Ngắm mô hình cải tạo sông Tô Lịch thành ‘Công viên Lịch sử -Văn hóa – Tâm linh’

Hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, ngày 15/9 Công ty JVE vừa gửi công văn báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá- Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Theo hình ảnh mô phỏng, sông Tô Lịch sẽ được cải tạo trở thành một công viên lịch sử – văn hoá – tâm linh Tô Lịch, nơi tái hiện các triều đại trong lịch sử.

Trong đó, sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay. Dọc hai bên sông là hàng cây, đường đi dạo với không khí trong lành. Sông Tô sẽ được hồi sinh với nước trong ngần, cá bơi lội tung tăng, hai bên bờ là những thảm thực vật, những hàng cây đầy hoa lá hương thơm ngào ngạt. Trên sông là dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sắc màu.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) cho biết, việc đưa ra giải pháp nhằm phục hồi dòng “sông chết” không chỉ bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, mà còn hướng tới phát triển du lịch…

Theo đại diện JVE, dọc theo bờ sông dài 15km, công viên Tô Lịch sẽ tái hiện lại các Triều đại trong lịch sử Việt Nam, như thời Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân – Tổ Mẫu Âu Cơ đưa 50 con lên rừng, 50 con xuống biển các đời Vua Hùng dựng nước Văn Lang…

Trong giải pháp tổng thể này, sông Tô Lịch được mô phỏng xây dựng hệ thống cảnh quan “Công viên lịch sử – văn hoá – tâm linh Tô Lịch” và đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch.

“Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” là nơi mà mỗi người dân Thủ đô nói riêng, nhân dân cả nước nói chung được thực hành văn hóa “phân loại và vứt rác kiểu Nhật Bản”, trải nghiệm các bãi đỗ xe thông minh kiểu Nhật Bản, cũng như là nơi diễn ra các Lễ hội Văn hóa vào các dịp lễ kỷ niệm trong năm.
Nơi đây, Du khách còn được thưởng thứ các loại hình nghệ thuật như: Hát Ca trù, hát Quan họ, hát dân ca ba miền, chèo, tuồng, cải lương, các buổi biểu diễn âm nhạc đường phố như biểu diễn vi-ô-lông, nhạc dân tộc, nhảy sạp vv… Ngoài ra, Công viên Tô Lịch là điểm hẹn văn hóa độc đáo và đặc sắc với những lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, các sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó là những hoạt động sinh hoạt văn hóa cổ truyền như nặn tò he, vẽ truyền thần, những câu lạc bộ cờ tướng vỉa hè, câu lạc bộ chim cảnh, tập thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi càng làm cho công viên có ý nghĩa hơn.

Hệ thống giao thông thuận tiện như tàu điện, xe buýt trung chuyển hay những tuyến đường bộ giúp cho du khách dễ dàng di chuyển khi đến với công viên Tô Lịch.
Hơn thế nữa, nơi đây còn là nơi kết tinh các giá trị văn hóa ẩm thực đất Kinh Kỳ và văn hóa ẩm thực độc đáo của 3 miền.

Suốt dọc dòng sông có xây dựng các “Lầu Thủy đình” hay còn gọi là “Lầu Vọng Nguyệt” để mỗi người dân Thủ đô cũng như Du khách có thể trải nghiệm dịch vụ Du lịch Tâm linh tới các đền, chùa, thăm quan vãn cảnh trên Thuyền rồng bắt đầu từ khu Lầu Vọng Nguyệt thời Nhà Lý cho đến cuối sông. Đặc biệt, suốt dọc dòng sông có tượng đài của các vị Vua sáng lập nên các Triều đại trong lịch sử, khu vực quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị anh hùng dân tộc để người dân có thể tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân, vĩ nhân đã xây dựng và bảo vệ Đất nước ta từ ngàn đời nay. Ảnh: Cảnh quan khu vực “Lầu Vọng Nguyệt” Triều đại Nhà Lý tại Công viên Tô Lịch tương lai

Hệ thống bãi đỗ xe tự động, tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ Nhật Bản sẽ góp phần giảm chi phí điện chiếu sáng cho hệ thống đèn ở công viên.

Hải Vân -Văn Ngân

Ảnh: JVE

Đề xuất phương án cải tạo sông Tô lịch thành Công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm Linh : Văn Ngân- VOV