1. Khi tôi đến ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, vốn là nơi thành lập Công hội Đỏ đầu tiên của Hà Nội, ông Trần Gia Khánh đang bận bộ pijama. Thấy khách đến, ông xin lỗi rồi lên gác, vài phút sau đã quần tây, áo sơ mi lịch thiệp bước xuống. Nghe tôi nói: “Chúng cháu chỉ làm phiền ít phút thôi, bác không cần cầu kỳ đâu ạ”, vợ ông đỡ lời: “Ông nhà tôi xưa nay vẫn thế. Hễ có khách là phải chỉn chu”.
Ông Khánh mua căn nhà này cách đây 30 năm, biết nhiều chuyện liên quan đến ngôi nhà. Ông bảo: “Tôi nói với các anh bên Tổng Liên đoàn Lao động là nếu cần một gian làm phòng lưu niệm, gia đình tôi sẵn sàng”.
Cung cách ân cần, nhã nhặn của ông Gia Khánh làm tôi nhớ đến một gia đình ở phố Hàng Bạc, từng là chủ hiệu vàng có tiếng ở Hà thành. Bà cụ đã ngót nghét tám mươi kể, khi chớm tuổi thanh nữ, hễ bước ra ngoài cửa mà mặc áo ngắn tay, hở vai là bị cậu, mợ gọi lại, “cho một bài”. Cười nói ồn ào trên phố cũng bị nhắc nhở. Mấy anh chị em được rèn lời ăn tiếng nói. Hằng ngày, sau giờ học phải phụ giúp bố mẹ việc nhà…
Hay một nhà khác ở phố Tố Tịch, mấy cô con gái cô nào cũng phải học nữ công gia chánh, “để khi về làm dâu nhà người ta khỏi bị chê cười”. Phố cổ bây giờ không còn nhiều “người cũ”. Cuộc sống đổi thay, người ở nhiều nơi khác đến. Nếp cũ bị cuốn đi, song đôi khi ta vẫn gặp những “mảnh trầm tích”. Đó là sự khiêm tốn, nhã nhặn. Là sự tinh tế trong sắp đặt cuộc sống. Hẳn nhiên là cả nết ăn cách mặc kỹ lưỡng, ngay cả khi điều kiện kinh tế không dư dả. Và, như nhà nghiên cứu Giang Quân từng kể: Ngay cả những việc không đẹp, người Hà Nội cũng “tế nhị hóa” khi đề cập đến.
2. Hà Nội đã trải qua một chặng dài phát triển. Rõ nhất là hành trình “lên phố” từ những vùng ven đô. Các quận của Hà Nội, mấy chục năm trước nhiều nơi vốn là làng. “Tiền thân” của hàng loạt phố phường ở quận Ba Đình là một loạt làng cổ như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Ngọc Khánh… Chu trình này lặp lại ở quận Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm…
Mỗi khi một khu vực nào đó “lên phố”, đáng lý người ta phải mừng. Mừng vì hạ tầng được cải thiện. Mừng vì được tiếp cận sự sâu lắng, tinh tế của “văn hóa thị dân”. Nhưng kèm theo đó là nỗi lo “mất văn hóa”. Vì sao lại thế?
Nền tảng văn hóa Việt là văn hóa làng. Phần đông người Việt xuất thân từ nông thôn, nông dân. Hà Nội cũng thế. Văn minh nông nghiệp đồng hành với lịch sử và đạt được nhiều thành tựu ở Việt Nam và cả thế giới. Nhưng thế giới không đứng yên, họ tiến tới văn minh công nghiệp với đặc điểm nổi bật là sự phát triển của đô thị, thị dân. Nay nhiều nước đã bước vào kỷ nguyên hậu công nghiệp. Còn người Việt vẫn loay hoay với văn minh nông nghiệp, góc nhìn về đô thị, thị dân chưa hoàn chỉnh. Không nhiều người dám khẳng định cái hào hoa, thanh lịch của Hà Nội là sản phẩm của “văn hóa phố”.
Khi làng quê mất đi nhiều nếp cũ, tràn ngập vẻ hào nhoáng, tiếng nhạc xập xình, đám trẻ phóng xe vun vút…, người ta đổ lỗi cho “đô thị hóa”, do du nhập “văn hóa thị dân”, quên mất rằng tập quán, lối sống, nếp sinh hoạt của cư dân 36 phố phường chính là hồn cốt Thăng Long – Kẻ Chợ!
Phải chăng người ta thiếu thiện cảm với “văn hóa phố” bởi sự biến đổi của văn hóa Hà Nội? Từ sau năm 1954, luồng di cư ào ạt đến quá đông. Nhiều nếp làng được mang lên phố. Khi nó chiếm số đông thì có thể trở thành chủ đạo. Cái hay của văn hóa làng là sự gắn bó cộng đồng, là lối sống tình cảm, nhưng cái dở là cách ứng xử thô phác, tùy tiện. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo kể, có một thời, nếu nói “xin lỗi”, “cảm ơn” thì bị “móc” là “tiểu tư sản”.
Ở làng, nhiều người bị ràng buộc đủ thứ, dư luận làng xã khiến con người nhiều khi “nhìn nhau mà sống”. Ở đô thị là chuyện khác, kiểu cách nhẹ hơn nhiều. Người ta ít “sống bằng dư luận”, chủ yếu nương theo luật pháp. Một khi việc thực thi luật pháp lỏng lẻo thì “thói quê”, nhất là sự tùy tiện vốn bị kìm hãm sẽ bùng phát. Tùy tiện trong vứt rác, tùy tiện trong tham gia giao thông, tùy tiện “ăn to nói lớn”… Đó là lý do khiến nhiều người băn khoăn về chuyện “nông thôn hóa thành thị”.
3. Theo lộ trình, đến năm 2025 Hà Nội có 5 huyện nữa trở thành quận, gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì. Làng lên phố là chu trình không thể đảo ngược. Vấn đề là phải nhận thức rõ quy luật, thẳng thắn nhìn nhận ưu điểm, nhược điểm của văn hóa làng – văn hóa đô thị thì mới có thể xây dựng chính sách phù hợp. Khi nhận thức làng lên phố là tất yếu, cần tạo bước chuyển hóa để người dân thích ứng với đô thị, lưu giữ một số nét đẹp văn hóa làng chứ không cố “níu nếp làng”.
Tiêu chí về hạ tầng là thứ không quá khó để đạt được, còn “đô thị hóa con người” mới thực sự là vấn đề nan giải. Trong bối cảnh hiện nay, vừa phải “căn chỉnh” chuẩn mực văn hóa ở khu vực đô thị cũ, vừa phải chuẩn bị về văn hóa cho những thị dân tương lai, lại vừa phải có giải pháp cho dòng người nhập cư thẩm thấu văn hóa Hà Nội.
Chuyện phố – làng thực ra liên quan đến hầu hết công dân đang sống ở Thủ đô. Hà Nội đã ban hành, triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng, ít nhiều giúp cải thiện văn hóa ứng xử. Thách thức là rất lớn. Giáo sư Lê Văn Lan từng bày tỏ: “Thước đo” một người có phải người Hà Nội hay không không phải thời gian sinh sống ở Thủ đô, mà là văn hóa ứng xử của anh ta có “Hà Nội hay không”. Nhưng thời gian giúp con người thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi, thích ứng. Đó là cơ sở để chúng ta đặt niềm tin vào tương lai.
PV/nguoihanoi.com.vn