Ngày mới ở Tiến Xuân

Năm 2008, khi từ Hòa Bình “về” Hà Nội, đời sống đồng bào dân tộc Mường ở Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) vẫn nhiều khó khăn: Hạ tầng thiếu thốn, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, nhiều lao động thiếu việc làm, thu nhập chưa cao… Hôm nay, Tiến Xuân đã khác xưa, điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… được đầu tư khang trang. Không chỉ nâng cao đời sống kinh tế, nhiều năm qua người dân ở xã còn chú tâm gìn giữ văn hóa cồng chiêng, nâng cao đời sống tinh thần.

Đổi mới từng ngày

Về xã Tiến Xuân những ngày này, hai bên đường lúa trổ bông thơm ngát, hoa phù dung đón hè khoe sắc. Men theo cung đường được trải nhựa phẳng phiu, tôi bắt gặp không ít xe chở nông sản ngược từ Tiến Xuân về trung tâm Thủ đô. Thế mới biết, hạ tầng được đầu tư đã góp phần đáng kể thúc đẩy giao thương, giao lưu kinh tế giữa các vùng.

Ngày mới ở Tiến Xuân
Đường về xã Tiến Xuân ngày một khang trang, được trải bê tông, thảm nhựa phẳng phiu. (Ảnh: Giang Nam)

Nhìn Tiến Xuân thời điểm này, hẳn ít người biết chỉ cách đây hơn một thập kỷ trước, nói về Tiến Xuân cùng với Yên Trung, Yên Bình, Đông Xuân là nói về bốn xã xa xôi, heo hút. Nào là đường đi khó khăn, núi đồi trùng điệp, ban đêm chỉ có ánh đèn dầu heo hắt vì chưa có điện sinh hoạt… Bây giờ, đường về các xã “vùng khó” năm nào được trải nhựa phẳng lỳ, ô tô, xe máy chạy bon bon qua những vạt ruộng thẳng cánh cò bay, những đồi sắn xanh mướt trải dài.

Không chỉ riêng đường quốc lộ, đường liên huyện, liên xã mà ngay cả đường thôn, ngõ xóm cũng được thảm bê tông sạch đẹp. Dọc bên đường và thấp thoáng giữa những tán cây là những ngôi nhà cao tầng, khang trang, hiện đại. Ðiện sinh hoạt được kéo về từng nhà. Tối đến, ánh đèn sáng trưng đường làng ngõ xóm, tiếng ti vi, tiếng đài loa rộn ràng..

Ông Đinh Công Lực – Trưởng Thôn 3 kể, chỉ trong vòng ít năm Tiến Xuân được Thành phố và huyện quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Tiến Xuân đã huy động được hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động đổ bê tông hóa đường làng, ngõ xóm. Nhờ huy động được nhiều nguồn lực của huyện và Thành phố, đồng thời khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi của địa phương đã được xây dựng và tu sửa khang trang.

Theo tìm hiểu, Tiến Xuân còn là xã đầu tiên trong số các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Là xã dân tộc miền núi nhưng đến nay, thu nhập bình quân của Tiến Xuân đã đạt 62 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh phát triển nông, lâm nghiệp, xã Tiến Xuân còn tập trung hướng nghiệp, dạy nghề cho người dân. Trong đó, từ năm 2017 đến 2020, xã liên kết với các doanh nghiệp, công ty trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc về dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động với thu nhập từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Nâng cao đời sống tinh thần

Chị Tạ Thị Hồng – Chi hội phó Hội phụ nữ thôn 3 chia sẻ, ngoài phát triển kinh tế, những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện Thạch Thất và thành phố Hà Nội, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống ở Tiến Xuân được duy trì, nâng cao. Từng không có bộ cồng chiêng nào, đến nay, Tiến Xuân đã có hàng chục bộ và văn hóa cồng chiêng còn được đưa vào chương trình học tập tại các trường học trên địa bàn xã. Ngoài ra, Thành phố và huyện Thạch Thất còn mở nhiều đợt tập huấn, tạo điều kiện để các đội cồng chiêng tham quan, tìm hiểu văn hóa người Mường ở các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình… Nhờ vậy, bản sắc văn hóa, nét đẹp trong phong tục, tập quán của Tiến Xuân được bảo lưu và ngày càng phát huy tích cực.

