Du khách đến Hà Nội tăng nhanh trong đầu tháng 6/2023. (Ảnh: H.Phong) |
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 74,4% với cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy ngành Du lịch Thủ đô đang phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ kể từ sau dịch bệnh Covid-19.
Để đạt được kết quả này, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới, trong đó xây dựng thêm nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn gắn với nhiều làng nghề nổi tiếng ở khu vực ngoại thành.
Khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều lợi thế để xây dựng thành những tuyến du lịch hấp dẫn với nhiều làng nghề nổi tiếng, di tích, di sản. Chẳng hạn như, huyện Thanh Oai được biết đến là vùng đất cổ có truyền thống hiếu học, nơi sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhà văn hóa nổi tiếng như: Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, đệ nhất Tam nguyên Vũ Phạm Hàm… Ngoài ra, Thanh Oai còn có 51 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước và đã được công nhận.
Huyện Mỹ Đức vốn có quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) nổi tiếng. Trung bình mỗi năm, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Ngoài ra, huyện còn có nhiều di tích, danh thắng như hồ Quan Sơn, được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” với diện tích khoảng 1.465 ha, trong đó, có trên 500 ha mặt hồ với nhiều núi đá, đảo nổi trên mặt nước; khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai có quy mô 1.120 ha, có núi đồi và hệ thống hồ nước, khí hậu trong lành, phù hợp với mô hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe… Mỹ Đức còn có không ít làng nghề như: Nghề thêu ở xã Tuy Lai; nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá; nghề mây, tre, giang đan Đông Mỹ; nghề múa rối ở Tế Tiêu… và nhiều di tích độc đáo khác.
Thị xã Sơn Tây được coi là có “mỏ vàng” di sản. Ngoài làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây còn sở hữu toà thành đá ong độc nhất vô nhị Việt Nam ở ngay trung tâm thị xã; đền Và – nơi thờ đệ nhất Tứ Bất Tử Tản Viên Sơn Thánh hay Văn Miếu Sơn Tây. Nơi đây, hoàn toàn có thể hình thành một “con đường di sản”, chưa kể có thể xây dựng những tour liên thông với các khu nghỉ dưỡng, sinh thái khác trên địa bàn Sơn Tây và Ba Vì…
Hiện chỉ riêng làng cổ, vùng ngoại thành có nhiều điểm nổi tiếng như: Làng cổ Cự Đà, Làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)… Cùng đó, các khu vực kể trên cũng được mệnh danh là “đất trăm nghề”, tiệm cận những khu vực này có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)…
Điều đáng chú ý là nhiều di tích quan trọng có sự phân bố hợp lý dọc theo những trục giao thông chính của Thành phố. Dọc đại lộ Thăng Long có chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) đều là những Di tích quốc gia đặc biệt. Trục đường 32 có đình Đại Phùng (huyện Đan Phượng), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và các di tích trên địa bàn Sơn Tây…
Ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, du lịch đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng, xã đã hoàn thiện xây dựng Khu trải nghiệm Sen Hồng thuộc quần thể chùa Khánh Vân; trùng tu, tôn tạo đình Cả; hoàn thiện đầu tư khu Đảo hoa tiên – Xứ mây hồng, diện tích 2ha ở khu vực bãi sông Hồng – nơi gắn với truyền thuyết về Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung…
“Giữ chân du khách ở lại lâu hơn, xã Hồng Vân còn cải tạo trụ sở Ủy ban nhân dân xã cũ làm nơi lưu trú cho du khách. Địa phương cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên và thành viên Ban Quản lý Du lịch của xã về nghiệp vụ đón khách; hướng dẫn các nhà vườn đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Đăng cho biết.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, du lịch phục hồi mạnh một mặt là do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, mặt khác Thành phố đã có nhiều giải pháp đồng bộ để phục hồi kinh tế – xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Trong đó, kịp thời kích cầu du lịch, đưa ra một số sản phẩm du lịch mới như mở rộng và thúc đẩy hoạt động các tuyến phố đi bộ (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm; phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; phố đi bộ hồ Thiền Quang, Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng; phố đi bộ quanh Thành cổ, thị xã Sơn Tây; phố đi bộ Đảo Ngọc, Ngũ Xã, quận Ba Đình).
Để giữ đà tăng trưởng, trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ ban hành và triển khai kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì.
Mới đây nhất, nhiều nhà hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội được thương hiệu ẩm thực nổi tiếng hàng đầu thế giới Michelin gắn sao, vinh danh. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xây dựng những sản phẩm độc đáo, mới lạ về ẩm thực gắn với du lịch trong thời gian tới. |
Hà Phong
https://laodongthudo.vn/nganh-du-lich-thu-do-lay-lai-da-tang-truong-157786.html