Ngành Giáo dục ứng phó thế nào với ChatGPT?

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), điển hình gần đây là sự ra đời của ChatGPT, tuy tuổi đời rất ngắn nhưng đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngành Giáo dục Việt Nam cũng đứng trước những tranh luận về việc sử dụng sản phẩm AI này như thế nào? Cần nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục ra sao?

Có nên cấm ChatGPT?

Một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là ngành Giáo dục cùng các nhà trường có cấm học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT hay không?

Ngành Giáo dục ứng phó thế nào với ChatGPT?
Nếu có chính sách tốt thì ngành Giáo dục, các nhà trường có thể khai thác tận dụng các lợi ích từ công nghệ. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, tại Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo – Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, PGS. TS Tạ Hải Tùng (Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, với sự xuất hiện của ChatGPT, đây là lần đầu tiên người dùng đại chúng tiếp cận được với trí tuệ nhân tạo, là một bước tiến trong hành trình dài tạo ra một AI hữu ích cho con người. Công nghệ hỗ trợ giúp chúng ta hiểu học sinh, sinh viên hơn, từ đó mang lại nhiều dịch vụ hỗ trợ cho giáo dục.

Về lo lắng sinh viên sẽ lười hơn khi ChatGPT ra đời, PGS.TS Tạ Hải Tùng bày tỏ, việc một số trường, giáo viên cấm sinh viên dùng ChatGPT là “bảo thủ”. Nhiều sinh viên kỹ năng viết bài luận cuối môn học rất kém, thậm chí nếu để các em tự viết và chấm thẳng tay, khó đạt điểm 5 – mức trung bình. Dù có kiến thức nền nhưng mức độ diễn đạt thành bài luận hoàn chỉnh rất kém. Tuy nhiên, nếu biết cách sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT thì các em có thể cải thiện bài luận, nội dung phong phú hơn, sáng tạo hơn để đạt được 7 điểm trở lên. “ChatGPT tốt hay xấu là do cách và mục đích sử dụng của người học. Chúng ta nên kỳ vọng đây là công cụ để sinh viên học tốt hơn, làm nền cho sự tiến bộ”, PGS.TS Tạ Hải Tùng chia sẻ.

Cùng quan điểm, PGS. TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sự xuất hiện của ChatGPT là cơ hội giải phóng cho giáo viên khỏi một số công việc; tập trung thay đổi dạy học từ nội dung sang năng lực, từ dạy kiến thức sang dạy người; cơ hội để học sinh thúc đẩy việc dạy học theo hướng cá nhân hoá. Thay vì cấm giáo viên, học sinh, sinh viên, hãy khuyến khích sử dụng ChatGPT một cách khôn ngoan, hình thành năng lực số, tận dụng công cụ số để phục vụ cho sự phát triển nghề nghiệp của cá nhân mình.

Còn theo ông Phùng Việt Thắng (Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam), những công ty công nghệ muốn phát triển đều cần có cam kết về bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư. ChatGPT có thể được gọi là trợ lý hỗ trợ cho nhiều đối tượng như giáo viên, học sinh, nhà kinh doanh… Lợi ích của ChatGPT phụ thuộc vào năng lực tận dụng của từng đối tượng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là người dạy, người học cần tìm ra cách tận dụng “vị trợ lý” này một cách hiệu quả nhất cho công việc của mình.

Thay đổi để thích ứng

Để thích ứng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, trong đó có ChatGPT, GS. TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thực ra hiện nay sinh viên vẫn đang sử dụng khá nhiều ứng dụng để học tập, nghiên cứu. ChatGPT đặt ra thách thức với ngành Giáo dục, với các nhà trường về việc cần tiếp tục có những thay đổi quyết liệt hơn trong việc không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn dẫn dắt người học đạt được các yêu cầu về phẩm chất, kỹ năng…

Trước băn khoăn, liệu rằng ChatGPT có làm rộng thêm khoảng cách giữa địa bàn thuận lợi và nơi khó khăn hơn hay không, khi mà học sinh, giáo viên của các trường học ở địa bàn thuận lợi sẽ có nhiều lợi thế về hạ tầng, điều kiện để khai thác ChatGPT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, nếu có chính sách tốt thì ngành Giáo dục, các nhà trường dù ở địa bàn nào cũng có thể khai thác tận dụng các lợi ích từ công nghệ. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kỹ nội dung này để bảo đảm mọi học sinh đều được bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục chất lượng.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, dữ liệu, thông tin, kiến thức, tri thức thì càng chia sẻ nhiều càng giá trị. Nhiệm vụ của ngành Giáo dục không chỉ chia sẻ thông tin mà còn chia sẻ kiến thức, tri thức nên đem đến lợi ích lớn lao cho người dân, cho xã hội. Với công nghệ, một số việc của con người đã được làm thay. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay, ứng dụng trong dạy học trực tuyến và trí tuệ nhân tạo.

Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong muốn các học sinh, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục sử dụng, cảm nhận, trải nghiệm công nghệ để hiểu hơn và cùng thảo luận, tiếp tục làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại, tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, việc hình thành các trung tâm dạy học xuất sắc trong nhà trường rất cần thiết nhằm hỗ trợ người thầy giảm bớt khối lượng công việc, tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng như là bình đẳng trong giáo dục.

“Ứng dụng công nghệ làm sao để chúng ta hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào những công nghệ, công cụ và để làm sao cuối cùng chúng ta mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. Và tất cả chính sách cũng đều hướng đến ý nghĩa đó. Giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường. Đó là những chính sách mà Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để điều chỉnh. Và chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… hay còn những điều về công nghệ phía trước cũng do con người phát minh ra. Thế nên, trong công tác giáo dục, Google hay ChatGPT cũng chỉ là dữ liệu lớn để tham khảo mà thôi. Muốn hình thành những công dân có trí tuệ, đào tạo ra lực lượng lao động cho xã hội thì kiến thức từ sách vở, cuộc sống để dung nạp vào não bộ học sinh để hình thành nên tư duy, phương pháp luận và hành động mới là quan trọng.

Phạm Thảo

Ngành Giáo dục ứng phó thế nào với ChatGPT? (laodongthudo.vn)