Ngày mới ở Tiến Xuân
Người dân kể về những đổi thay trên vùng đất Tiến Xuân. (Ảnh: Giang Nam)

Nhắc đến cồng chiêng, một trong những người có công gìn giữ loại hình nghệ thuật này suốt hàng chục năm qua phải kể tới bà Bùi Thị Bích Thìn. Từ khi lên 9 tuổi, bà Thìn đã học đánh chiêng. Từ niềm yêu thích với cồng chiêng, hát múa dân gian, bà Thìn đã sưu tầm, gìn giữ các bài chiêng, lời ca, điệu hát ví cổ. Đồng thời, truyền lại cho các chị em trong đội văn nghệ, giới thiệu và biểu diễn cồng chiêng phục vụ bà con nhân dân các thôn, xã trên địa bàn huyện.

Trước đây, khi chưa sáp nhập về Hà Nội, hệ thống giao thông của Tiến Xuân chủ yếu là đường đất. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như trạm y tế, trường học còn sơ sài. Kinh tế chậm phát triển, chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp lạc hậu. Đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tiến Xuân hôm nay đã có những đổi thay tích cực, chỉ trong vòng ít năm qua, xã được Thành phố, huyện đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế – xã hội nơi đây tiếp tục được cải thiện. Hiện, xã đã có hộ dân đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại; phát triển nghề trồng rừng (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi); đa số lao động trẻ có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trong vùng…

Với mong muốn khơi dậy và quảng bá văn hóa cồng chiêng một cách sâu rộng hơn, bà Thìn đã đứng ra vận động các chị em trong đội văn nghệ ở các thôn thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân. Bà Thìn được đề bạt làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ chia làm ba đội ở ba thôn Miễu 1-2, thôn Cố Ðụng 1-2, thôn Ðồng Dâu. Các thành viên trong các đội được trang bị thêm kiến thức, giao lưu, sinh hoạt và tham gia nhiều buổi biểu diễn do Ủy ban nhân dân xã Tiến Xuân, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất tổ chức.

Chị Tạ Thị Tâm, một thành viên Câu lạc bộ bảo rằng, nhờ những buổi giao lưu văn nghệ, nhiều người đã hiểu hơn về nét đặc sắc của văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường. Các em nhỏ ở Tiến Xuân cũng được tiếp cận, học tập, trở thành những người kế cận cho Câu lạc bộ. Chị Tâm cùng các nghệ nhân, các thành viên Câu lạc bộ hiện tại đều không có mong muốn gì nhiều ngoài mong bản thân luôn giữ được nhiệt huyết, có sức khỏe để truyền dạy, giao lưu, phát huy những giá trị văn hóa. “Với cồng chiêng, người đánh phải biết cách sử dụng về thanh âm, bức âm. Nên chúng tôi luôn cùng nhau giữ tinh thần, cùng học và làm cho cồng chiêng cất tiếng”, chị Tâm chia sẻ.

Được biết, thời gian qua được sự quan tâm của Ban Dân tộc Thành phố, các sở, ngành của Hà Nội, Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân đã có cơ hội được đi giao lưu, trình diễn, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều sự kiện lớn. Qua đó, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Mường của Thủ đô đến với người dân khắp mọi miền.

Trở lại câu chuyện phát triển đời sống kinh tế ở xã Tiến Xuân, có tận mắt chứng kiến mới thấy, nhờ huy động được nhiều nguồn lực của huyện và Thành phố, đồng thời khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi của xã đã được xây dựng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong xã được nâng cao rõ rệt. Được biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tiến Xuân xác định, trong thời gian tới, tiếp tục đổi mới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền, tăng cường chất lượng các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, từng bước xây dựng Tiến Xuân ngày càng giàu đẹp./.

Giang Nam / laodongthudo.vn