Nét đẹp trong tổ chức mừng thọ ở các làng quê

Sau Tết Nguyên đán, trong tháng Giêng, khi tiết trời sang xuân, nhiều làng quê Hà Nội lại nhộn nhịp, tưng bừng với lễ hội truyền thống. Và cũng trong tháng Giêng, khi cây cối đâm chồi, nảy lộc, người dân ở nhiều làng quê vui mừng tổ chức lễ mừng thọ các cụ cao tuổi.

Các cụ trong danh sách tròn tuổi 70, 80, 90 ở thôn Nhân Hòa (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) tề tựu tại nhà văn hóa thôn.

Từ bao đời nay, trong lòng mỗi người Việt luôn tâm niệm với câu: “Kính già, già để tuổi cho”, “Cha mẹ là bậc Bồ tát trong nhà”, nên mỗi gia đình có cha mẹ, ông bà mừng thọ (70 tuổi), thượng thọ (80 tuổi), thượng thượng thọ (90 tuổi)…, các con, cháu rất mừng vui, hạnh phúc. Vì thế, việc tổ chức mừng thọ cha mẹ, ông bà luôn được các con, cháu quan tâm chu đáo và trang trọng, chứa đựng tấm lòng hiếu thảo với bậc sinh thành, dưỡng dục.

Đã thành thông lệ, việc tổ chức lễ mừng thọ các cụ cao tuổi được Hội Người cao tuổi các địa phương tổ chức vào dịp đầu năm, ngay sau Tết Nguyên đán, chủ yếu tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng. Hầu hết các làng đều chọn địa điểm tổ chức lễ mừng thọ các cụ cao tuổi ở đình làng – nơi thờ Thành hoàng làng và là nơi người dân trong làng hội họp mỗi khi có việc.

 Ai cũng hân hoan trong ngày lễ mừng thọ.

Sáng ngày Rằm tháng Giêng, các con, các cháu trong gia đình có các cụ tròn tuổi 70, 80, 90… hân hoan dự lễ mừng thọ do Chi hội Người cao tuổi thôn tổ chức. Vì là ngày Rằm tháng Giêng nên rất đông các cụ cao tuổi, người dân trong làng ra đình cùng tham dự buổi lễ mừng thọ. Bởi vậy, lễ mừng thọ càng thêm trang trọng, ai cũng hân hoan, rạng ngời với những lời tốt đẹp chúc thọ các cụ. Không khí buổi lễ mừng thọ vì thế mà vui như ngày hội, tình làng nghĩa xóm vì thế mà càng thêm gắn kết.

Năm nay, cùng với nhiều làng quê khác ở ngoại thành Hà Nội, buổi lễ mừng thọ các cụ cao tuổi ở thôn Nhân Hòa (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) vẫn được duy trì như những năm trước, nhưng có thêm sự đổi mới. Đó là, các gia đình có cha mẹ, ông bà tròn tuổi 70, 80, 90… cùng đóng góp sắm sửa và biện lễ chung. Đồ lễ được chuẩn bị tại nhà văn hóa thôn, đúng 8h sáng, các cụ có tên trong danh sách mừng thọ năm 2023 cùng các con, cháu tề tựu đầy đủ tại nhà văn hóa.

Sau khi quay phim, chụp ảnh lưu niệm, các thanh, thiếu niên được phân công đội lễ từ nhà văn hóa đến đình làng để lễ Thành hoàng làng. Trên quãng đường khoảng 400m từ nhà văn hóa đến đình làng, tiếng nói cười rộn rã, mọi người ai cũng hân hoan, rạng ngời; không khí càng thêm nhộn nhịp, vui tươi khi tiếng chiêng, tiếng trống cùng màn múa lân của lớp thanh, thiếu niên trong làng diễn ra trên suốt quãng đường…

 Các cụ thành kính thắp hương lễ Thành hoàng làng cầu mong một năm gia đình, dòng tộc và dân làng sức khỏe, bình an.
 Buổi lễ mừng thọ được tổ chức trang trọng.

Sau khi rước lễ đến đình, các cụ và dân làng chỉnh tề, trang nghiêm thành kính thắp hương, lễ thánh, cầu mong gia đình, dòng tộc, dân làng một năm mới thêm nhiều sức khỏe, may mắn và bình an. Tiếp đến, Chi hội Người cao tuổi thôn sẽ mời các cụ hơn 90 tuổi lên nhận Bằng chứng nhận của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, rồi đến các cụ tròn tuổi 90, 80 và 70. Trước khi kết thúc buổi lễ, Chi hội Người cao tuổi thôn công bố danh sách kết nạp hội viên mới. Trong buổi lễ, những lời ca, giai điệu mượt mà, trữ tình ca ngợi quê hương, đất nước, mùa xuân được các hội viên Chi hội Phụ nữ thôn hát tặng các cụ và dân làng.

Kết thúc buổi lễ mừng thọ tại đình làng, các cụ và dân làng hoan hỷ cùng nhau đến chùa dâng hương lễ Phật với tâm niệm “đi lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Sau đó, mọi người về nhà sửa lễ thắp hương gia tiên, con cháu tổ chức liên hoan chúc mừng bố mẹ, ông bà trong không khí đầu xuân vui vẻ và ấm cúng.

 Trao Bằng chứng nhận của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đến các cụ tròn 80 tuổi. 

Bà Đậu Thị Thu Hà (con gái làng Nhân Hòa, hiện đang định cư tại thành phố Hồ Chí Minh) bộc bạch: “Sinh sống ở xa, mỗi lần có dịp về thăm quê là tôi rất vui. Năm nay, mẹ tôi tròn tuổi 80 nên niềm vui như được nhân lên gấp bội… Đã đi nhiều nơi, dự nhiều lễ mừng thọ, tôi thấy, việc tổ chức lễ mừng thọ như ở quê tôi thật ý nghĩa, tươi vui và trang trọng. Qua buổi lễ, mọi người trong làng có thêm dịp để cùng chung vui, tình làng nghĩa xóm càng thêm khăng khít. Có thể nói, đây là nét đẹp văn hóa ở làng quê cần giữ gìn và nhân rộng!”.

Minh Huệ

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/ngoai-thanh/828693/net-dep-trong-to-chuc-mung-tho-o-cac-lang-que