Ngắm nghía đồ chơi trung thu của cha ông ta những đầu thế kỉ 20

Cứ mỗi độ mùa thu tháng Tám, những âm thanh sôi động của tiếng trống chiêng, thanh la, não bạt của những đội múa sư tử làm cho lũ trẻ càng thêm háo hức, còn những người trưởng thành thì bồi hồi, xao xuyến, nhớ nhung về quá khứ đẹp đẽ của tuổi thơ.

Khi màn đêm buông xuống, dưới bóng trăng rằm tròn vành vạnh cũng là lúc tiếng trống rước sư tử vang lên rộn rã. Một đứa trẻ cầm chiếc đầu sư tử, đằng sau là một dải vải đỏ có người cầm nắm tượng trưng cho phần thân. Chú sư tử múa lượn nhịp nhàng trong âm thanh vang vọng khắp các nẻo đường, giữa ánh lửa vàng của những chiếc đèn đang nhảy múa trong màn đêm trông thật là kỳ diệu. Những thanh thiếu niên tụ hội thành các đoàn rước sư tử, đi biểu diễn ở các phố phường. Họ mặc những tấm áo sặc sỡ, múa vũ điệu “Sư Tử Hí Cầu”, vừa hùng dũng, lại vừa uyển chuyển trong điệu nhạc rộn ràng, cùng với đó là quả cầu ngọc được kết bằng nan tre được cầm bởi một thanh niên phủ trên mình nhiều tấm lụa đầy màu sắc (gọi là thần hồng).

Đầu sư tử cỡ lớn bằng nan tre bồi giấy tại Hà Nội, niên đại đầu thế kỷ XX.

Nhiều gia đình khá giả đốt pháo để đón mừng đoàn rước nhằm lấy khước từ sự có mặt của sư tử. Những chủ gia đình giàu có thường treo trên ban công một bánh pháo đi kèm một bao hồng điều, bên trong đựng những đồng bạc, để tặng thưởng những người múa sư tử giỏi. Sư tử phải leo lên bằng thang tre hoặc đứng lên vai những người trong đoàn để lấy được giải thưởng. Khi lên tới nơi, sư tử múa điệu vờn mồi rồi giật lấy giải thưởng. Tiếng pháo nổ ran cũng vang lên, sư tử đi xuống múa một điệu nhằm cảm tạ lòng hào phóng của vị chủ nhà và cung chúc cho gia đình sẽ gặp nhiều điều hạnh phúc. Những thanh thiếu niên trong đội múa sư tử không phải vì kiếm lợi mà cốt là ở niềm vui. Số tiền thưởng mà đoàn múa sư tử thu được sẽ được sử dụng để sửa chữa và trang bị đạo cụ chuẩn bị cho dịp Tết Trung Thu năm sau.

Mặt sau đầu sư tử cỡ lớn bằng nan tre bồi giấy tại Hà Nội, niên đại đầu thế kỷ XX, với các hoa văn hoa lá, mây và cuốn thư nhỏ đề 4 chữ Hán “Trung Thu Vọng Nguyệt”. Hiện vật của bảo tàng Quai Branly, Pháp.

Trong thời đại hiện nay, phần lớn những mẫu đầu sư tử mà chúng ta thường bắt gặp đều phỏng theo mẫu sư tử Quảng Đông(Nam Trung Hoa), những mẫu đầu sư tử cổ chỉ còn được nhìn thấy qua tư liệu tranh ảnh, hiện vật trong các viện bảo tàng ở trong ngoài nước, hoặc tại những vùng nông thôn. Nhưng mạch nguồn của điệu múa sư tử vẫn chảy mãi mặc cho sự biến đổi của dòng thời gian. Tiếng trống rước sư tử vẫn giòn giã vang lên như đang thúc giục người ta hoà mình vào không khí tươi vui của đêm Rằm tháng Tám. Vậy hãy cùng nhau ngắm nghía, xem lại những bức ảnh, bức vẽ về món đồ chơi Trung Thu trước đây nhé.

Đầu sư tử cỡ lớn bằng nan tre bồi giấy trong triển lãm đồ chơi An Nam tại Trocadero năm 1932.
Đầu sư tử cỡ vừa dành cho trẻ em bằng nan tre bồi giấy tại Hà Nội, niên đại đầu thế kỷ XX. Hiện vật của bảo tàng Quai Branly, Pháp
“Đầu Sư tử” Tranh vẽ đầu sư tử trong sách Kỹ thuật của người An Nam – Technique du peuple Annamite (Henri Oger 1908 – 1909)
Trẻ em, thiếu niên múa sư tử. Ảnh do Madeleine Colani chụp vào năm 1925-1935 tại Hà Nội.
Trẻ em múa sư tử trước một cửa hàng bán đồ chơi Trung Thu.
Tết Trung Thu – Lương Ngọc Vũ Cát Phủ vẽ. Tư liệu tranh dân gian Hàng Trống của Viện Viễn Đông Bác cổ(EFEO)
Tranh biếm hoạ “TỨC CẢNH”, đăng trên báo Phong Hoá số 117, ngày 28/9/1934.
Quả cầu ngọc để múa sư tử kết bằng nan tre và giấy màu tại Hà Nội, niên đại đầu thế kỷ XX.
Hiện vật của bảo tàng Quai Branly, Pháp.
Hiện vật đầu sư tử cỡ nhỏ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đặc biệt loại đầu sư tử này không có phần hàm nhô ra, không dùng để múa mà mang chức năng là lễ vật để dâng lên các Thánh Cậu tại các đền phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ Phủ.

Ngọc Anh