ đợi mãi, không thấy giấy gọi đi khám sức khỏe. Tôi lại gửi tiếp một lá đơn nữa, gửi hẳn lên Thành phố. Gửi “cầu âu” vậy thôi, tôi vẫn hồi hộp chờ đợi, không biết mình có lọt vào danh sách đi đợt tới không.

Sau Tết 1973 mấy tháng, tôi bỗng nhận được giấy trúng tuyển vào bộ đội dù không kiểm tra sức khỏe. Tôi mừng quá, reo to: “Mẹ ơi con được đi bộ đội rồi!”. Mẹ tôi cười nhưng mắt bà ngấn lệ. Rồi bà lại vui vẻ lo chuẩn bị cho tôi cuốn sổ tay, cặp khăn mùi xoa, khăn rửa mặt, bàn chải và tuýp thuốc đánh răng cùng đồ dùng cá nhân khác… Mẹ dặn “nhớ chấp hành nội quy của đơn vị, đừng làm gì ảnh hưởng đến đến danh dự bản thân và gia đình”.

Chúng tôi được tập trung tại chùa Hai Bà – ngôi chùa hồi học lớp 1 tôi đã được cô giáo dẫn đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Quang cảnh giao nhận quân thời chiến rất đơn giản, khẩn trương. Những giọt nước mắt chia tay bịn rịn, cảm động. Mẹ nắm tay tôi nghẹn ngào: “Nếu con có gặp các anh ở trong đó, nói mẹ và Hà Nội vẫn yên ổn, khỏe mạnh, cứ yên tâm chiến đấu, đừng lo gì cho mẹ ở nhà”. Chúng tôi được gọi tên, từng người lên xe ca. Xe rục rịch chuyển bánh, bỗng có tiếng khóc ré lên của một cậu thanh niên (cậu này ở gần nhà tôi). Hỏi ra mới biết cậu ta khóc vì không có tên trong danh sách đi đợt này do quá “thấp bé nhẹ cân”.

Quân đội giáo dục, tôi luyện con người

Ngày hội tòng quân thời nay thật khác so với thời chiến tranh. Các tân binh trong quân phục xanh cùng ba lô được phát trước, đội ngũ chỉnh tề trong ngày hội giao quân được tổ chức trang trọng, thiêng liêng với cờ hoa, khẩu hiệu rực rỡ. Đại diện chính quyền phường xã, quận huyện còn tặng quà cho tân binh và những gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn có con em nhập ngũ.

Sau những nghi thức và lời hứa quyết tâm của đại diện tân binh, họ xếp hàng đi qua “cổng Vinh quang” được kết bằng hoa và lụa đỏ, thể hiện quyết tâm lập thành tích trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự. Cảm xúc chia tay thời hòa bình cũng rất khác so với hội tòng quân thời chiến tranh. Người cháu con anh trai tôi, là nhân viên của một bệnh viện, cũng xung phong đi bộ đội. Anh tôi dặn dò con trai với nụ cười tươi, giọng đầy phấn chấn: “Con phải phấn đấu hết sức mình, đây là “thời gian vàng” để thử sức và ý chí của người đàn ông. Sau ba năm nghĩa vụ, bố tin là môi trường quân đội sẽ giúp con trưởng thành”. Không phụ lòng người cha, sau ba năm, cháu tôi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, không những thế còn được kết nạp Đảng trong quân đội. Các đồng đội của cháu, người được quân đội chọn cử đi học sĩ quan, người được học các trường đại học kỹ thuật, có người được tuyển thẳng vào Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội vì có năng khiếu và hoạt động văn nghệ tích cực trong thời gian ở đơn vị. Có một điều rõ rệt, dễ nhận ra là sau khi đi bộ đội về, ai cũng gương mẫu chấp hành pháp luật, sống nền nếp, nghiêm chỉnh, có ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng. Hàng xóm nhà tôi bộc bạch rằng, con bà sau khi đi bộ đội về “đã biết thương cha mẹ, anh em hơn trước, giờ nó sống trách nhiệm và tình cảm lắm”.

Với cá nhân tôi, một cựu chiến binh, tôi rất biết ơn quân đội đã rèn giũa, giúp tôi trưởng thành và trao truyền, tiếp nối truyền thống cho các thế hệ con cháu hôm nay và mãi về sau.

Phong Hà

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ngoai-thanh/828650/nao-nuc-ngay-hoi-tong-quan